Trong canh tác nông nghiệp nói chung và nuôi trồng Thủy sản nói riêng, thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi phát triển của các tác nhân gây bệnh chủ yếu trên các đối tượng Thủy sản nuôi, yếu tố môi trường nguyên nhân gián tiếp gây nên các bệnh về truyền nhiễm trên động vật thủy sản nuôi. Để giúp người nuôi có được những thông tin cơ bản về các biện pháp quản lý đàn cá nuôi tránh khỏi các tác nhân gây bệnh ngay thời điểm giao mùa, một số biện pháp khuyến cáo được tổng hợp như sau:
- Với ao mới cải tạo, rải vôi bột diệt khuẩn, mầm bệnh từ những vụ nuôi trước còn tồn lưu lại ở nền đáy ao, rãi vôi vào lúc trời nắng tốt với liều lượng 70-100kg/1.000m2 tùy thuộc vào vùng đất nhiễm phèn nhiều hay ít mà điều chỉnh cho hợp lý.
- Với ao đang nuôi, phát quang cỏ bờ, mé ao để lại một lớp cỏ thấp 10-15 cm ngăn ngừa xói mòn bờ ao, hạn chế đụt nước ao. Những ao có bóng cây che khuất ánh sáng nên mé cho thông thoáng, để mặt nước ao hứng trọn ánh sáng trong ngày giúp tảo quang hợp tốt cung cấp oxy cho cá hô hấp tốt. Ao thông thoáng sẽ tiếp nhận gió tốt giúp cho quá trình hòa trộn oxy trong không khí làm tăng dưỡng khí cho cá hô hấp và kiểm soát lượng tảo phát triển trong ao, hạn chế tảo nở hoa gây mất oxy về đêm. Vào những ngày thời tiết thay đổi sắp mưa, rãi vôi bột bờ, mé ao hạn chế rửa trôi phèn, đặc biệt sau những cơn mưa lớn nên dùng vôi bột hòa tan đều trong nước sau đó lấy nước trong tạc đều khắp mặt ao, vôi có tác dụng cân bằng độ pH nước trong ao nuôi, liều lượng 3-5kg/100m2 ao.

|
- Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi: Định kỳ thay nước, tần suất thay nước tăng dần theo giai đoạn phát triển của cá, khi lấy nước vào ao nên lựa chọn những lúc con nước lớn hạn chế lấy nước vào thời điểm nước ròng vì thời điểm này chất lượng nước xấu, hàm lượng tạp chất cũng như vi sinh vật, mầm bệnh nhiều nguyên nhân chính gây nên các bệnh truyền nhiễm đến cá nuôi. Kiểm soát tảo phát triển ở giai đoạn nữa chu kỳ nuôi đến khi thu hoạch vì giai đoạn này hàm lượng dinh dưỡng trong ao nuôi nhiều là điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển mạnh, diệt tảo bằng các hóa chất như phèn xanh liều lượng 200 – 300gam/1.000m2. Định kỳ xử lý nữa tháng/lần vào lúc nắng lên là lúc tảo bắt đầu quang hợp sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Sau thời gian xử lý 3-5 ngày dùng chế phẩm sinh học xử lý nền đáy ao vừa giúp phân hủy thức ăn thừa, xác tảo vừa phân hủy khí độc tồn lưu ở đáy ao.
- Quản lý thức ăn: Cho cá ăn theo nguyên tắc 4 định. Chất lượng thức ăn được cung cấp phù hợp với từng giai đoạn của cá nuôi. Nếu cho ăn không đủ hàm lượng đạm theo nhu cầu của cá nuôi gây nên tình trạng còi cọc, chậm lớn, thiếu dinh dưỡng của cá nuôi. Ngược lại hàm lượng đạm cao sẽ gây nên tình trạng cá tiêu hóa không hết, thải phân nhiều gây ô nhiễm nguồn nước dễ sinh mầm bệnh trong ao nuôi. Mỗi giai đoạn cá nuôi đều có những kích cỡ thức ăn, hàm lượng đạm, khẩu phần ăn khác nhau nên cho cá ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất đồng thời định kỳ 2 lần/tuần trộn bổ sung men tiêu hóa, vitamin C để cá tiêu hóa tốt thức ăn, tăng cường sức đề kháng. Cho cá ăn thức ăn còn thời hạn sử dụng. Lựa chọn những công ty sản suất thức ăn có uy tín, có đăng ký chất lượng sản phẩm.

|
- Tránh tổn thương do tác động cơ học hay do kí sinh trùng kí sinh gây tổn thương bên ngoài cơ thể cá nuôi nguyên nhân chính gây nên các bệnh truyền nhiễm. Định kỳ sát khuẩn nước trong ao nuôi 15-20 ngày/lần bằng các hóa chất diệt khuẩn như formol; chlorine; iodine; thuốc tím...để cắt đứt mầm bệnh trong ao nuôi. Sau thời gian xử lý 3-5 ngày dùng chế phẩm sinh học để phục hồi hệ vi sinh nền đáy ao.
Ngô Tuấn Tính
Trung tâm Khuyến nông