CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Về Tân Châu xem nét độc đáo đẩy dồn bắt cá linh nơi thượng nguồn sông Tiền

10:05 10/12/2022

Đã bao đời nay, nơi thượng nguồn dòng sông Tiền chảy qua thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã ban tặng nhiều phù sa cùng bao loài thủy sản cho bà con người dân tại vùng đất này, trong đó, cá linh là loài cá được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi mùa gió bấc về và càng độc đáo hơn với cảnh người dân đẩy dồn bắt cá linh, đã đem đến sự riêng biệt và thu hút đông đảo người dân gần xa đến khu vực bờ kè, thị xã Tân Châu.

Hằng năm, vào tháng 10 âm lịch, tùy theo con nước về sớm hay muộn mà người dân gắn liền với nghề đẩy dồn bắt cá linh sẽ hoạt động, năm nay, nước lớn lại rút sớm, nên khoảng mùng 06 tháng 10 âm lịch, các ghe đẩy dồn bắt cá linh đã hoạt động nhộn nhịp. Trở về thăm quê nhà sau hàng chục năm sống tại TP.HCM, chú Nguyễn Văn Sét chia sẻ: “Nếu mà bà con mình ở phương xa có dịp về Tân Châu, đến mùa này đến bờ kè Tân Châu để nhìn thấy cảnh quang của sông nước, rồi những anh em người ta làm về nghề đánh cá thấy nó cũng xôn xao, rồi trong khi đó thì mình mới về lần đầu tiên, mình cảm nhận được cái mùa nước nổi này, cá rất là ngon, cá cũng bự, đặc biệt là đây là tới mùa này là ghe dồn là cá linh nhiều, tất cả các loại cá khác thì không có, chỉ có cá linh này, tới tháng 10 nè, thì cá nó về, thì bà con người ta sắm dồn, để người ta dồn, để bắt được cái loại cá linh”.

Không khí mát mẻ, trong lành nơi góc đường bờ kè Tân Châu, tỉnh An Giang trong những ngày này, lại rộn rã tiếng hỏi mua, thương lượng giá cả khi mua cá linh của bà con nhân dân. Cá linh khi vừa được đem lên là bán liền để cá giữ được độ tươi, vừa mần cá bá cho khách, chị Phạm Thị Bé Ba, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ: “Đầu mùa bốn chục, rồi tới chừng nào cá nhiều bán lại rẻ lại 25, bây giờ không có cá thì ba chục lại vậy đó, tùy theo cá nhiều, cá ít vậy đó, đặng có tiền đổ dầu”.

Bà con người dân không chỉ thích cách bán cá nhanh – gọn- lẹ và rẻ, mà còn thích nhìn cảnh dưới sông, những chiếc ghe đang đẩy dồn bắt cá linh. Có người dừng xe lại chỉ để nhìn cảnh đẩy dồn bắt cá, có người thì vừa chờ mần cá, vừa đứng nhìn, vui mừng hơn khi mà thấy có được mẻ cá to vừa được vớt lên. Chú Nguyễn Văn Sét bày tỏ: “Dịp gặp như vầy, thấy cảnh quan ở Tân Châu mình sông nước tới mùa cá linh thì rất là vui, không khí rất là trong lành, cuộc sống của người dân thấy cũng nhộn nhịp cá mùa cá linh về, cũng được phấn khởi về vấn đề cá mắm”.

Những chiếc ghe đẩy dồn cá linh được thiết kế với dàn lưới hơn 20m cột vào 02 cây đòn dài trên 10m và kết nối với một đòn bẩy chắc chắn. Theo kinh nghiệm, người dân chọn thân cây già, có lõi để chịu được sức nặng, và cây phải thẳng để rút nước nhanh, cần có từ 03 đến 04 người, vừa để leo lên cây đòn bẩy, vừa để thực hiện kéo dồn và công việc đẩy dồn bắt cá linh từ lúc 05 giờ sáng, đến khoảng 16, 17 giờ chiều. chú Nguyễn Văn Sét cho biết:  “Về miền sông nước này ở Tân Châu dòng sông Cửu Long thì thấy này rất là lạ, mới thấy lần đầu tiên, để cảm nhận được cách bắt cá của người nông dân ở đây, để sắm cái dồn, người ta gọi là cái dồn đó, chứ mình không biết lịch sử nó như thế nào, nhưng mà thấy nó lạ lạ, mình cũng ngồi xem mấy tiếng đồng hồ, để coi những người nông dân ở đây người ta có cách bắt cá người ta sắm dồn người ta đẩy, quan trọng lắm, cũng không có gì cầu kỳ lắm, nhưng mà có cái là phải dầm nắng, dầm mưa, để dồn để bắt con cá giữa dòng sông, mà con cá đi nước ngược, chứ không phải đi nước xuôi, cá này tới mùa là cá nó về”.

