CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh An Giang

11:45 06/07/2023

Tỉnh An Giang, sản xuất nông nghiệp, thủy sản là thế mạnh của nền kinh tế tỉnh An Giang, sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp đã gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm ngày càng được chú trọng. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của tỉnh luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh ngày càng nhận thức, ý thức trách nhiệm đối người tiêu dùng thực phẩm ngày càng được nâng cao. Các chỉ số đánh giá như tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đáp ứng hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm (ATTP); tỷ lệ mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP; số cơ sở và diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương ngày càng được cải thiện và tăng lên.

Nhìn chung, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong 6 tháng đầu năm diễn biến thuận lợi, sản xuất cây hàng năm (lúa và hoa màu) vụ Đông Xuân phát triển tốt nhờ tình hình sâu bệnh được kiểm soát chặt chẽ và thời tiêt thuận lợi; nhờ phát triển mô hình nuôi gia công nên quy mô đàn chăn nuôi tăng cao; công tác chăm sóc, phòng cháy và bảo vệ rừng luôn được quan tâm đúng mức; giá bán cá tra nguyên liệu ổn định ở mức cao nên quy mô sản xuất tiếp tục tăng.

Công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng chuyển biến tích cực. Nhận thức và trách nhiệm của các sở ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm ngày càng nâng cao; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm. Công tác triển khai các hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hợp tác, liên kết chuỗi, trong sản xuất, sơ chế, chế biến với các điểm tiêu thụ sản phẩm an toàn như siêu thị, các điểm bán hàng tiện ích, chợ thu mua các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày một tăng.

Song song đó, Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm lúa (gạo); rau màu; cây ăn trái; thủy sản (tôm, cá) ứng dụng công nghệ tiên tiến để truy xuất nguồn gốc như: Mã QR, mã số, mã vạch, tem điện tử và hệ thống phần mềm nhận diện, Scan and Check, Icheck, VNPT Check…. và hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu nông thủy sản cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản tham gia Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Một số kết quả cụ thể về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm năm 2023 đạt được như sau:

Về Thông tin, truyền thông về quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản

Ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhiều hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm được tỉnh đẩy mạnh; đồng thời lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ quy định của pháp luật về việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... các đơn vị của Sở đã phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương đưa tin, bài, phóng sự về công tác bảo đảm ATTP như: dự báo tình hình dịch hại trong tuần (03 cuộc/tuần) trên Đài Phát thanh truyền hình AG

Ngoài ra, tuyên truyền về các mô hình, cách làm tốt trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; cùng với đó là tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho trên 500 người tham dự.

Bên cạnh đó, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến an toàn thực phẩm, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tập huấn kiến thức sản xuất thực phẩm an toàn cho 120 là cán bộ, hội viên các cấp hội.

Về việc hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông thủy sản an toàn

Với các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, kết nối tiêu thụ, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Cân Thơ về Chương trình phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản năm 2023.

Song song đó, Sở cũng đã hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm, đến đến nay ngành nông nghiệp đã xác nhận 5 chuỗi với 5 sản phẩm có kết quả đạt yêu cầu an toàn thực phẩm đạt yêu cầu theo Quyết định số 3075/QĐ-BNNPTNT-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những chuỗi này góp phần cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho địa phương và các tỉnh lân cận.

Ngoài ra, vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 08 xã thuộc 05 huyện, thị xã, thành phố gồm: thị xã Tịnh Biên, huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn và TP. Châu Đốc tham gia nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, trong đó: nuôi heo thịt: tổng đàn hiện có tại 03 trại nuôi gia công là 10.050 con; Gà thịt: tổng đàn hiện đang nuôi tại 06 trại là 255.000 con và vịt thịt là 60.000 con/02 trại. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 6/2023 đã xuất chuồng 5.100 con heo thịt, 100.600 con gà thịt và 31.500 con vịt thịt. Riêng Rau màu: Diện tích liên kết tính đến nay là 19.011 ha, trong đó liên kết với các doanh nghiệp là 4.330 ha; tiêu thụ qua các chợ đầu mối, siêu thị Co.op mart, bách hoá xanh, Winmart, Siêu thị Mega Market Long Xuyên; Cây ăn trái: diện tích liên kết tiêu thụ là 12.894 ha, gồm xoài, chuối, nhãn và các loại cây ăn trái khác.

