CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông nghiệp trong tỉnh

An Giang triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản

06:00 13/10/2023

Nhằm phòng chống tốt dịch bệnh, hạn chế những thiệt hại do dịch gây ra trên động vật thủy sản nuôi, nhất là vào các thời điểm bệnh dễ phát sinh và lây lan như: thời điểm nước lũ rút kết hợp với gió mùa Đông Bắc (từ tháng 11 đến tháng 01 hàng năm).

Ngày 12-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 2294/SNNPTNT-CCCNTY đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các Ban, ngành và UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan thú y địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh trên động vật thủy sản.

Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát số lượng, chất lượng giống thủy sản từ tỉnh khác nhập về địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp giống thủy sản từ tỉnh khác nhập về không có giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, thủy sản giống kém chất lượng, mang mầm bệnh. Đồng thời tăng cường công tác giám sát dịch bệnh thủy sản, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch bệnh trên động vật thủy sản theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Bên cạnh đó, triển khai tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm trên địa bàn quản lý thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi như: Tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản của địa phương, hệ thống nuôi phải đảm bảo việc vệ sinh, khử trùng dễ dàng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu trước khi xả thải.

Sử dụng giống thủy sản phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giống thủy sản; Giống thủy sản từ cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm tra chất lượng theo quy định.

Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản. Sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất thuộc Danh mục được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam. Đối với thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Quản lý môi trường và áp dụng các biện pháp kỹ thuật về phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản trong quá trình sản xuất. Thường xuyên kiểm tra thủy sản nuôi về màu sắc, sinh vật bám, các dấu hiệu bệnh lý, bất thường. Khi phát hiện thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải cách ly, xử lý, đồng thời thông báo cho các hộ nuôi xung quanh và người phụ trách công tác thú y cấp xã để kịp thời xử lý.

Các cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm phải có trách nhiệm hợp tác với cơ quan thú y, cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trong việc lấy mẫu giám sát kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh, thu thập thông tin xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến dịch bệnh thủy sản.

Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y có tổ chức thu mẫu cá bệnh vào trước các thời điểm bệnh phát sinh nhiều để thực hiện phân lập tác nhân gây bệnh và thử kháng sinh đồ từ vi khuẩn phân lập được để hướng dẫn người nuôi điều trị bệnh.

Vì vậy, trong quá trình sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản thương phẩm khi phát hiện thủy sản nuôi bị bệnh, chủ cơ sở phải thông báo cho nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố tại địa phương biết (bằng cách nhắn tin, email, điện thoại hay gặp trực tiếp) để được hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời, nhất là lựa chọn kháng sinh phù hợp trong điều trị bệnh nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra và đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản./.

Nguồn: Công văn số 2294/SNNPTNT-CCCNTY ngày 12/10/2023

Xuân Hiếu