CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Tái cơ cấu nông nghiệp

An Giang: Kết quả thực hiện các nhóm giải pháp ưu tiên theo Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh

04:00 05/01/2024

a) Giải pháp về thu hút đầu tư và phát triển thị trường.

Năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chủ động, quyết liệt thực hiện các Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng và hỗ trợ kịp thời các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 8.066 doanh nghiệp và 4.816 đơn vị trực thuộc đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 87.587 tỷ đồng.

Tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: từ đầu năm đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 06 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tổng vốn đầu tư đăng ký là 223 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh theo chuỗi liên kết sản xuất tại 04 HTX nông nghiệp vào cuối năm 2022 với tổng mức hỗ trợ là 7.997 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.  Đến thời điểm hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã bố trí vốn để thực hiện đầu tư cho dự án nâng cấp, cải tạo các trạm bơm HTX nông nghiệp Chợ Vàm, huyện Phú Tân với số tiền là 1.733 triệu đồng. Ngoài ra, theo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là 53.265 triệu đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang tại Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 01/6/2023. Chủ động rà soát, đề xuất tháo gỡ các khó khăn để tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã hoàn tất thủ tục đất đai cho 07 doanh nghiệp để đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp (nhà máy xay xát lúa gạo, chế biến nông sản...). Ngoài ra, Trung tâm Phát triển Quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) đang hỗ trợ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng dự án “Đầu tư xây dựng Cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tỉnh An Giang” do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Dự án nhằm phục vụ đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng vùng ứng dụng công nghệ cao để sản xuất cá Tra giống có chất lượng tại tỉnh An Giang, cung cấp cho nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu và các tỉnh nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với quy mô là 350 ha (xã Mỹ Phú: 140 ha; xã Bình Phú: 210 ha).

Tình hình xuất khẩu tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng khá so với cùng kỳ cả về sản lượng và kim ngạch. Hoạt động xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs) tiếp tục được tăng cường, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới và khó tính cho thấy sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đã dần được cải thiện về chất lượng, mẫu mã. Thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, đặc biệt là sản phẩm cá tra. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1.172 triệu USD, tăng 1,42% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh trong năm 2023 như: xuất khẩu gạo đạt 340 triệu USD, tăng 8,97% so với cùng kỳ. Điểm sáng của xuất khẩu gạo là Công ty Cổ phẩn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400 ngàn tấn gạo xuất sang thị trường EU trong năm 2023. Thị trường Indonesia, Trung Quốc sau mở cửa nền kinh tế nhu cầu mua gạo cao; bên cạnh đó gạo còn xuất khẩu sang các thị trường Philippines, Malaysia, Australia, Nga, Bangladesh... Xuất khẩu thủy sản đông lạnh đạt 350 triệu USD, giảm 13,15% so với cùng kỳ; Xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt 65 triệu USD, tăng 96,97% so với cùng kỳ.

b) Giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể.

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Toàn tỉnh có 220 Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) với 13.120 thành viên; nâng chất 02 Liên hiệp HTX với 20 thành viên; có 1.193 THT đang hoạt động với 16.667 tổ viên. Số HTX NN hoạt động hiệu quả đạt trên 71,26%, trong đó xếp loại tốt, khá trên 37,35%. Trình độ nhân sự, quản lý điều hành HTX ngày càng được nâng cao, cải thiện đáng kể về mặt quản trị, công tác kế toán, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm cũng tiến bộ rõ rệt. Hỗ trợ trả lương nhân lực trẻ về làm việc tại các HTX NN và triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học. Quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ nhằm giúp các HTX có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, HTX. Xây dựng các mô hình hợp tác phát triển kinh tế, cùng chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả trong quá trình triển khai sản xuất kinh doanh. Chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành và UBND các huyện có liên quan xây dựng Kế hoạch giải thể HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2023.

Ngày càng nhiều HTXNN, Tổ Hợp tác (THT) ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh nhờ được tiếp cận đa dạng nguồn vốn như chính sách hỗ trợ vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 57, chính sách hỗ trợ Khoa học và công nghệ, chính sách hỗ trợ người trồng lúa… Công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích HTX, THT áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ trong canh tác, thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP, Global GAP...) được thực hiện hiệu quả. Áp dụng đồng bộ các giải pháp về giống; kỹ thuật nuôi, canh tác, đầu tư thâm canh để đảm bảo năng suất và chất lượng nguyên liệu nông sản. Có 04 HTX NN được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư thực hiện giai đoạn 2 lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025.  