Về công tác thanh tra, kiểm tra

Một trong những giải pháp được chú trọng đó là triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản, vật tư nông nghiệp được sản xuất, vận chuyển, kinh doanh lưu thông trên thị trường. Chú trọng kiểm tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như: lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thuỷ sản nhỏ lẻ...

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã tiến hành kiểm tra tại 103 tổ chức/cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông thủy sản, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc và lấy 120 mẫu sản phẩm thực phẩm để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, cụ thể: lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản: Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh và lấy 40 mẫu sản phẩm thực phẩm (gồm: Bò vò viên, chả lụa, patê, khô cá lóc, khô cá tra phồng, nem chay,.…) để kiểm tra chất lượng ATTP,kết quả có 04 mẫu không đạt theo yêu cầu. Đã ban hành 04 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 03 cá nhân vi phạm với tổng số tiền phạt là 100.000.000 đồng và 01 cơ sở đang trong quá trình giải quyết, xử lý. Lĩnh vực thú y: Đã tiến hành kiểm tra, test nhanh chất cấm (Salbutamol) đối với 08 huyện Phú Tân, Tịnh Biên, Tri Tôn, Tân Châu, Chợ Mới, Châu Thành, Châu Đốc và Long Xuyên, kết quả test nhanh 80 mẫu (nước tiểu gia súc) đều âm tính. Lĩnh vực thủy sản: Thực hiện công tác kiểm tra cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất kinh doanh giống thủy sản. Đoàn đã tiến hành kiểm tra đối với 30 đối tượng tại các huyện trong tỉnh, kết quả kiểm tra không phát hiện vi phạm.

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 đã kiểm tra được tổng cộng 21 cơ sở, trong đó có 07 cơ sở thuộc lĩnh vực do ngành nông nghiệp quản lý, kết quả 07 cơ sở đều tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tham gia với Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương đã kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, và Cty TNHH Nông  phẩm Lộc Trang, kết quả cả 02 doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP.

Đối với cấp huyện: đã tiến hành kiểm tra tại 50 cơ sở. Kết quả: 49 cơ sở không vi phạm, 01 cơ sở vi phạm (phạt vi phạm hành chính số tiền 2.000.000 đồng).

Về công tác giám sát chất lượng Vật tư nông nghiệp, ATTP:

Với đặc trưng của ngành sản xuất nông nghiệp tạo ra nông sản cung cấp thực phẩm thiết yếu cho cả cộng đồng, tác động tới sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua, Sở Nông nghiệp &PTNT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lấy mẫu, giám sát chất lượng về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó, góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Đối với chương trình giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi

Từ đầu năm đến nay, đã thu 66 mẫu tại 06 vùng nuôi trong tỉnh (gồm có 35 mẫu cá tra thương phẩm, 24 mẫu cá tra nhỏ, 03 mẫu cá lóc thương phẩm, 01 mẫu cá lóc nhỏ, 02 mẫu cá rô phi đỏ thương phẩm, 01 mẫu cá rô phi đỏ nhỏ) và 09 mẫu tăng. Kết quả phân tích có 72 mẫu đều đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đã chỉ định phân tích và 03 không đạt yêu cầu.

Đối với chương trình thu mẫu giám sát phân tích các chỉ tiêu sản phẩm nông thủy sản

Thực hiện Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản lưu thông, tiêu thụ trong nước nhằm cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố ATTP trước khi phân phối đến người tiêu dùng và đánh giá mức độ ATTP sản phẩm nông thủy sản. Từ đầu năm đến nay, đã triển khai thu mẫu 24 mẫu rau, củ, quả và thủy sản nuôi để phân tích các chỉ tiêu về ATTP. Kết quả triển khai, lĩnh vực trồng trọt và BVTV đã thu 13 mẫu và phân tích 22 chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV, kết quả  có 12/13 mẫu đạt yêu cầu, 01 mẫu đang chờ kết quả, đã gửi thông báo đến cơ sở được thu mẫu nhằm duy trì và có biện pháp khắc phục đối với mẫu không đạt yêu cầu. Đối với lĩnh vực thủy sản đã thu 11 mẫu, phân tích 22 chỉ tiêu dư lượng kháng sinh với kết quả đạt yêu cầu so với quy định là 09 mẫu, 02 mẩu không đạt yêu cầu.

