CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Phụ nữ vùng biên đam mê với mô hình trồng nấm bào ngư

06:00 22/08/2022

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất sản xuất đang là mục tiêu mà nhiều nông dân vùng biên đang hướng đến. Những năm gần đây, nhiều mô hình kinh tế mới được nông dân đem về phát triển đã không phụ lòng bà con nông dân khi mang lại hiệu quả rất tốt. Điển hình như mô hình trồng nấm bào ngư trong nhà của cô Trần Thị Góp, ngụ ấp Phú Yên, xã Phú Lộc.

Nấm bào ngư là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao, cung cấp một lượng đáng kể chất đạm, đường bột, nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời là dược liệu quý giá trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe phòng chống nhiều bệnh và cũng là nguồn hàng có giá trị. Hơn nữa là một trong những loại nấm dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, dựa vào những đặc tính như trên, cô Góp đã và đang trồng thử nghiệm nấm bào ngư bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Cô Góp chia sẻ gia đình có truyền thồng làm nghề nông, cả thời gian tuổi trẻ đam mê với nông nghiệp, cây trồng nào, mô hình chăn nuôi nào cũng được cô áp dụng vào sản xuất cũng đem lại hiệu quả khả quan, nay tuổi đã lớn nhưng với niềm đam mê nông nghiệp cô đã lựa chọn cho mình một mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với sức khỏe cũng như có thu nhập thêm trong gia đình. Nhờ sự hướng dẫn của người quen, cô Góp biết đến mô hình trồng nấm bào ngư trong nhà, tận dụng diện tích cạnh nhà ngày trước sử dụng chăn nuôi nay cô tái sử dụng lại làm nhà nấm. Ban đầu, cô chỉ trồng ít xem như thử nghiệm. Sau một thời gian, nhận thấy năng suất thu hoạch nấm cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế hiệu quả, nên cô chuyển hẳn sang trồng nấm cho đến nay đã hơn 05 năm. Hiện tại cô Góp có 02 trại nấm, diện tích khoảng 120m2, với 10.000 phôi nấm được treo thành từng hàng trong nhà nấm đang trong giai đoạn cho thu hoạch hằng ngày.

Theo cô Góp việc trồng nấm bào ngư rất dễ chăm sóc và thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư cũng không cao. Tuy nhiên phải nắm chắc kiến thức, kỹ thuật trồng thì nấm mới đạt chất lượng chuẩn. Nhớ lại, thời gian đầu trồng nấm kỹ thuật chưa vững nên năng suất nấm chưa cao. Cô quyết tâm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm qua mạng internet, sách báo, những người đi trước, đi tham quan thực tế các mô hình ở xã lân cận. Đến nay, mặc dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng suất nấm thu hoạch đạt yêu cầu, nhưng cô vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ thuật. Theo cô Góp, nhà trồng nấm phải thông thoáng, ánh sáng phù hợp và giữ độ ẩm tốt. Trụ treo bịch phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch phôi. Nền nhà phải giữ ẩm tốt hơn nhưng cần rắc vôi để tẩy trùng. Nóc nhà lợp lá tạo độ mát cần thiết cho cây nấm. Để tiết kiệm chi phí, cô Góp chọn trồng nấm bằng cách treo trên dây: phía trên trần nhà có các thanh sắt để buộc dây treo phía dưới  từ 10 – 12 bịch phôi. Mật độ phôi nấm trên diện tích nhà trồng phải phù hợp, đảm bảo độ thông thoáng nhằm đạt năng suất cao. Độ ẩm là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của nấm dao động ở mức 80%, bên cạnh đó cũng cần chú ý đến nhiệt độ và cả độ thoáng khí. Cô Trần Thị Góp – ngụ Ấp Phú Yên, xã Phú Lộc chia sẻ: “Cũng như phôi mình mua ở công ty cấy thường thường là ba tuần công ty giao cho mình, thì mình lấy mốc đầu cấy đến khi mình rút bông đúng 02 tháng, 02 tháng mới rút cái bông ra rồi làm vệ sinh sương sương rồi mình đậy nút lại, đậy nút đúng 10 ngày xịt nước người ta kêu sốc lạnh, xịt cho ướt trái phôi hết mới rút nút ra, rút ra ngày tưới tùy theo nhiệt độ mưa nhiều mình tưới ít nắng thì mình tưới nhiều, 05 ngày sau thì nó cho ra nấm”.