Hình thành được các vùng nguyên liệu sản xuất lúa tập trung, khép kín do HTX NN quản lý, tổ chức sản xuất, tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Thúc đẩy tăng cường mối liên kết bền chặt giữa Nông dân - HTX - Doanh nghiệp, qua đó giúp HTX, nông dân ngoài thành viên cải thiện thu nhập. Hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm - mở rộng thị trường, tham gia hội chợ và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh các cấp đã thành lập các  tổ, mô hình liên kết sản xuất kinh doanh của HTX, THT, tổ liên kết có cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chế biến, tiêu dùng đảm bảo an toàn.

c) Giải pháp chuyên nghiệp hóa nông dân.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông dân, cư dân nông thôn có kỹ năng nghề gắn với thị trường lao động. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang và Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng công tác và hiệu quả phổ cập giáo dục ở vùng nông thôn. Ứng dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; phát triển toàn diện xây dựng trường học số trong ngành giáo dục.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Nâng cao năng lực cho cán bộ, viên chức nông nghiệp làm công tác khuyến nông về ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, thương mại điện tử thông qua việc xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông thông qua mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2023 - 2025”.

Thúc đẩy, khuyến khích nông dân tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, thị xã, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị.

Ban Thường vụ Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực chỉ đạo Hội LHPN các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phù hợp tình hình thực tế địa phương. Tham gia các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường gắn với thực hiện các đề án, chương trình tập huấn, tuyên truyền, vận động phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.

d) Giải pháp về khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực.

Triển khai thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 nhằm tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng (Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo. Công tác tư vấn phê duyệt, tuyển chọn, xét chọn, đánh giá nghiệm thu các nội dung nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã bám sát tình hình thực tế, được chọn lọc kỹ, không còn dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trong năm đã tổ chức thực hiện 56 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 21 nhiệm vụ KH&CN góp phần thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (gồm: 10 nhiệm vụ cấp tỉnh và 11 nhiệm vụ cấp cơ sở). Cụ thể (1) Về lĩnh vực trồng trọt: có 10 nhiệm vụ được triển khai thực hiện (03 nhiệm vụ cấp tỉnh và 07 nhiệm vụ cấp cơ sở), các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu các loại giống cây trồng chủ lực của địa phương như: lúa, cây ăn trái (xoài, nhãn…), rau màu; nghiên cứu đánh giá chất lượng đất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các tiểu vùng sản xuất lúa kém hiệu quả do hạn ở tỉnh An Giang. (2) Về lĩnh vực thủy sản: Triển khai 11 nhiệm vụ KH&CN với 07 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (02 dự án sản xuất thử nghiệm, 05 đề tài KH&CN), và 04 nhiệm vụ cấp cơ sở, tập trung nghiên cứu sản xuất giống và cải tiến quy trình ương nuôi, thương phẩm trên các đối tượng như: cá cóc, cá tra, lươn, cá lóc, cá trèn bầu, cá sát… Đây là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, thông qua các nghiên cứu đã giúp người nuôi chủ động được nguồn giống, đa dạng hóa đối tượng nuôi. (3) Về ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp: Triển khai thực hiện 02 dự án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững. 

Các kết quả nghiên cứu về giống mới, kỹ thuật canh tác mới, mô hình ứng dụng phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương đã góp phần làm gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương.  Hầu kết các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu đều được chuyển giao cho các đơn vị liên quan triển khai để ứng dụng, nhân rộng trong thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Việc áp dụng các kết quả nghiên cứu trong sản xuất nông nghiệp từng bước đã thay đổi nhận thức của người dân trong việc chủ động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và trong chế biến sản phẩm nông sản, đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Thông qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ, các hoạt động tuyên truyền, các chủ sở hữu nhãn hiệu đã chú trọng và quan tâm nhiều hơn đối với tài sản trí tuệ của mình, việc hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, hoàn thiện các quy trình sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn, chế biến sản phẩm nông sản trong 04 ngành hàng chủ lực (lúa - gạo, cá tra, rau - màu và cây ăn trái) thuộc Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh và một số ngành hàng tiềm năng (hoa kiểng, cây dược liệu…).

Triển khai thực hiện nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử, mô hình công nghệ 4.0. 

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1965/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 về ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang đến năm 2025; Kế hoạch số 160/QĐ-UBND ngày 06/3/2023 về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số với tổng kinh phí hỗ trợ cho năm 2023 là 1.800 triệu đồng. Tổ chức Lớp tập huấn “Kỹ năng bán hàng online” trên nền tảng TikTok cho khoảng 100 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ 19 doanh nghiệp tỉnh tham gia bán hàng trên trang thương mại điện tử Shopee. Đưa 88 sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp lên trang sản phẩm OCOP tỉnh để tuyên truyền, quảng bá. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phối hợp Công ty Tiktok Việt Nam tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, kết hợp Livestream trên nền tảng Tiktok. Hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia đăng ký thông tin, bán hàng qua các trang thương mại điện tử tham gia các kênh bán hàng thương mại điện tử trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến. 

Tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 05/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó, chú trọng phát triển, trọng dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, phát triển nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; từng bước đưa KH&CN về nông thôn, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

e) Giải pháp củng cố, nâng chất các đơn vị sự nghiệp để phát triển các dịch vụ trong nông nghiệp và hỗ trợ nông dân.

Đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các phương án để điều chỉnh, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ hoặc sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp trong tỉnh có liên quan đến nông nghiệp nhằm phát triển đa dạng hóa các dịch vụ trong kinh tế nông nghiệp.

Hồng Quyên

Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang