CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông nghiệp trong tỉnh

Hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam

09:45 19/03/2024

Ngày 18/3, tại thành phố Cần Thơ, Thứ Trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Hội thảo “Tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam”. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ tổ chức.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghệp nông thôn cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 53,01 tỷ USD, có 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD  như rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Nông sản Việt Nam có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới (Mỹ, EU, Nhật Bản). Tuy nhiên, có đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác

Các sản phẩm nông sản Việt Nam mặc dù có sản lượng xuất khẩu nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, nhưng thương hiệu cũng như người tiêu dùng chưa biết rộng rãi. Hiện có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm Việt Nam bán ra thị trường nước ngoài dưới thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Thương hiệu nông sản Việt Nam vẫn bị xâm phạm ở nước ngoài như gạo ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột,…

Thông tin về xuất khẩu rau quả, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên chia sẻ, năm 2023 ngành rau quả đã xuất trên 5,6 tỉ USD tăng 70% so với năm 2022. Trong tương lai với sự đầu tư của Chính phủ về cơ sở hạ tầng logistics và cùng nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam ra thế giới, thì ngành rau quả Việt Nam sẽ tếp tục phát triển. Tin tưởng rằng trong vài năm nữa ngành rau quả Việt Nam sẽ đóng góp bằng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Ông Đặng Phúc Nguyên, muốn xây dựng thương hiệu ngành rau quả Việt Nam thì chất lượng, giống cây trồng sẽ quyết định. Do đó, cần nghiên cứu các loại cây trồng mới, nổi trội hơn… Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu rau, quả sang thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh mẽ. Trong ngành rau quả chúng ta hiện nay nổi trội là kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong năm 2023 đã xuất khẩu sầu riêng đạt đạt gần 3 tỉ USD, với lợi thế hiện có thì năm 2024 có thể xuất khẩu sầu riêng tăng trên 3 tỷ USD.

   

          Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, để bảo vệ ngành hàng sầu riêng Việt Nam phát huy thế mạnh về chất lượng, thì chúng ta cần phải có biện pháp xây dựng thương hiệu, quản lý kỹ thuật, xây dựng qui cách, tiêu chuẩn… Ngoài ra, cấp phép cho những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chất lượng, uy tính và sản xuất thân thiện môi trường. Chúng ta không thể thả nổi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng kém chất lượng làm ảnh hưởng thương hiệu quốc gia. Bảo vệ thương hiệu không chỉ của Bộ, Ngành mà còn các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất, ông Nguyên nhận định.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến thiết thực được nêu lên, đánh giá thực trạng và định hướng hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Nhiều đại biểu chia sẻ cùng tìm ra các giải pháp nâng cao vai trò quản lý của nhà nước đối với việc xây dựng thương hiệu nông sản trong thời gian tới. Qua đó, sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất, đồng thời sẽ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong xây dựng thương hiệu nông sản. Ngoài ra, vấn đề chất lượng nông sản xuất khẩu, các đề xuất về xây dựng pháp luật, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận sôi nổi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn cho rằng xây dựng thương hiệu là khách hàng nhớ đến và đặt niềm tin vào sản phẩm, để đạt được thì sản phẩm đó phải gắn liền với chất lượng và bảo hộ nguồn gen, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần phải có bộ giống tốt và được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, hiện nay người sản xuất chưa quan tâm nhiều chất lượng sản phẩm và sự kết nối chưa thật sự gắn kết. Ông Nguyễn Tấn Nhơn cũng mong muốn Bộ quan tâm, chỉ đạo kết nối các Sở, Ngành, địa phương để nông sản có đủ các yếu tố về chất lượng, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để đạt thương hiệu. Kiện toàn hệ thống Hiệp hội các ngành hàng từ tỉnh đến thành phố và có cơ chế đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Đồng quan điểm về nhận định thương hiệu, Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ Trần Ngọc Hải để được thương hiệu quốc gia thì sản phẩm đó phải có thuộc tính, định vị khác biệt với sản phẩm sản phẩm cùng loại. Do đó cần tập trung vào những ngành hàng có yếu tố khác biệt, độc lạ vượt trội. Đồng thời sản phẩm đó phải đảm bảo chất lượng đúng quy cách…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, xây dựng thương hiệu thì giá trị các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao. Thương hiệu phải bắt đầu từ tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ xây dựng Nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản để trình Chính phủ. Theo Thứ trưởng  việc xây dựng nghị định cần phải theo chuỗi giá trị từ khâu chọn giống, gieo sạ đến ra sản phẩm, đăng ký phân định rõ từng địa phương, cơ quan, Bộ, ngành. Qua đó đề nghị các hiệp hội chọn ra ngành hàng chủ lực thực hiện trước, với quan điểm thương hiệu tập thể và thương hiệu doanh nghiệp phải hài hòa và xây dựng ngay từ bây giờ các ngành hàng chủ lực như Tôm, cá tra, sầu riêng… và tiếp tục nghiên cứu thương hiệu giảm phát thải khí nhà kính gắn với việc sản xuất 1 triệu hecta lúa chất lượng cao sẽ làm cho hạt gạo tăng thêm giá trị./.

                                                                                                  Trang Nghiêm