Ngày 05/4 Sở Nông nghiệp đã ban hành kế hoạch số 50/KH-SNNPTNT về triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2024, Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
|
Theo đó, ông Tôn Thất Thịnh Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu cán bộ, công chức viên chức ngành nông nghiệp và người dân, doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp cần tăng cường nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện chuyển đổi số dựa trên Bộ chỉ số mức độ chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang (Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 03/01/2023 của UBND tỉnh An Giang). Tăng cường ứng dụng các công nghệ, mô hình chuyển đổi số vào các lĩnh vực nông nghiệp. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. 80% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính sách; kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin. 50% hồ sơ giải quyết trực tuyến và 90% hồ sơ công việc tại cơ quan được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).
Bên cạnh Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đồng Thời tìm kiếm những sáng kiến, cách làm, mô hình điển hình về chuyển đổi số của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân trên địa bàn để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng. Có ít nhất 01 sáng kiến, mô hình hay về chuyển đổi số thuộc ngành nông nghiệp.
Về nhiệm vụ và giải pháp
Nhận thức số: Tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số; kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu; sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành nông nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp tham gia vào kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia để được cập nhật kịp thời thông tin mới nhất về chuyển đổi số phục vụ công tác. Việc tham gia chỉ đơn giản bằng cách sử dụng Zalo và thực hiện quét mã QR.
Song song đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung, mô hình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương; chủ động thí điểm triển khai sáng kiến mới tại địa phương, có khả năng nhân rộng trên toàn quốc, đặc biệt là các sáng kiến liên quan đến dữ liệu số.
Đồng thời triển khai kế hoạch hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 (ngày 10/10); Kế hoạch hưởng ứng và phổ biến Tháng 10 - Tháng Tiêu dùng số.
Xây dựng chuyên mục Chuyển đổi số trên Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Người đứng đầu tại mỗi đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung và chất lượng nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với ứng dụng công nghệ với mục tiêu chuyển đổi số.
Thể chế số: Rà soát, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật các cơ chế chính sách để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số: Phối hợp với VNPT An Giang triển khai thực hiện và đưa vào thử nghiệm hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp và nông thôn trong năm 2023. Kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các đơn vị trên địa bàn tỉnh An Giang. Nâng cấp, hoàn thiện xây dựng mới các cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng hình thành các hệ thống thông tin.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 831/KH-UBND ngày 07/12/2022 của UBND tỉnh An Giang về thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, các nền tảng số phổ biến đang được ứng dụng như: Nền tảng bản đồ số; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Nền tảng họp trực tuyến; Nền tảng hóa đơn điện tử; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh và các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Nhân lực số: Phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch số 616/KH-UBND ngày 30/9/2022 triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang. Lồng ghép, thực hiện các nội dung đào tạo, tuyên truyền nhận thức về kiến thức, kỹ năng số vào chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp hàng năm.
An toàn thông tin mạng: Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ phù hợp với quy định của pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ các hệ thống thông tin đang vận hành trước tháng 6 năm 2024. Đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ về trang thiết bị, giải pháp kỹ thuật, nhân lực vận hành an toàn thông tin và phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu.
Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai đầy đủ các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng; hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; hệ thống thông tin được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào sử dụng, khi nâng cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định; hệ thống thông tin được quản lý, vận hành theo mô hình 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp triển khai kế hoạch tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho các cán bộ, công chức, viên chức do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. Tham gia tập huấn, diễn tập về an toàn thông tin mạng theo kế hoạch.
Hoạt động chính quyền số: Đẩy mạnh quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.
Lồng ghép các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan.
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn của ngành luôn được thực hiện qua môi trường mạng
Kinh tế số: Phối hợp Sở Công thương; Sở Thông tin và Truyền thông; tổ chức triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, duy trì 90% sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có mặt sàn thương mại điện tử (theo Kế hoạch số 1245/KH-UBND ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh An Giang).
Phát triển nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ các sản phẩm tham gia thương mại điện tử, quản lý chuỗi giá trị, xuất khẩu. Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thông qua các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình xây dựng nông thôn mới.
Triển khai các nhiệm vụ khác trên cơ sở phối hợp thực hiện với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành tỉnh gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình công tác hàng năm của từng đơn vị liên quan các lĩnh vực: cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; dữ liệu về hợp tác xã nông nghiệp, cơ sở dữ liệu về thủy lợi, nước sạch nông thôn, dữ liệu kế hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý sản phẩm OCCOP…
Mô hình nông nghiệp chuyển đổi số: Chủ động tìm kiếm các đơn vị, các đối tác chuyên ngành về lĩnh vực chuyển đổi số để xây dựng các ứng dụng trên nền tảng tri tuệ nhân tạo, tương thích đa phương tiện giúp người nông dân, HTX quản lý cây trồng, các khâu sản xuất, phòng chống dịch bệnh, liên kết tiêu thụ nông sản… góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm...
Trang Nghiêm