CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Năm 2023, An Giang phấn đấu thành lập mới 27 hợp tác xã nông nghiệp

11:45 19/05/2023

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký Kế hoạch số 309/KH-UBND ngày 24/4/2023 Thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác  (HTX, THT) gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang năm 2023.

An Giang sẽ hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 200 ha trở lên có hệ thống logictics hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao.

Mục tiêu chung là tiếp tục nâng cao nhận thức và vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế tập thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh phát triển các tổ chức đại diện nông dân gắn với thực hiện liên kết sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Đồng thời phát triển các HTX, THT nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất hiện đại, liên kết với doanh nghiệp hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghiệp, khép kín từ sản xuất đến chế biến; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.

Từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức và hình thức hoạt động của các HTX, THT theo hướng hiện đại, hiệu quả, chuyển đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển mối quan hệ sản xuất hài hòa, đồng hành, hợp tác đôi bên cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro giữa HTX, THT  và doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể: Thành lập mới ít nhất 34 HTX NN (trong đó chỉ tiêu thành lập mới của năm 2023 là 27 HTX NN và bổ sung 07 HTX chưa đạt chỉ tiêu của năm 2022) phục vụ phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Có 70% HTX NN hoạt động hiệu quả, trong đó xếp loại tốt, khá từ 50% trở lên.

Có ít nhất 30% số HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp hoặc có doanh nghiệp tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX. Trong đó, mỗi cấp huyện có tối thiểu 03 HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết bền vững với doanh nghiệp tiêu thụ, là HTX tiêu biểu, có khả năng nhân rộng toàn tỉnh.

Bộ máy quản lý điều hành của HTX đạt ít nhất 24% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Mỗi cấp huyện: lựa chọn và đầu tư để nhân rộng ít nhất 02 HTX về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương (hướng đến có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao hoặc các sản phẩm tiềm năng).

Đồng thời phát triển ít nhất 5% THT trên tổng số THT hiện có tại địa phương được nâng chất phát triển lên HTX. Thường xuyên quan tâm, nâng chất các THT đang hoạt động để thực hiện được việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông lâm thủy sản cho thành viên, tạo nền tảng để liên kết phát triển thành chuỗi giá trị theo từng ngành hàng.

Để đạt mục tiêu, An Giang triển khai có hiệu quả Kế hoạch năm 2023 thực hiện Đề án “cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang”; trong đó tập trung phát triển HTX, THT gắn với tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực, thực hiện hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp có uy tín, đầu tư lâu dài với tỉnh.

Cụ thể, đối với ngành hàng lúa, nếp: hỗ trợ các doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Công ty Angimex, Công ty Angimex - Kitoku…thành lập mới HTX, nâng chất các HTX đang hoạt động, gắn với phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn theo các biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa các doanh nghiệp với UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT; hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 200 ha trở lên có hệ thống logictics hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động vào sản xuất - chế biến - tiêu thụ, tập trung tại các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của tỉnh (Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Phú Tân).

Đối với ngành hàng cây ăn trái: tăng cường hỗ trợ các HTX, THT canh tác cây ăn trái sản xuất theo hướng có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm…), có khả năng truy xuất nguồn gốc, có mã số vùng trồng; áp dụng các phương thức sản xuất theo hướng công nghệ cao, ứng dụng KHCN và chuyển đổi số, kỹ thuật sản xuất trái vụ, rải vụ cây xoài và các loại cây ăn trái để có nhiều lợi thế trong tiêu thụ. Thu hút các doanh nghiệp lớn, có thị trường tiêu thụ (công ty Chánh Thu, Công ty Vinamit, Công ty Nafood…) đầu tư, liên kết phát triển vùng nguyên liệu do HTX, THT sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản trái cây phục vụ xuất khẩu.

Đối với ngành hàng rau màu: hỗ trợ thành lập mới và nâng chất các HTX, THT tại các vùng chuyên canh rau màu của tỉnh theo hướng có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới, cây giống ghép, tự động hóa trong khâu trộn giá thể, lắp giá thể vào khay ươm, gieo hạt tự động, công nghệ cao trong bảo quản và chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thời gian sử dụng. Tăng cường quảng bá, kết nối các HTX, THT trồng rau màu liên kết với các hệ thống siêu thị (Winmart, Coop Mart, Bách hóa xanh…), chợ đầu mối.

Đối với ngành hàng chăn nuôi: phát triển các HTX, THT gắn với các vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng chăn nuôi gia công tập trung của doanh nghiệp tại các địa phương có các trang trại chăn nuôi quy mô lớn như huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Thoại Sơn. Tiến tới hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi - giết mổ - chế biến sản phẩm chăn nuôi khép kín nhằm thu hút các tập đoàn lớn (Tập đoàn TH, tập đoàn Thaco…) thực hiện liên kết, đầu tư tại các vùng chăn nuôi do HTX, THT quản lý.

Đối với ngành hàng cá tra: phát triển, nâng chất các THT sản xuất giống thành các HTX sản xuất giống và cá tra thương phẩm tại các huyện có diện tích nuôi cá tra lớn là Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, thành phố Long Xuyên; kết nối gắn kết các HTX, THT cá tra với các doanh nghiệp lớn (Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Vĩnh Hoàn, Tập đoàn Việt Úc…) hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn có chứng nhận, có ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường và gần nhà máy chế biến.

An Giang cũng đẩy nhanh triển khai phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia góp vốn, nhân sự, ứng dụng công nghệ vào các HTX NN nhằm tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị quy mô lớn, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. 

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, diễn đàn quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP mang tầm quốc gia, quốc tế như Hàng Việt Nam chất lượng cao, hội chợ biên giới, hội chợ OCOP…; tăng cường hợp tác, kết nối vùng, liên vùng để giới thiệu và bày bán các hàng hóa, nông sản sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận, thương hiệu, xuất xứ hàng hóa xâm nhập các thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; hỗ trợ kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị nông sản giữa bên sản xuất (HTX, THT, doanh nghiệp liên kết) với bên tiêu thụ có hệ thống phân phối hiện đại: siêu thị, cửa hàng thực phẩm.

Xây dựng và phát triển “điểm giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã” tại thành phố Long Xuyên làm điểm để thu hút khách tham quan và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh…/.

Nguồn: Kế hoạch số 309/KH-UBND ngày 24/4/2023

Xuân Hiếu