CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông nghiệp trong tỉnh

Tân Châu thực hiện mô hình nuôi cá Heo đuôi đỏ trong ao đất

06:00 03/12/2023

Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu thực hiện mô hình nuôi cá Heo (Botia modesta Bleeker, 1865) đuôi đỏ trong ao đất. Sử dụng con giống nhân tạo đã đánh giá bước tiến trong sản xuất giống thủy sản phục vụ đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi.

Những năm gần đây, những hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn thị xã Tân Châu, huyện An Phú, Phú Tân, ... đã mạnh dạn đầu tư lồng bè, vèo để nuôi cá heo đuôi đỏ, đây là một trong những mô hình nuôi thủy sản có giá trị kinh tế mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, nguồn lợi cá heo đang tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là đánh bắt từ tự nhiên, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chưa chủ động được nguồn cá giống cho các mô hình nuôi thương phẩm cá heo (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993). Tuy nhiên, đến nay việc sản xuất bột và ương nuôi giống cá Heo đuôi đỏ mới thực sự đưa vào sản xuất đại trà.

Trước tình hình đó, nhằm từng bước chuyển giao khoa học công nghệ đến các hộ nuôi cá heo đuôi đỏ. Trong năm 2023, khi nhận được nguồn phân bổ kinh phí phân bổ từ Trung tâm Khuyến nông An Giang, Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình trình diễn “Nuôi cá heo trong ao đất”. Nhằm mục đích đánh giá qui trình kỹ thuật được áp dụng và hiệu quả để nhân rộng mô hình, đa dạng hóa đối tượng nuôi trong thủy sản để góp phần cải thiện thu nhập và lao động cho người dân địa phương.

Mô hình “Nuôi cá heo trong ao đất” được thực hiện tại hộ ông Trần Hồng Thái, Ấp Vĩnh Thạnh A, xã Vĩnh Hoà, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Với qui mô thực hiện 1.000 m2 ao, số lượng giống thả 12.000 con (mẫu 350 con/kg). Cá giống được mua tại tỉnh Đồng Tháp. Thời gian thực hiện mô hình từ ngày 25/4/2023 – 10/12/2023.

         Để đánh giá mô hình đã triển khai, vừa qua, Trạm Khuyến nông Tân Châu phối hợp Trung tâm Khuyến nông An Giang và UBND xã Vĩnh Hòa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình. Tại buổi hội thảo, có trên 30 nông dân và đại biểu tham dự được bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến Nông Tân Châu cung cấp thông tin về quy trình nuôi cá heo trong ao đất, kết quả thực hiện và một số ghi nhận của cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình:

-        Sau 2 ngày xử lý nước thì tiến hành thả 12.000 con giống cá heo. Cá giống được tắm qua hỗn hợp muối và oxytetracyline trước khi thả vào ao nuôi.       

-        Cho cá ăn 2 lần/ngày, buổi sáng cho ăn phối trộn gồm cá tạp và thức ăn công nghiệp, buổi chiều cho ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp 40% đạm hiệu Tomboy. Lượng thức ăn được theo dõi hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp.

-        Men tiêu hoá và vitamin C được trộn vào thức ăn trước khi cho cá ăn, tần suất là 2 - 3 lần/tuần.

-        Trong quá trình 6 tháng nuôi, cá heo chưa xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, do cá heo là loài cá trắng sinh sống trên sông, do vậy cần theo dõi các chỉ tiêu môi trường 2 lần/tuần vào buổi sáng và chiều, đối với các yếu tố như pH, nhiệt độ, DO, NH3 và NO2 và tăng cường số lần khi cần thiết. Duy trì các yếu tố môi trường nước thích hợp để cá sinh trưởng tốt: pH từ 7 - 8; nhiệt độ 26 - 300 C; DO > 4 mg/L, hàm lượng NH3 ≤ 0,01 mg/L.

-        Sau gần 6 tháng nuôi khối lượng bình quân của cá heo cho đến thời điểm hội thảo là 50 con/kg, tỷ lệ sống khoảng 70% và tổng khối lượng ước thu hoạch khoảng 146 kg. Tổng lượng thức ăn công nghiệp là 390 kg, ngoài ra bổ sung lượng cá tạp 150 kg.

         Thông qua kết quả hội thảo mô hình, có thể giúp nông dân thay đổi một số tập quán trong sản xuất, khi các đối tượng thủy sản nuôi có những biến động về giá, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng con giống nhân tạo, chủ động được nguồn thức ăn công nghiệp trong suốt quá trình nuôi, có thể nuôi với quy mô lớn. Đồng thời, bà con nông dân đề nghị tiếp tục thực hiện thêm các mô hình đối với một số thủy sản khác để nhân rộng, giúp nông dân có cơ hội tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong canh tác theo hướng ứng phó điều kiện biến đổi khí hậu tạo ra sản phẩm an toàn. Nhằm giúp người dân áp dụng mô hình nuôi với các đối tượng mới thay cho đối tượng truyền thống, nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản trong điều kiện phải thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay./.

Anh Huy – Tân Châu