CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chuyển đổi số

Ứng dụng công nghệ tưới cây thông qua thiết bị di động

05:45 20/11/2023

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nông dân nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Hệ thống phun tưới tự động thông qua thiết bị di động là một trong những hình thức ứng dụng công nghệ cao với nhiều ưu điểm vượt trội như tiết kiệm nước, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất…

Hệ thống phun tưới tự động thông qua thiết bị di động đang được nông dân huyện Chợ Mới ứng dụng bước đầu đã thành công trong trồng thanh nhãn điển hình như Anh Phạm Thành Út, ấp Long Bình, xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang. Mô hình được thực hiện với diện tích gần 2,2 ha, ứng dụng công nghệ phun tưới thông qua thiết bị di động đã giảm được 70% chi phí, tiết kiệm lượng nước tưới và công lao động.  

Anh Phạm Thành Út

Xuất phát từ lòng đam mê, nhận thấy diện tích đất gần khu dân cư không thuận tiện cho việc trồng lúa nên anh tư duy thay đổi cách làm để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nhận thấy được giá trị kinh tế của cây thanh nhãn anh Phạm Thành Út quyết định học tập kinh nghiệm ở tỉnh khác. Qua thời gian anh Út mạnh dạn bắt tay vào thực hiện niềm đam mê của mình, lên liếp trồng trên 900 gốc thanh nhãn, qua quá trình nghiên cứu tìm tòi học hỏi anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm trồng nên cây phát tiển tốt. Tuy nhiên, bước đầu sử dụng tưới cho cây theo phương pháp truyền thống, nên mất nhiều công lao động, thời gian và chi phí.

Năm 2022, anh Phạm Thành Út đã được sự hỗ trợ từ phòng Nông nghiệp huyện Chợ Mới lắp đặt hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho cây thanh nhãn, từ nguồn kinh phí nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Chủ nhiệm mô hình là cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Chợ Mới với tổng kinh phí lắp đặt hệ thống gần 160 triệu đồng cho trên 900 gốc thanh nhãn. Mô hình thực hiện nhằm mục đích giảm công lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí trong sản xuất.

Van tưới tự động

Ứng dụng hệ thống phun tưới thông minh thông qua thiết bị di động sẽ rất tiện lợi, anh Phạm Thành Út cho biết, phương pháp tưới này dù ở cách vài chục kí lô mét nhưng vẫn phun tưới cho cây như đang ở vườn, không lo thiếu cây thiếu nước, héo lá rất thuận lợi. Hệ thống phun tưới này sẽ thấm đều từ đỉnh đến rễ, mỗi lần phun tưới từ 15-30 phút tuỳ vào thời tiết, nếu nắng nhiều thì tăng thời lượng tưới. Đặc biệt, sử dụng hệ thống tưới này sẽ giảm 70% chi phí so với trước khi sử dụng, trung bình mỗi tháng giảm tương đương 800 ngàn tiền điện và giảm thêm thuê mướn nhân công. Khi tham gia thực hiện mô hình, ngoài hỗ trợ kinh phí hệ thống tưới thông minh, phòng Nông nghiệp cũng như Trạm Khuyến nông luôn quan tâm hướng dẫn tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Qua đó, tôi đã nắm bắt được rất nhiều kiến thức và áp dụng vào chăm sóc vườn thanh nhãn của mình cho năng suất cao, mỗi vụ thu hoạch trên 8 tấn, tôi đã thu hoạch được 2 vụ, chuẩn bị chăm sóc bước vào vụ thứ 3.  

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới ứng dụng công nghệ cao điều khiển thiết bị di động tưới nông dân không phải tốn công đào mương dẫn nước như phương pháp truyền thống, đồng thời điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên tiết kiệm đáng kể nguồn nước. Ngoài ra, còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ tan như đạm, kali, hay các loại phân bón dạng nước… thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống. Với hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp nên hiện nay, công nghệ phun tưới thông qua thiết bị di tự động đã được áp dụng rộng rãi tại các địa phương đối với nhiều loại cây trồng, như cây ăn quả, cây rau màu các loại…

Chị Hồ Lê Yến Nhi, Phó Trạm Khuyến nông huyện Chợ Mới cho biết: Tổng diện cây trồng 6 tháng đầu năm huyện Chợ Mới trên 8,1 nghìn ha, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng đến cuối năm 2022 trên 9,4 nghìn ha. Trong vài năm trở lại đây huyện Chợ Mới khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đối với cơ cấu cây trồng, thanh nhãn là loại cây trồng mới được nông dân trồng vài năm trở lại đây ở một số xã như: Long Kiến, Kiến An, Anh Phạm Thành Út là một trong những nông dân tiên tiến tiếp cận sớm với loại cây trồng này.

Nói về kỹ thuật kinh nghiệm trồng thanh nhãn, anh Út chia sẻ: Thanh nhãn khá dễ trồng, để thanh nhãn cho trái cần xiết nước khoảng 01 tháng cây sẽ ra hoa kết trái... Thời gian bắt đầu trồng đến khi cho trái từ 18 - 22 tháng. Ngoài ra, để thanh nhãn thơm ngon, cơm dầy, chắc thịt và có vị ngọt thanh đặc trưng thì không sử dụng phân hoá học nhiều, chủ yếu sử dụng phân bò, gà và phân hữu cơ hoai mục.

Giá bán mỗi kilogram thanh Nhãn cho thương lái bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, tuỳ vào thị trường mà có giá mức giá khác nhau. Đây là khoản lợi nhuận tương đối cao và ổn định đối với hộ nông dân làm kinh tế vườn. Tuy nhiên, thanh nhãn hiện nay chủ yếu bán cho thương lái, chưa có doanh nghiệp bao tiêu. Trong thời gian tới mong muốn chính quyền chung tay hỗ trợ xúc tiến tìm đầu ra để sản phẩm thanh nhãn có doanh nghiệp bao tiêu ổn định và được tham gia vào chương trình OCOP góp phần tăng thêm giá trị thanh nhãn, và được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, ổn định thu nhập.

Chị Hồ Lê Yến Nhi

Chị Hồ Lê Yến Nhi, cho biết thêm việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tiết kiệm nhân công, chi phí, tiết kiệm nước một cách hiệu quả và đồng thời kiểm soát được lượng nước, qua đó, có thể gia tăng năng suất và lợi nhuận cho cây trồng. Thanh nhãn là cây có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên loại cây trồng này còn khá mới mẻ đối với nông dân của địa phương. Thời gian tới, Trạm Khuyến nông của huyện phối hợp với chính quyền địa phương đề xuất Sở, ban ngảnh tỉnh hỗ trợ cho nông dân giải pháp tài chính, ký kết tiêu thụ đầu ra các sản phẩm, nhằm khẳng định hiệu quả của cây thanh nhãn này. Đồng thời sẽ mở ra hướng phát triển thêm các loại cây trồng khác, rau màu có giá trị kinh tế cao khác trên địa bàn huyện Chợ Mới.

Có thể nói ứng dụng công nghệ cao trong phun tưới thông qua thiết bị điện thoại sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian, nước tưới cho các loại cây trồng trong khu vườn dù ở bất cứ ở đâu khi nào cần cũng có thể sử dụng điều khiển tưới một cách dễ dàng. Qua đó, sẽ giúp việc tưới cây trong vườn trở nên đơn giản và tiện lợi hơn không còn lo ngại dù cho ở bất cứ nơi đâu. Sự ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống và tri thức của người dân, từng bước đáp ứng nhu cầu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Trang Nghiêm

Trung tam Khuyến nông An Giang