CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông nghiệp trong tỉnh

Dự báo tình hình dịch hại trên lúa đến cuối vụ Đông Xuân 2023-2024

04:45 29/02/2024

          Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết, khí hậu trong các tháng từ nay đến cuối vụ Đông xuân năm 2023-2024, cụ thể như sau:

          Nhiệt độ: Từ tháng 02- 4/2024, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn khoảng 1,0 -1,50C so với trung bình nhiều năm (TBNN). Hiện tượng nắng nóng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với TBNN.

 

          Khô hạn: từ tháng 02 đến tháng 04/2024 ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, do vậy tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ này. Trong tháng 02/2024, phổ biến ít mưa, trong tháng 3/2024 tỉ lệ mưa khoảng từ 15-30mm (thấp hơn 5-15mm so với trung bình nhiều năm), tỉ lệ mưa tháng 4/2024 phổ biến từ 50-100 mm (thấp hơn từ 10-30 mm so với TBNN cùng thời kỳ).

          Ngoài ra, trong tuần qua, ở một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện sương mù nhiều vào sáng sớm, trưa nắng gắt,.. là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch hại tiếp tục phát sinh và gây hại.

           Ngày 28/02/2024 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo một số đối tượng xuất hiện và gây hại trong thời gian từ nay đến cuối vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, cụ thể như sau:

            Rầy nâu: tiếp tục nhân mật số trên trà lúa làm đòng - trổ, cục bộ sẽ có mật số cao >1.500 con/m2. Theo dõi hệ thống bẩy đèn trong tỉnh, rầy nâu xuất hiện cao điểm vào đèn từ ngày 17 đến ngày 20/02/2024; dự báo sẽ xuất hiện đợt rầy cám nở rộ từ đầu đến giữa tháng 03/2024 (khoảng 05/3 – 15/3/2024) và có khả năng nhiễm trên trà lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh–đòng-trổ đối với các giống nhiễm (Đài thơm 8, IR50404, OM18, Jasmine 85, Nếp,…), các ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm.

           Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt: Các bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt sẽ xuất hiện ở giai đoạn Trổ-Chín; cần lưu ý những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm ( IR50404, Jasmine 85, Đài thơm 8, Nếp,…) có thể bị nhiễm bệnh.

          Bệnh vàng lá chín sớm: Do thời tiết nắng nóng, bệnh vàng lá chín sớm tiếp tục xuất hiện và gây hại trên trà lúa ở giai đoạn đòng trổ; lúa nhiễm bệnh ở mức độ nhiễm nhẹ đến trung bình, lưu ý những ruộng cặp bờ vườn, ruộng bón thừa phân đạm dễ bị nhiễm bệnh.

Một số khuyến cáo, lưu ý trong công tác quản lý dịch hại

          Nhằm góp phần quản lý phòng ngừa kịp thời, hạn chế sự gây hại của sâu bệnh mức thấp nhất, bảo vệ năng suất lúa Đông Xuân 2023- 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo một số giải pháp trong công tác quản lý phòng, trừ sâu bệnh hại, cụ thể như sau:

          Thực hiện tốt biện pháp canh tác, lưu ý bón phân giai đoạn đòng trổ cân đối, không bón thừa phân đạm, hạn chế sử dụng các sản phẩm phân bón lá có chứa nhiều đạm. Bổ sung thêm Kali, Canxi, Silic nhằm giúp cây lúa tăng tính chống chịu với sâu bệnh.

         Bà con nông dân cần thăm đồng, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sớm sâu bệnh hại, đặc biệt chú ý các đối tượng dịch hại chủ yếu như: rầy nâu, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh vàng lá chín sớm...

         Không nên phun ngừa rầy nâu và khi mật số rầy còn thấp (ít hơn 2-3 con/tép lúa) nhằm giúp bảo vệ thiên địch, cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng hạn chế rầy nâu phát triển mật số. Đối với bệnh hại có thể phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh vàng lá chín sớm và lem lép hạt giai đoạn trước và sau khi lúa trổ với các loại thuốc trừ bệnh nấm và vi khuẩn. Chú ý giữ đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm.

         Khi phát hiện sâu bệnh hại trên ngưỡng (mật số từ 2-3 con/tép đối với rầy nâu), rầy ở tuổi 2-3 thì xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Khi phun thuốc nông dân phải đảm bảo áp dụng theo nguyên tắc “04 đúng”, phun đủ lượng nước theo khuyến cáo (400 – 500 lit/ha)./.

Nguồn: Dự báo số 110/DB-CCTTBVTV

Phan Phi Hùng

Trung tâm Khuyến nông