Ngoài ra, không chỉ độc đáo với chiếc dồn đẩy cá, mà cảnh mua bán nơi đây cũng khác biệt hơn, có người còn gọi “Mua bán chạy”, chiếc ghe đẩy dồn sau khi ủi cá lên sẽ nhanh chóng đổ vào thùng, chuyền qua ghe nhỏ và xách chạy lên bờ, hoặc sẽ được bỏ vào các túi nilong ném vào bờ, để người thân vớt chạy lên kịp bán cho khách đi đường. Năm nay cá nhiều, sẽ có xuồng nhỏ chạy ra chiếc ghe đẩy dồn để sang cá nhanh, lẹ, đảm bảo cá tươi. Người bán thì nhanh tay làm cá khi có khách yêu cầu, người mua thì thích thú vì đã mua được những con cá linh ngon. Mùa đẩy dồn bắt cá linh tập nập như vầy, cũng làm những người gắn bó với Nghề cảm thấy vui hơn rất nhiều, so với những thời điểm khác trong năm, chị Phạm Thị Bé Ba, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ: “Thời điểm khác trong năm cũng đi xúc cái vợt y chang vầy mà mình chèo đó, mà nó nhỏ xíu, xúc về giao cho bạn hàng, chứ mình không bán như vầy, một năm mình làm có 2 tháng nè, vui lắm”.

Nhắc về món ăn được chế biến từ cá linh cũng rất đa dạng và công phu, tùy theo khẩu vị, sở thích của mỗi gia đình mà có những cách chế biến khác nhau, cô Nguyễn Thị Nhanh, phường Long Hưng, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ: “Năm nay cá nhiều, mới có mấy bữa mà nhiều thấy ghê, cô mua về đặng cô kho gửi đi Sài Gòn cho nhỏ con gái, kho hầm,  cô mua mới có lần này à, chút xíu mua thêm nữa tới 06 kg lận, cá linh nướng hoặc là nấu canh chua với kho, kho muối đó”, còn đối với chú Sét cho biết: “Tới mùa cá linh có bông Điên Điển, bông súng, đó là đặc sản ở miền Tây, miền sông nước, cá linh thì mình làm được nhiều món ăn, chẳng hạn như là là mình nướng hay là nấu chua hay là kho lạc rất là ngon, thích thú nhất là mùa cá linh”.

Có thể thấy rằng, cách chế biến cá linh được nhắc đến nhiều nhất là kho rịu, cá linh sau khi mần xong, rửa sạch, sẽ ướp các gia vị như đường, muối, bột ngọt, hành tím, nước dừa… và không thể thiếu mía, những cây mía được sắp vào nồi trước, rồi để cá linh vào, sau đó lớp cuối cùng để thêm mía, và khóm, để cá linh mau rịu. Khi món cá linh chín, lúc thưởng thức, thịt cá mềm rịu, tan chảy trong miệng và sẽ ăn kèm với các loại rau sống như dưa leo, bông súng, bông điên điển rất là bắt cơm, một món ăn dân dã nhưng lại làm say đắm bao thực khách gần xa khi nhắc về món ăn này.

Đã mấy mươi năm, bà con vùng sông nước Tân Châu gắn bó với những chiếc ghe đẩy dồn bắt cá linh. Cùng với sản vật thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất thượng nguồn sông Tiền – những con cá linh đã trở thành món ăn đặc trưng, và sự sáng tạo đẩy dồn bắt cá linh đã tạo nên khung cảnh nhộn nhịp và độc đáo chỉ có ở vùng đất Tân Châu – An Giang.

Huyền Thoại