CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 11/08/2020

10:45 11/08/2020

Sẵn sàng kết nối, tiêu thụ nông thủy sản nội địa - Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan - Cơ hội với hạt gạo Việt Nam - ĐBSCL: Giá tôm chờ chuyển biến sau Hiệp định EVFTA - Rau củ đạt chuẩn khó 'chen chân' vào chợ truyền thống./.

 

Sẵn sàng kết nối, tiêu thụ nông thủy sản nội địa (11/08/2020)

Trước việc dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn bám sát diễn biến, sẵn sàng tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông thủy sản nội địa khi có thể.

 

Theo Trung tâm XTTM Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hiện một số chương trình xúc tiến thương mại, phiên chợ nông sản, hoạt động kết nối tiêu thụ nông thủy sản tại thị trường nội địa theo kế hoạch đang gặp khá nhiều khó khăn.

 

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp cho biết, theo kế hoạch, tuần lễ giới thiệu, kết nối tiêu thụ nhãn Hưng Yên tại Hà Nội dự kiến sẽ được diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20/8.

 

Hiện nay, Hà Nội có chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nông thủy sản của các tỉnh tại thị trường Hà Nội. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nên đến thời điểm này, Trung tâm XTTM Nông nghiệp và UBND tỉnh Hưng Yên vẫn tạm thời chưa chốt được chính thức thời gian diễn ra sự kiện này.

 

Chương trình này dự kiến sẽ có nhiều hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nhãn Hưng Yên với các hệ thống bán lẻ, nhà phân phối, siêu thị lớn tại Hà Nội..., nhất là trong bối cảnh mùa nhãn năm nay được mùa lớn, hiện nay giá nhãn đang thấp.

 

“Chúng tôi vẫn đang bám sát diễn biến của tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương Hưng Yên để cố gắng tổ chức được sự kiện này nếu điều kiện cho phép và mong tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát”, ông Đào Văn Hồ cho biết.

 

Cũng theo ông Hồ, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông thủy sản tại thị trường nội địa đang được Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai trong thời gian tới như: các phiên chợ nông thủy sản tại Huế, Đà Lạt, Hải Phòng, Kon Tum... sẽ dự kiến được triển khai trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào diễn biến về tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng tinh thần sẽ vừa theo dõi tình hình dịch bệnh, vừa chủ động triển khai các kế hoạch, sẵn sàng cho việc tổ chức sự kiện khi điều kiện cho phép.

 

Hiện một số địa phương đang hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người, nên một số chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ tại thị trường nội địa do Trung tâm XTTM triển khai có thể bị tạm ngừng, ví dụ chương trình phiên chợ tuần nông sản tại Nha Trang (Khánh Hòa), tuần lễ na Chi Lăng (Lạng Sơn) đã hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức trong tháng 8/2020, tuy nhiên các địa phương này thông báo hoãn sự kiện.

 

Trước tình hình này, Trung tâm XTTM Nông nghiệp cho biết đang nghiên cứu triển khai việc kết nối, tiêu thụ nông thủy sản tại thị trường nội địa thông qua các hình thức trực tuyến giữa các đơn vị cung ứng và các đơn vị tiêu thụ phân phối, nhất là tại các đô thị lớn...

 

Trong 2 tháng gần đây, Trung tâm XTTM Nông nghiệp cũng đã tổ chức được hàng loạt các hoạt động kết nối giao thương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông thủy sản tại thị trường nội địa như: Chương trình kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) tại Hà Nội; phiên chợ tuần nông sản tại Hà Nội; phiên chợ tuần nông sản tại Big C Thăng Long, Big C An Lạc (TP.HCM), Big C Cần Thơ; phiên chợ thủy sản và các mặt hàng cá tra tại Hà Nội...

