CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông nghiệp trong tỉnh

An Giang phòng chống hạn, mặn đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp

05:30 27/03/2024

Theo dự báo của các Trung tâm Khí hậu trên thế giới, trạng thái El Nino đang suy yếu dần và khả năng chuyển sang pha trung tính trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 có xác suất khoảng 80%; Sau đó, là thời kỳ La Nina hoạt động mạnh dần. Trong những tháng mùa khô năm 2024, khả năng mưa trái mùa rất ít, do đó tình trạng khô hạn có thể kéo dài trong thời kỳ này. Tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn so với cùng kỳ TBNN khoảng từ 5-10%. Mực nước thấp nhất xuất hiện trong tuần đầu tháng 3, ở mức thấp hơn cùng kỳ 2023 từ 0.05-0.20m. Độ mặn cao nhất có khả năng ở mức từ 0.1-0.3‰ và duy trì trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2024.

Ảnh minh họa

 

Khó khăn hiện nay nắng nóng gay gắt trên 35-36.0°C xảy ra diện rộng trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng nước nhiều cho cây trồng. Tuy nhiên, mực nước trên các sông, kênh xuống thấp (mực nước Min khoảng -0,5m đến - 0,6m, mực nước cao Max khoảng +1,2m đến +1,6m). Từ đó, gây khó khăn cho hoạt động bơm tưới của người dân, ngoài ra, yếu tố này cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ sạt lở các tuyến sông, kênh, rạch; Việc nạo vét các tuyến kênh sâu thêm sẽ làm sạt lở mái kênh, đê (bờ kênh, đê quá cao trên 6m và mực nước kênh thấp); Việc nạo vét sâu thì mực nước hút của máy bơm thấp, dẫn đến hiệu suất thấp, hao phí điện năng cao.

Để phòng chống hạn, mặn trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kết quả quan trắc nguồn nước, độ mặn và tình hình khí tượng, thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến chính quyền địa phương và nhân dân được biết để chủ động ứng phó. Đồng thời không xuống giống ở những khu vực không chủ động nước tưới. Tăng cường trữ nước, áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất.

Ảnh minh họa

Đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, cần chủ động vận hành tích trữ nước ở các hồ chứa, kênh mương,... để đảm bảo nguồn nước nước sinh hoạt và sản xuất trong điều kiện khô hạn và hạ thấp mực nước. Chủ động vận hành các trạm bơm tưới để bơm lấy nước tưới vào thời điểm mực nước lớn, thay cho giải pháp nạo vét kênh tạo nguồn quá sâu gây ảnh hưởng sạt lở đê bao, bờ kênh. Thực hiện đầu tư các công trình phục vụ phòng chống hạn, kiệt, trong đó tập trung các công trình cống bọng phục vụ vận hành tích nước, nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn - kiệt./.

 

Kim Trang