Nấm bào ngư xám là loài nấm dễ trồng, thu hoạch liên tục trong vòng 4 tháng, từ khi trồng cho tới khi thu hoạch mất khoảng 85 ngày. Cứ 15 ngày, thu hoạch 1 lần, để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường nông dân có thể cho các phôi ra nấm theo ý muốn của mình, mỗi phôi nấm nếu đạt năng suất sẽ cho ra khoảng 250 -300g nấm. Mô hình trồng nấm thân thiện với môi trường, hầu như không có rủi ro với môi trường vì rác thải ra sẽ tự phân hủy, sau khi thu hoạch có thể tận dụng mùn phôi thải để trồng nấm rơm, phôi nấm được Công ty cung cấp đảm bảo chất lượng đến khi nông dân thu hoạch được nấm. Trồng nấm bào ngư xám rất sạch, chỉ tưới phun sương bằng nước máy, để giảm nhẹ công trong chăm sóc cô lắp đặt hệ thống phun sương tự động trong nhà nấm. Phôi nấm sau khi đem về để lên meo khoảng 02 tháng mở bông gòn ra rồi đậy nắp lại khoảng 10 ngày mở nắp ra, sau đó tưới nước cho có độ ẩm để nấm dễ mọc, một ngày tưới nước 01 - 02 lần. Khi thấy xung quanh nút chai có sợi tơ thì tiến hành tháo nút, khoảng 06 ngày sau nấm bắt đầu mọc ra, tùy theo kích cỡ nấm mà tiến hành thu hoạch. Sau khi thu hoạch nấm xong thì tiến hành vệ sinh nút phôi cho sạch sẽ rồi đậy nắp phôi lại tiếp tục tiến hành tưới nước theo dõi phôi nấm khoảng 15 ngày sau là bắt đầu cho thu hoạch lứa tiếp theo. Nấm được thu hoạch vào buổi tối và sáng sớm nhằm đảm bảo nấm được tươi và bán cho thương lái được giá cao. Cô Trần Thị Góp – ngụ Ấp Phú Yên, xã Phú Lộc chia sẻ thêm: “Ở đây cô ứng dựng hệ thống tưới phun sương tự động để đảm bảo lượng nước tưới cũng như thời gian phù hợp trong đợt tưới cho nấm, nếu mình muốn bẻ mình phải canh tưới như vậy là nữa tiếng thì mình tính cuối tiếng của tưới đợt sau là mình bẻ, để mình bẻ sớm thì nó ướt nấm, bẻ trễ thì nấm bị khô quá. Nó phải cần đủ độ ẩm nó mới ra, nó thiếu độ ẩm nó không ra đâu rồi nó ảnh hưởng đến phôi nữa. Trung bình trái phôi nó đạt phải 250g, giá bình quân bình thường bán được 40.000 đồng thì mình cũng có lời”.

Cô Góp cho biết thêm, nấm bào ngư không quá khó trồng nhưng lại dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, bà đều tiến hành rải vôi diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để diệt địa y, rong rêu. Cô Trần Thị Góp – ngụ Ấp Phú Yên, xã Phú Lộc chia sẻ: “Làm không kỹ muỗng đó mút vô cái xanh đó đó mà không sát khuẩn móc vô trái khác là nó lây liền, còn nắp là quậy nước vôi rữa rồi phơi cho khô ráo, mỗi lần rút ra là để vô đó rữa rồi lấy nút mới cứ chuyền hoài dị đó cũng cực lắm, làm phải đam mê mới được, nói chung mỗi đợt thu hoạch cũng ham, đợt nó trúng được 300g bình quân thủ là 250g”

So với những loại cây trồng khác thì nấm bào ngư xám có đặc tính dễ trồng, tiện chăm sóc và diện tích trồng không quá nhiều, có thể tận dụng sàn nhà hay khoảng đất trống cạnh nhà là ta có thể trồng nấm bào ngư, thời gian thu hoạch của nấm kéo dài từ 4 tháng với 8 – 10 lần thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Hiện nay, tại các chợ nông thôn và khu vực thị xã, nấm thương phẩm có giá bán lẻ từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, thương lái thu mua tại nhà có giá hơn 40.000 – 50.000 đồng/kg. Nhưng để đảm bảo đủ số lượng nấm cung cấp ra thị trường không bị dư hoặc thiếu cô Góp cho nấm thu hoạch xen kẻ theo từng ngày với số lượng khoảng 30kg/ngày bán chợ và bán cho các thương lái ở thị xã, vào những ngày cao điểm thì sẽ cho ra nấm nhiều hơn. Qua mỗi lần thu hoạch nấm cho từng đợt gieo, gia đình cô Góp thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Nếu so với các loại cây trồng mà nông dân xã biên giới trồng trước đây như lúa và sen thì trồng nấm chỉ cực vào lúc thu hoạch và xử lý nắp phôi.

Mô hình trồng nấm bào ngư là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân vùng biên, giải quyết được nhu cầu việc làm đối với lao động không có đất sản xuất, tận dụng khoảng trống trong nhà đã đem lại hiệu quả kinh tế, giờ đây cô Góp mong muốn sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình trồng nấm để nâng cao chất lượng nấm bào ngư và cô Góp cũng mong rằng, thời gian tới cần có sự liên kết trong sản xuất để đáp ứng nguồn cung – cầu đem lại lợi nhuận ổn định hơn cho bà con nông dân.

Lê Kiều