Câu lạc bộ Hoa kiểng xã Phú Lâm có 12 thành viên. Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng 8 âm lịch, nông dân trong Câu lạc bộ lại bắt tay vào chuẩn bị cho một vụ hoa Tết mới. Các hộ dân trồng 5 đến 6 loại hoa để đưa ra thị trường như: Cúc Đà Lạt, cúc Tiger, cúc Đài Loan, thược dược, vạn thọ Hương, Pháp,v.v…
Ðể có những bông hoa tươi, đẹp phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết, các hộ dân trong Câu lạc bộ không chỉ nắm chắc diễn biến thời tiết mà còn phải áp dụng tốt các kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Thông thường các loại hoa có thời gian sinh trưởng, phát triển dài ngày và lâu ra hoa được các hộ dân ưu tiên xuống giống trước. Còn hoa ngắn ngày, mau ra hoa thì được gieo vào độ tháng 10 âm lịch để nở đúng dịp Tết. Với loại hoa cúc Tiger thời gian sinh trưởng ra hoa khoảng 4 tháng nên được các hộ dân ưu tiên xuống giống trước. Còn hoa Vạn thọ, thời gian sinh trưởng khoảng 2 tháng nên được gieo vào độ tháng 10 âm lịch để nở đúng dịp Tết.
Nói về kỹ thuật trồng hoa, ông Nguyễn Văn Sân cho biết: “Đầu tiên chọn mua cây giống, xới đất, phân rơm cho vào chậu, 3 ngày sau bỏ chút phân vào, theo dõi sự phát triển của cây con rồi bón thêm phân cho cây phát triển. Khi cây cúc còn nhỏ, việc xới đất cũng cần cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Nếu muốn cây cúc có cành mập, hoa to thì không nên bấm ngọn mà tỉa bỏ hết các mầm nhánh phụ mọc từ nách lá, chỉ để lại 1-2 nụ trên thân.”
Đối với gia đình ông Sân, năm nay, do thời tiết thất thường, mưa nhiều không có con giống nên gia đình ông chỉ trồng được trên 1.500 giỏ hoa bán Tết, số chậu hoa ít hơn so với Tết năm trước. Theo ông Sân, trung bình sau mỗi vụ hoa Tết, trừ chi phí, ông thu lời khoảng 40 triệu đồng. Hoa không chỉ phân phối ở chợ địa phương mà còn bỏ sỉ cho tiểu thương các huyện lân cận như thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu và huyện Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp. Ông Nguyễn Văn Sân chia sẻ thêm: “Năm nay, do thời tiết thất thường, mưa nhiều nên không đủ cây con giống để mua trồng; một phần cây con phát triển không tốt nên chăm sóc khó khăn. Bởi, mưa trái mùa diễn biến sâu bệnh phức tạp, cây dễ bị thối rễ, thối lá, năng suất giảm.”
Công việc trồng hoa không phải là nghề “dễ ăn”, ai muốn học theo cũng được. Chỉ đơn giản như việc ươm giống, nếu không khéo, chăm sóc không phù hợp với thời tiết, hoa trổ sớm hoặc trễ hơn thời điểm bán là người trồng chịu lỗ. Nhưng vì giá trị kinh tế mang lại từ trồng hoa và để cho ngày Tết của mỗi nhà thêm vui, nông dân Câu lạc bộ vẫn miệt mài với công việc chăm sóc vườn hoa của mình. Với mong muốn giá cả ổn định, thời tiết thuận lợi thì người trồng hoa có thu nhập, ổn định cuộc sống và góp thêm hương sắc, không khí trong những ngày xuân về.
Ông Lê Văn Bông – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lâm cho biết: “Bình quân từ khi chăm sóc hoa đến thu hoạch khoảng 3 tháng, trừ chi phí lợi nhuận thu được 6 triệu đồng/1.000m2, so với trồng lúa, lợi nhuận cao hơn; giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương có thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, chính quyền xã rất quan tâm, tạo điều kiện cho Câu lạc bộ nhân rộng đến các hộ khác. Trong năm, Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân huyện cùng Ngân hàng Phát triển nông nghiệp nông thôn chi nhánh Chợ Vàm hỗ trợ cho 5 thành viên trong Câu lạc bộ vay 210 triệu, giúp cho các thành viên trong Câu lạc bộ có vốn trồng các loại hoa, tăng năng suất, tăng số lượng để phục vụ hoa trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.”.
Kim Sang – Nguyễn Thắng/ Đài Truyền thanh huyện Phú Tân