CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông nghiệp trong tỉnh

Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi cá Nàng Hai

05:39 21/12/2023

Trong những năm gần đây, cá Nàng Hai (Chitala ornata) là một trong những đối tượng thuỷ sản được người dân và doanh nghiệp chế biến quan tâm phát triển. Theo đó, hiện tại cá Nàng Hai được nhiều địa phương trong tình An Giang chọn nuôi nhằm tạo ra hướng đi mới có tiềm năng trong ngành thuỷ sản. Vì, loài cá này cũng khá dễ nuôi với đa dạng hình thức nuôi như: nuôi trong ao đất, vèo, lồng, bè,… quy mô nuôi tuỳ vào khả năng tài chính và kinh nghiệm của mỗi hộ nuôi. Sau thời gian nuôi khoảng 10 – 12 tháng cá đạt khối lượng khoảng 700 – 800 gram/con, có thể thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm như: chả cá, khô cá, cá rút xương, … thịt cá Nàng hai có vị thơm, ngon khác hẵn so các loại thịt cá khác. Về tiêu thụ, cá Nàng Hai thương phẩm hiện nay tiêu thụ thị trường nội địa là chính, chủ yếu là các siêu thị, quán ăn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Để cá Nàng Hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh An Giang nói riêng các nhà khoa học Trường Đại học và nhà quản lý có những ý kiến giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như:

Giải pháp về con giống: Nghiên cứu tuyển chọn bố mẹ theo hướng cải thiện tăng trưởng, kháng bệnh và biết rõ nguồn gốc cá giống, tránh cận huyết, được kiểm dịch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Giải pháp về kỹ thuật nuôi: Vệ sinh ao, vèo, bè đúng qui định, diệt tạp, diệt mầm bệnh; Quản lý chất lượng nước, ổn định pH, môi trường nuôi; Mật độ thả phù hợp theo mô hình nuôi (nuôi ao 5 – 10 con/m2; vèo trong ao hay lồng/bè 150 – 200 con/m3), thả đúng mật độ giúp cá lớn nhanh, ít bệnh; Chăm sóc đúng kỹ thuật theo 4 định: định lượng, định chất, định vị trí và thời gian. Ngoài ra, ghi chép nhật ký nhằm truy suất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong sản xuất thủy sản.

Giải pháp về cơ chế chính sách: Vận động các hộ chăn nuôi cá Nàng Hai nhỏ lẻ tham gia vào chi hội, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị để ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kiến nghị nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp giúp cải tiến quy trình sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất.

Giải pháp về hỗ trợ sản xuất: Xây dựng các chuỗi liên kết dọc như mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn, thuốc thú y - thủy sản đầu tư cho hộ chăn nuôi cá Nàng Hai khi thành lập các Tổ, Hội sản xuất; Xây dựng chính sách hỗ trợ các Tổ hợp tác, Tổ liên kết và Hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thực hiện tốt chương trình phát triển chất lượng và thương hiệu.

Giải pháp về thông tin và phát triển thị trường: Cập nhật thông tin thị trường, các biến động về giá (thức ăn, thuốc, hóa chất và cá giống, thương phẩm), thông tin về yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu trong và ngoài nước để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường; Tích cực quản bá, thu thập thông tin nhu cầu sản phẩm nhằm nghiên cứu đổi mới sản phẩm chế biến, chế biến sâu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, cá Nàng Hai ở An Giang sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; Quy trình sản xuất còn lạc hậu, chưa tuân thủ kỹ thuật quản lý về con giống, môi trường và sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất chưa hợp lý. Để phát triển bền vững nghề nuôi cá Nàng Hai cần thực hiện các giải pháp nêu trên một cách hợp lý, đồng bộ theo chuỗi, chọn con giống chất lượng, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới cho nghề nuôi cá Nàng Hai.

Anh Huy – Tân Châu