 

Qua đó, đã tăng cường được kênh tiêu thụ nội địa cho các sản phẩm nông thủy sản. Đặc biệt trong Chương trình kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra với Tuần hàng cá tra và các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020 do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) hồi đầu tháng 6/2020, đã tạo kênh kết nối tiêu thụ rất khả quan đối với các sản phẩm cá tra tại thị trường phía Bắc.

 

Theo Xí nghiệp Bắc Hà (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội – HADICO), sau sự kiện này, xí nghiệp đã kết nối tiêu thụ sản phẩm cá tra với Công ty Cổ phần Nam Việt (Long Xuyên, An Giang) và liên tục tìm được các khách hàng ký hợp đồng tiêu thụ tại phía Bắc.

 

Gần 1 tháng sau khi sự kiện diễn ra, Xí nghiệp Bắc Hà đã có hơn 60 khách hàng đặt hàng, tiêu thụ cá tra và các sản phẩm từ cá tra. Hiện Bắc Hà có khoảng 30 đại lý ở các quận/huyện của Hà Nội. Đây là bước đầu khởi sắc, hứa hẹn sẽ có bước tiến mới trong việc đưa cá tra tiếp cận thị trường nội địa, đặc biệt là Hà Nội với gần 9 triệu dân.

 

Hiện nay, số lượng cá tra và các sản phẩm từ cá tra được doanh nghiệp, bếp ăn công nghiệp, cung cấp suất ăn đăng ký đặt hàng qua Bắc Hà đạt khoảng 100 tấn/tháng. Dự kiến đến cuối năm sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 230 tấn/tháng...

 

Theo Tổng cục Thủy sản, dự kiến thời gian tới, Tổng cục sẽ làm đầu mối kết nối, tổ chức thêm một số sự kiện hợp tác tiêu thụ giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra tại phía Nam với các nhà phân phối ở phía Bắc nhằm đẩy mạnh hơn nữa thị trường nội địa đối với sản phẩm này.

Nguồn: nongnghiep.vn

 

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan (11/08/2020)

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, sức cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế giảm mạnh khiến quốc gia này cân nhắc thay đổi chính sách nhằm tăng cạnh tranh trở lại.

 

Thời gian qua, đồng bath Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD và chi phí sản xuất tăng đã khiến giá gạo Thái Lan neo ở mức cao, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan ghi nhận, thời điểm đầu tháng 8 năm nay, giá FOB gạo trắng 5% tấm của Thái được giao dịch ở mức 460 USD/tấn, cao hơn 90 USD so với gạo đồng hạng của Ấn Độ trong khi gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu giá cao nhất 452 USD/tấn. Chỉ 1 tuần sau đó, cũng loại gạo này, Việt Nam xuất khẩu với giá 468 - 472 USD/tấn, gạo Thái lên 468 USD/tấn. Từ ngày 8.8 đến nay, trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam dao động ở mức 478 - 482 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với mức giá đầu tháng. Với mức này, gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.

 

Trước tình hình này, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc thay đổi chính sách gạo, trong đó tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu các giống gạo mới. Đây là nội dung trọng tâm của chiến lược sản xuất gạo giai đoạn 2020 - 2024 đã được Bộ Thương mại Thái Lan công bố vừa qua.

 

Nhóm các loại gạo sẽ được tập trung phát triển chia làm 3 phân khúc bao gồm loại cao cấp như gạo hom mali, gạo hương; loại đại trà như gạo trắng mềm, gạo trắng cứng, gạo đồ; và loại đặc biệt như gạo nếp và gạo đặc biệt. Theo đó, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ làm việc cùng Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo có cuộc họp sớm tìm kiếm các đối tác mới nhằm mở rộng thị trường do gạo Thái Lan hiện vẫn được nhiều đối tác quốc tế quan tâm nhờ chất lượng. Song song đó, trưởng đại diện các cơ quan Thương vụ của Thái Lan tại nước ngoài cũng được khuyến khích quảng bá, tìm kiếm thị trường tiềm năng.

