CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Vệ sinh an toàn thực phẩm

An Giang: Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi

11:45 21/11/2023

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh DTHCP, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk,..; dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Ngày 17-11, Văn phòng UBND tỉnh ban hành văn bản số 6459/VPUBND-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP).

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh triển khai nội dung tại mục 1 Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo theo đúng hiện hành.

Cụ thể, để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh DTHCP kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định 972/QĐ-TTg năm 2020) và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như (Lở mồm long móng, Tai xanh, đặc biệt là vắc xin DTHCP cho đàn lợn thịt) tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh;

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTHCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin DTHCP cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(Nguồn: Công văn số 6459/VPUBND-KTN ngày 17/11/2023)

 

Xuân Hiếu