CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Vệ sinh an toàn thực phẩm

An Giang hình thành vùng sản xuất, chế biến thốt nốt hữu cơ

07:45 31/12/2023

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm mục đích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là nhiệm vụ mang tính chiến lược cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Thực tế nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập cho nông dân góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong đó, ngành nghề nông thôn, làng nghề không chỉ là một khu vực sản xuất có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân nông thôn, mà còn chứa đựng những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Tri Tôn và Tịnh Biên là hai huyện thuộc vùng đồi núi thấp của tỉnh An Giang với nhiều hộ dân là người dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa…) cùng chung sống lâu đời, cùng tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đặc biệt là sự hình thành làng nghề độc đáo thể hiện nét đặc trưng riêng của địa phương như Làng nghề Dệt thổ cẩm Khmer, đặc biệt là sản xuất đường thốt nốt. Thốt nốt hay thốt lốt có tên khoa học là: Borassus flabellifer, là loài thực vật thuộc họ Cau, bản địa của Nam Á và Đông Nam Á, phân bố từ Indonesia đến Pakistan. Thốt nốt là cây thân thẳng, tuổi thọ có thể trên 100 năm và có thể vươn cao 30m, cây có khả năng chịu khô hạn, ngập nước, ưa nắng nhưng không chịu rét. Cây có tán đẹp nên thường được khai thác làm kiểng, cảnh quan hoặc cây công trình. Thốt nốt non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn. Tính từ giai đoạn nảy mầm, mất từ 15 - 20 năm cây mới cho trái.

Trái thốt nốt bên trong có phần thịt trắng, mềm, ngọt mát và thơm hơn cùi dừa non được sử dụng để ăn tươi hoặc chế biến các món ăn nhiều người ưa thích. Phần vỏ ngoài của trái khi chín được dùng vắt lấy nước làm bánh rất thơm. Nước thốt nốt được thu từ những cụm hoa đực hoặc hoa cái của cây. Khi cây ra hoa, người ta buộc ống vào đầu cụm hoa, sau khi cắt một đoạn đầu hoa bằng đốt ngón tay, để qua đêm thu được chừng 1 lít nước, mỗi cây có nhiều cụm hoa. Nước thu trước buổi sáng có vị ngọt mát, sau khi đem lọc sạch và nấu sôi được dùng như một loại nước giải khát rất được ưa chuộng. Nước sau khi nấu cô đặc lại sẽ cho ra đường thốt nốt có vị ngọt dịu, là một trong những đặc sản của địa phương.

Ngoài ra, Lá thốt nốt được các nghệ nhân dùng làm thủ công mỹ nghệ (Tranh lá thốt nốt – Thoại Sơn). Một số nông dân địa phương sử dụng tàu lá làm nơi cho loài dơi trú ẩn nhằm lấy phân làm nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng.

Hiện nay, cây thốt nốt chỉ có huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên của tỉnh An Giang, số lượng cây thốt nốt khoảng trên 40.000 cây trong đó: Tri Tôn trên 11.000 cây còn lại là Tịnh Biên, số cây có thể thu hoạch khoảng từ 15.000- 20.000 cây với sản lượng đường ước khoảng 2.000 tấn/năm. Cây thốt nốt không những là cây biểu tượng văn hoá của người dân tộc Khmer mà còn mang lại nguồn thu nhập cho đồng bào nơi đây. Nhằm bảo tồn và phát triển nét truyền thống văn hoá và tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là người Khơ-me trên địa bàn huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch vùng sản xuất, chế biến thốt nốt theo hướng hữu cơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu hình thành vùng sản xuất thốt nốt theo hướng hữu cơ và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tạo và phát triển sản phẩm thốt nốt hữu cơ có giá trị gia tăng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, an toàn cho người sử dụng. Từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân.

Trước mắt, để cụ thể hóa kế hoạch, trong năm 2024, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản sẽ phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tiến hành triển khai các nhiệm vụ như khảo sát hiện trạng để xây dựng, hình thành vùng trồng, lập sơ đồ vùng trồng, đánh mã số cây thốt nốt chuyển đổi hữu cơ; các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ đường thốt nốt. Khoan vùng, chọn vùng  những cây chuyển đổi sản xuất hữu cơ và tách biệt với vùng không sản xuất hữu cơ, tiến tới hình thành các vùng trồng cây thốt nốt hữu cơ tập trung để cung cấp nguồn nguyên liệu (nước thốt nốt, đường thô,…) cho Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất, sơ chế, chế biến đường thốt nốt hữu cơ, các sản phẩm liên quan đến đường thốt nốt (yến chưng sẳn: chưng đường thốt nốt, nghệ, đông trùng hạ thảo).

Bên cạnh đó, tiến hành các hoạt động như tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, … cho người dân về sản xuất thốt nốt hữu cơ; đồng thời kết nối người dân, Tổ hợp tác, Hợp Tác xã sản xuất, sơ chế với doanh nghiệp chế biến thốt nốt tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thốt nốt hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Với những hoạt động như thế, sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 01 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận. Qua đó sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 01 - 02% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh, tăng lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 0,5 đến 1,0 lần góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn; thay đổi nhận thức, tư duy người làm nghề về bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và tỉnh An Giang.

 

Nguyễn Hoàng Linh – Phó Chi cục trưởng

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản An Giang