 

Trong khi giá gạo xuất khẩu vẫn giữ được “phong độ” trong tuần qua, ngày hôm nay (11/8), giá lúa và gạo trong nước có sự biến động trái chiều.

 

Giá lúa các loại tăng nhẹ 100 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa tươi IR 504 và OM 5451 tăng nhẹ 100 đồng lên mức 5.800 đồng/kg. Giá nhiều loại lúa cũng tiếp tục neo ở mức cao như lúa Jasmine 6.000 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 ở mức 5.850 đồng/kg; đài thơm 8 có giá 6.200 đồng/kg; nàng hoa 9 giá 6.400 đồng/kg; OM 6976 giá 5.800 đồng/kg.

 

Với mặt hàng gạo, hôm nay (11/8), giá các loại gạo NL IR 504 và OM 5451 quay đầu giảm nhẹ sau nhiều ngày tăng. Cụ thể, giá gạo NL IR 504 ở mức 9.000 đồng/kg, giảm 100 đồng; gạo TP IR 504 ở mức 10.700 đồng/kg, giảm 100 đồng. Dù vậy, các thương lái vẫn cho rằng, mức giá này hiện còn cao hơn 300 - 500 đồng/kg so với cách đây một tuần.

 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 7 tháng đầu năm, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay Philippines đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với gần 37% thị phần. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu gạo có giá trị tăng mạnh nhất là Senegal (gấp 19,6 lần đạt 41.100 tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần đạt 45.200 tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9% đạt 457.600 tấn). Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tập trung hàng để hoàn tất các hợp đồng đã ký với những đối tác nước ngoài Malaysia, Philippines và Cuba

Nguồn: thanhnien.vn

 

Cơ hội với hạt gạo Việt Nam (11/08/2020)

Bước sang tháng 8-2020, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ đều tăng. Nhưng Việt Nam mới là nước có những gam sáng trong xuất khẩu gạo rõ nét. Theo các chuyên gia lúa gạo, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đều tăng trưởng, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan vươn lên vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong năm 2020. Vấn đề hiện nay là xác lập, khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thương trường.

 

Tiếp cận thị trường khó tính

Đầu tháng 8-2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là cánh cửa mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp  Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.  Theo đó, mặt hàng gạo của Việt Nam sẽ được miễn thuế xuất khẩu vào EU (80.000 tấn gạo được hưởng ưu đãi thuế). Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Công ty Trung An (Cần Thơ) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ở phân khúc gạo thơm, chất lượng cao vào các thị trường khó tính.

 

“EVFTA có hiệu lực là một cơ hội hiếm có cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Nhiều năm qua, công ty đã liên kết với nông dân sản xuất khoảng 7.000ha lúa (khoảng 150.000 tấn gạo) theo các quy trình an toàn, đáp ứng các thị trường khó tính” - ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An cho biết.

 

Trong năm 2020, công ty sẽ phấn đấu đạt ngưỡng xuất khẩu 80.000 tấn gạo thơm phẩm cấp cao. Giá gạo thơm xuất khẩu của Trung An hiện nay là mơ ước của nhiều doanh nghiệp khi đạt mức giá bình quân 700 - 900 USD/tấn, trong đó gạo xuất khẩu sang Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ… có giá cao nhất lên 1.500 USD/tấn.

 

Hiện tại giá lúa ở ĐBSCL ổn định ở mức cao, trên 5.000 đồng/kg lúa thường và trên 6.000 đồng/kg lúa chất lượng cao. Song, giá gạo trong nước tăng mạnh trong những tuần gần đây do giới thương nhân đang găm hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan vươn lên vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới ngay trong năm 2020.

 

Theo ông Phạm Thái Bình, Công ty Trung An đang nỗ lực thực hiện chuỗi sản xuất lúa gạo theo các quy trình an toàn thực phẩm tiên tiến, đáp ứng nhu cầu từ các thị trường khó tính. Công ty không cần chính sách ưu đãi mà chỉ cần cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, mở rộng quy mô liên kết với nông dân sản xuất lúa từ 7.000ha hiện nay lên khoảng 20.000ha trong vài năm tới.

