CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông nghiệp trong tỉnh

An Giang: Giải pháp phát triển cá tra bền vững

11:15 21/12/2023

Năm 2023 là năm có nhiều thách thức đối với ngành hàng thủy sản, thị trường xuất khẩu không ổn định, thường xuyên có những chính sách hoặc tạm ngưng bất ngờ khiến Doanh nghiệp bị động trong kế hoạch sản xuất. Các tháng cuối năm 2023, tình hình thị trường nhập khẩu giảm đơn hàng cũng khiến cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp không ít khó khăn, các nhà máy giảm sản lượng chế biến, làm cho người nuôi đến kỳ thu hoạch cũng chưa có doanh nghiệp thu mua. Các nước nhập khẩu ngày càng quy định rất nghiêm ngặt đối với việc an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản, các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng dày. Đặc biệt Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhập khẩu là nguyên nhân tác động trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh.

Ngoài ra, giá thức ăn thủy sản, giá vật tư đầu vào, giá nhân công tiếp tục tăng, dẫn đến giá thành sản xuất tăng, trong khi đó giá bán nguyên liệu hiện tại giảm rất sâu so với giá thành sản xuất, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Với tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có những giải pháp cho ngành hàng cá tra nhằm phát triển bền vững trong năm 2024 như ngành tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học nhằm giảm chi phí sản xuất. Triển khai Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2023 – 2025, trọng tâm thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển thị trường - thu hút đầu tư và giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể. Tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với Hợp tác xã, Tổ hợp tác tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu.

Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng, sạch bệnh đặc biệt là giống cá tra; kiểm soát diện tích nuôi trồng thủy sản theo nhu cầu thị trường, đảm bảo các điều kiện nuôi và an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh phát triển thủy sản theo phương thức sản xuất chuỗi liên kết, thực hiện truy xuất nguồn gốc phục vụ tốt cho yêu cầu xuất khẩu, tiếp tục duy trì áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, BAP trong nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh. Duy trì xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, đồng thời phát triển các thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng

Vận dụng hiệu quả, linh hoạt hơn các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo cơ chế thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất và kêu gọi đầu tư hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn và tầm nhìn đến 2030.

 

Kim Trang – Long Xuyên