Đối với cơ sở có mẫu không đạt, xác định nguyên nhân, yêu cầu cơ sở khắc phục theo quy định, cam kết sản xuất an toàn và chuyển xử lý vi phạm hành chính.

Về công tác tiếp nhận hồ sơ tự công bố

Theo Nghị định 15 ngày 02/2/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm. 6 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận đã tiếp nhận 40 bản tự công bố sản phẩm của 35 cơ sở chế biến thực phẩm nông thủy sản. Lũy kế đến nay đã tiếp nhận 1996 Bản tự công bố sản phẩm của hơn 825 cở sở bao gồm các sản phẩm: cà phê, nước mắm nhỉ cá linh, tổ yến tinh chế, xúc xích hồ lô, gạo Sushi rice, Nepture gạo thơm dẻo, xúc xích phô mai, cá viên hành tiêu, muối tôm, trà đen nguyên lá, tàu hũ cá phô mai,... Đối với cấp huyện: đã tiếp nhận 46 bản tự công bố sản phẩm của 20 cơ sở về các sản phẩm thực phẩm, gồm: Yến tổ chưng đường phèn vị hạt chia,Yến tổ sấy khô, Yến tổ chưng đường phèn vị hạt sen, Yến tổ chưng đường phèn vị đông trùng, khô cá tra phồng Nấm Linh chi, Đông trùng hạ thảo, mắm cá, bò viên…, Lũy kế đến nay đã tiếp nhận 239 bản tự công bố sản phẩm của 127 cở sở.

Song song đó, đã đăng tải danh sách các bản tự công bố sản phẩm của các cơ sở SXKD trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang để người tiêu dùng biết, lựa chọn.

Về công tác thẩm định, chứng nhận cơ sở SXKD nông lâm thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

Thực hiện công tác thẩm định để xếp loại và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP: đến nay đã tiếp nhận 26 hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP, đã cấp 20 Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đối với cơ sở, sản xuất kinh doanh cấp huyện quản lý: tiếp nhận 116 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và cấp 116 Giấy chứng nhận ATTP.

Song song với những kết quả đạt được công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn một số khó khăn, hạn chế

Công tác kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi vẫn còn hạn chế, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp hiện nay đa phần triển khai được đến bước xây dựng các chuỗi liên kết, công tác kiểm soát chủ yếu mới tập trung nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; việc kiểm soát quá trình sản xuất, kiểm soát việc tuân thủ của cơ sở sản xuất ban đầu còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực ít và phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người sản xuất mà phần lớn người sản xuất ban đầu là hộ gia đình và các cơ sở nhỏ lẻ.

Hiện nay có rất nhiều phần mềm để truy xuất nguồn gốc nên gây khó khăn cho người sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng (mã QR, mã số, mã vạch, tem điện tử và hệ thống phần mềm nhận diện, Scan and Check, Icheck, VNPT Check….)

Mặc dù hiệu quả của việc ứng dụng mã trong truy xuất nguồn gốc nông sản cho hiệu quả rõ rệt nhưng trong quá trình phát triển vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất nông nghiệp đa phần quy mô còn nhỏ, ít vốn, việc mua sắm trang thiết bị áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế đặc biệt là việc nhập dữ liệu thông tin đầu vào của người sản xuất.

Việc không thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy trình, ghi chép trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 qui định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm là yếu tố khiến dữ liệu truy xuất nguồn gốc không đầy đủ và cập nhật so với yêu cầu về thông tin truy xuất nguồn gốc.

Để nâng cao công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thuỷ sản trong tình mới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

- Tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 và Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2021 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Quyết định số 58/2019/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến nhiều đối tượng khác nhau, góp phần làm chuyển biến nhận thức đối với các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thực hiện quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến sản xuất chế biến để sản phẩm đầu ra luôn đảm bảo ATTP; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản quyết liệt và kịp thời.

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Sở Y tế, Sở Công thương, Công an tỉnh, Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh, Cục Quản lý thị trường trong tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản để hạn chế đến mức thấp nhất sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên địa bàn tỉnh.

-  Đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giúp người sản xuất, kinh doanh nông sản thay đổi cách nghĩ, cách làm, liên kết sản xuất tăng giá trị sản phẩm; Hỗ trợ kết nối, quảng bá các thương hiệu sản phẩm trên các kênh thông tin, tham gia hội chợ tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

 

Nguyễn Hoàng Linh - Phó Chi cục trưởng

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản tỉnh An Giang