 

Tạo vùng gạo có tiếng trên bản đồ thế giới

Ngoài các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận rộng hơn ở thị trường EU khi EVFTA đã có hiệu lực. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, gạo Việt Nam xuất hiện rất ít, thậm chí là hiếm ở các siêu thị khối EU. Gạo Thái Lan và Campuchia hiện tại vẫn chiếm ưu thế ở thị trường này. Chất lượng gạo Việt Nam hiện đã được nâng tầm. Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, điểm yếu lâu nay của gạo Việt Nam là làm chưa tốt việc quảng bá thương hiệu, quy trình sản xuất và số lượng cung cấp gạo phẩm cấp cao thiếu bền vững.

 

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua (người có công lai tạo giống lúa ST), từ khi gạo ST 25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới thì xu hướng sử dụng gạo có thương hiệu ở Việt Nam tăng lên, khả năng xuất khẩu gạo an toàn sang thị trường Mỹ rất dễ dàng. Hiện giống lúa ST 24 và ST 25 đã có sự chuyển đổi phù hợp ứng phó với mặn xâm nhập. Giống lúa ST 24, ST 25 đang là sự lựa chọn khôn ngoan của hàng ngàn nông dân vùng bán đảo Cà Mau. Ông Trương Văn Chệt, ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) trồng 1ha lúa ST 24 theo hướng hữu cơ. Ngoài giảm chi phí từ 2,5 - 3,6 triệu đồng/ha (tùy vụ) thì việc sản xuất theo hướng hữu cơ giúp đất được cải tạo tốt, hạt lúa sáng, chắc, no… Đặc biệt là lúa có đầu ra ổn định, khi có doanh nghiệp bao tiêu luôn đầu ra sau thu hoạch.

 

Tại thị trường nội địa, giá gạo ST 25, ST 24 đang ở ngưỡng 30.000 đồng/kg (quy ra trên 1.300 USD/tấn). Chất lượng gạo ST 24, ST 25 đã được khẳng định. Đây sẽ là bước ngoặt để thương hiệu gạo Việt khẳng định trên thị trường thế giới, nếu xây dựng được vùng nguyên liệu, gắn với quy trình sản xuất an toàn. Kỹ sư Hồ Quang Cua đề xuất: “Chúng ta cần xây dựng sản xuất lúa thơm ST ở vùng lúa - tôm của cả bán đảo Cà Mau. Đây sẽ là một vùng có tiếng trên bản đồ sản xuất gạo thế giới. Cơ sở của việc này là ở khả năng xuất khẩu gạo an toàn sang thị trường Mỹ và châu Âu rất dễ dàng. Chúng tôi đề xuất sản xuất lúa thơm ở vùng lúa tôm này theo hướng an toàn và các chương trình sản xuất lúa ở đây chúng ta cố gắng hạn chế hóa chất”.  

 

Nhiều cơ hội đang mở ra với hạt gạo Việt Nam, vấn đề là chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo ra “vùng gạo có tiếng trên bản đồ thế giới”, như mong muốn của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Nguồn: Báo SGGP

 

ĐBSCL: Giá tôm chờ chuyển biến sau Hiệp định EVFTA (09/08/2020)

Thị trường Châu Âu mở ra thuận lợi, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 và mùa mưa bão nên tôm xuất khẩu chưa mạnh.

 

Theo một công ty xuất khẩu thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng, giá tôm thu mua tại các nhà máy chế biến trong 2 tuần qua không có nhiều thay đổi. Tôm thẻ cỡ 100 con/kg phân loại thẻ A1 giá 92.000 đ/kg và loại A2 giá 78.000 đ/kg, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

 

Theo nhận định các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, hiện thời chưa có biến động tăng nhu cầu, thị trường Trung Quốc chưa phục hồi. Trong khi đó, thông tin xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ tăng 29% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu tôm sang EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực (từ 1/8) chờ chuyển biến mới được kỳ vọng có sẵn ưu đãi thuế quan, hợp đồng đã ký từ trước. Các nhà nhập khẩu thuận lợi hơn khi xem dòng sản phẩm nào thuế về bằng không trước sẽ có lợi ngay.

