CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Năm 2021, An Giang phát triển 290 Hợp tác xã

04:32 21/05/2021

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 249 về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX)  năm 2021, nhằm đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn”.

Hiện HTX trên địa bàn tỉnh cơ bản được củng cố và có bước phát triển. Tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 246 HTX, cụ thể: HTX lĩnh vực Nông nghiệp 180, chiếm tỷ lệ 73,57%; Quỹ tín dụng nhân dân 24, chiếm tỷ lệ 9,75%; HTX lĩnh vực Giao thông vận tải 25, chiếm tỷ lệ 10,16%; HTX lĩnh vực Tiểu thủ công nghiệp 05, chiếm tỷ lệ 2,03%; HTX lĩnh vực Thương mại, Dịch vụ, Du lịch 11, chiếm tỷ lệ 4,47%; HTX lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường (khai thác cát) 01, chiếm tỷ lệ 0,4%.

Trong năm 2020, thành lập mới 56 HTX. Số HTX đang hoạt động 232 HTX, chiếm 94,30% tổng số HTX.  Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 01 Liên hiệp HTX NN và 13 HTX NN yếu kém, ngưng hoạt động lâu ngày. Trong 13 HTX NN có 10 HTX thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc và 03 HTX giải thể theo hình thức tự nguyện. Tổng doanh thu bình quân của một HTX 5000 triệu đồng/năm. Tổng lợi nhuận bình quân của một HTX  900 triệu đồng/năm.

Riêng Tổ hợp tác (THT) có hơn 800 Tổ đang hoạt động. Doanh thu bình quân của một THT là 149 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 47,2 triệu đồng/năm. Trong năm 2020, có 145 THT mới được thành lập với 1.160 thành viên. Các THT mới thành lập xuất phát từ thực tế của người dân và phù hợp quy định, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi.

Đến cuối năm 2021, An Giang quyết tâm đưa KTTT, HTX của tỉnh thoát khỏi tình trạng yếu kém, trung bình và tăng trưởng ở mức độ khá; đủ năng lực nội tại để vừa phục vụ tốt cho thành viên vừa tham gia và đứng vững trên thị trường.

Theo đó, An Giang phấn đấu năm 2021, đóng góp của khu vực KTTT, HTX vào GDRP của tỉnh 1.250 tỷ đồng, chiếm 1,68% GRDP của tỉnh. Số lượng lũy kế 290 HTX và 920 THT. Doanh thu bình quân của HTX  5.200 triệu đồng/năm, THT trên 200 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX 49 - 52 triệu đồng/năm...

Để đạt mục tiêu đề ra, An Giang, tập trung xây dựng "Hệ sinh thái HTX" phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh: (1) Hệ sinh thái lúa gạo, (2) Hệ sinh thái cá Tra, (3) Hệ sinh thái Xoài, (4) Hệ sinh thái Bò sữa, (5) Hệ sinh thái Heo, (6) Hệ sinh thái của hàng tiện lợi (Bách hóa xanh, nông sản an toàn, OCOP,…).

Xây dựng Chương trình phát triển HTX theo hướng liên kết các HTX có cùng nhóm mục tiêu về mua chung và cùng mục tiêu về bán chung; đồng thời việc mua chung, bán chung giúp giảm chi phí đầu vào và giảm giá bán đầu ra do mua và bán chung với số lượng lớn sản phẩm.

Hoặc hỗ trợ các HTX phát triển lên thành Liên hiệp HTX lớn mạnh hơn về quy mô hoạt động, đa dạng về sản phẩm, dịch vụ,… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường.

Hướng dẫn doanh nghiệp và HTX hợp tác thực hiện hợp đồng mềm (không chốt giá trước) và hợp đồng cứng (chốt giá trước, có công chứng, có ký quỹ,…) để chia sẽ lợi nhuận và rủi ro cho nhau, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Tỉnh sẽ củng cố và phát triển mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm và rau an toàn tại huyện Chợ Mới. Kết hợp thực hiện dịch vụ nông nghiệp với dịch vụ du lịch sinh thái; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lúa nếp Phú Tân; đẩy mạnh phát triển nghề mộc ở huyện Chợ Mới.

Xây dựng“Cánh đồng lớn” sản xuất chuỗi lúa gạo theo hướng nông nghiệp bền vững (SRP) trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX, THT đầu tư sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, lúa nếp bền vững; phục tráng giống lúa mùa nổi nguyên chủng Tri Tôn, An Phú để xây dựng thương hiệu.

Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ để gia tăng hoạt động chế biến, nâng giá trị gia tăng sản phẩm nông sản (các chế phẩm từ gạo, nếp...) tại các HTX NN đã được tỉnh quan tâm hỗ trợ kết cấu hạ tầng trong thời gian qua.

Tăng cường hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới để làm HTX mẫu triển khai trên toàn tỉnh, gắn kết với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao năm 2021 và các năm tiếp theo.

Cương quyết giải thể những HTX tồn tại hình thức, HTX yếu, kém không còn khả năng hồi phục; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các HTX yếu, diện tích nhỏ sáp nhập với các HTX trong vùng để tăng quy mô hoạt động, năng lực sản xuất kinh doanh.

Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, kế toán, thành viên HTX; hỗ trợ thành lập mới 30 - 50 HTX trong năm 2021. Tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX NN./.

Xuân Hiếu