 

Còn ở vùng nuôi tôm, Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết tiến độ thả nuôi bằng 82,5% so với cùng kỳ, đạt gần 35.000 ha, trong đó tôm thẻ trên 25.800 ha. Đến nay, đã thu hoạch trên 10.800 ha (tôm thẻ gần 10.000 ha) ước sản lượng trên 48.700 tấn, thiệt hại chiếm 6,4% diện tích.

Nguồn: nongnghiep.vn

 

Rau củ đạt chuẩn khó 'chen chân' vào chợ truyền thống (08/08/2020)

Sản xuất theo quy trình, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh, thế nhưng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn khó “chen chân” vào chợ truyền thống.

 

Người tiêu dùng vẫn chuộng giá rẻ

Sản xuất theo quy trình, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thế nhưng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong đó có các mặt hàng rau củ vẫn khó “chen chân” vào chợ truyền thống, mặc dù đây là nơi tập trung đông người tiêu dùng.

 

Chúng tôi dạo quanh một số chợ truyền thống như Thị Nghè, Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Vườn Chuối (quận 3), Tân Định (quận 1), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) thì thấy mặt hàng rau củ bán đa dạng, số lượng nhiều, nhưng phần lớn là rau củ truyền thống, không nhãn mác hay xuất xứ rõ ràng. Các mặt hàng đạt chuẩn VietGap xuất hiện lẻ tẻ ở vài cửa hàng.

 

Ghi nhận tại chợ Vườn Chuối chỉ có hai cửa hàng bán rau củ VietGAP. Chị Thúy An, chủ một cửa hàng chia sẻ, mỗi ngày chị nhập khoảng 1 tạ các loại mồng tơi, cải, đậu ve, súp lơ, cà chua, xà lách… từ các Hợp tác xã ( HTX) ở huyện Củ Chi về bán. Hôm nào đắt khách thì mới bán hết, còn không cũng thừa một ít.

 

“Dù người tiêu dùng luôn lo lắng về an toàn thực phẩm nhưng cũng nhiều người vẫn mua hàng truyền thống. Có thể tâm lý người mua chuộng giá rẻ, trong khi giá hàng đạt chuẩn cao hơn hàng truyền thống, đơn cử như hàng VietGAP ở các sản phẩm như đậu cô ve giá 35 ngàn đồng/kg; dưa leo 30 ngàn đồng/kg; dền cơm 49 ngàn đồng/kg; cải thảo 25 ngàn đồng/kg… cao gần gấp đôi hàng truyền thống nên ít người chọn mua”, chị An cho biết.

 

Trước thực tế này, chị An không dám nhập nhiều hàng VietGAP về bán. Khách mua chủ yếu người quen đã mua của chị từ mấy năm nay. Để tăng cạnh tranh và hút khách, chị còn khuyến mãi thêm hành lá, ngò rí cho khách về làm gia vị.

 

Trong khi đó, chợ Phạm Văn Hai - một trong số chợ được kết nối với các HTX sản xuất rau sạch để bán nhưng số lượng cửa hàng tham gia cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Bảy Thìn mỗi ngày nhập khoảng 50kg các loại rau cải, súp lơ xanh, ớt chuông, đậu ve, cà chua đạt chuẩn VietGAP về bán. Ngoài ra, bà nhập thêm các loại rau củ truyền thống bán kèm, vừa tăng thu nhập, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

 

“Thú thực, hàng đạt chuẩn vẫn kén người mua. Mặt hàng này chỉ bán chạy trong hệ thống các siêu thị. Người dân ra chợ chủ yếu ngó vào hàng truyền thống, giá cả phải chăng, lại đa dạng chủng loại, người ta có thể tự đưa lên đặt xuống từng loại thực phẩm”, bà Bảy Thìn tâm tư.

 

Hàng VietGap là mặt hàng được sản xuất theo quy trình, trải qua kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh từ khâu chọn giống, chăm sóc cây trồng cho đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển… tất cả đều đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân.

 

Làm sao để người dân hiểu được giá trị của sản phẩm an toàn, đạt chuẩn?

Từ nhiều năm trước, TP.HCM đã quan tâm và là một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện thành công bước đầu mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng thông qua hàng trăm điểm bán thực phẩm đạt chuẩn VietGap.

 

Tuy nhiên, dù ngành Công thương đã tổ chức không ít các hoạt động kết nối, hỗ trợ nhà sản xuất, nhà phân phối để tạo nguồn hàng ổn định nhưng hiện nay, hàng VietGAP vẫn chủ yếu phân phối ở hệ thống siêu thị Co.opMart, Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm Co.opFood, Big C, Lotte Mart… còn chợ truyền thống thì vẫn còn chưa nhiều.

 

Đơn cử HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (quận 9) là doanh nghiệp uy tín trong sản xuất rau thủy canh đạt chuẩn VietGAP. Mỗi ngày đơn vị này phân phối hàng tấn rau củ sạch cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM và cả chợ truyền thống. Nhưng đơn vị này nhìn nhận, phân phối tại chợ truyền thống rất ít vì không thể cạnh tranh nổi với hàng truyền thống.

 

“Chủ yếu do giá cả hàng VietGAP cao tương ứng với chất lượng, trong khi tâm lý người tiêu dùng vẫn thích mua giá rẻ hơn. Mặt khác, đa phần người đi chợ thuộc tầng lớp lao động, thu nhập thấp nên số đông chọn mua hàng truyền thống”, ông Lâm Ngọc Tuấn, giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc chia sẻ.

 

Ông Tuấn cũng cho biết, mục tiêu đưa hàng chất lượng từ trang trại đến bàn ăn người dân thông qua chợ truyền thống vẫn cần sự nỗ lực lớn từ các đơn vị chức năng và chính các HTX sản xuất.

 

Để chuyển đổi thói quen người tiêu dùng thì trước hết phải làm sao để tất cả người dân thấy được giá trị của sản phẩm an toàn, hướng đến bảo vệ sức khỏe. Và làm được điều này đòi hỏi một phần trách nhiệm từ các cơ quan chức năng.

 

“Các đội quản lý thị trường cần làm bài bản công tác quản lý, từ giấy tờ chứng nhận mặt hàng cho đến hạn chế bày bán sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, kém chất lượng trên thị trường. Khi phát hiện trường hợp ngộ độc thực phẩm cần làm ráo riết, chỉ rõ nguyên nhân từ những nguồn thực phẩm nào, do đơn vị nào cung cấp.

 

Điều này vừa mang tính răn đe, mà qua đó người tiêu dùng cũng thấy được tác hại của thực phẩm thiếu an toàn để thay đổi thói quen tiêu dùng. Như vậy, may ra hàng đạt chuẩn mới có thể “chen chân” vào chợ truyền thống”, ông Tuấn nói.

 

Mới đây, Sở Nông nghiệp-PTNT TP.HCM thống kê đến giữa năm 2020, có 1.388 cơ sở sản xuất rau củ quả được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích canh tác 1.945ha (tương đương 12.972ha diện tích gieo trồng), sản lượng 227.542 tấn/năm.

 

Trong khi đó, sản lượng rau dán tem tăng từ 4 tấn/ngày năm 2016 lên 20 tấn/ngày năm 2020. Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất tiếp tục được thanh kiểm tra chặt chẽ, thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nguồn: nongnghiep.vn