CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Tái cơ cấu nông nghiệp

Tân Châu: Hội thảo mô hình ứng dụng màng phủ kết hợp sử dụng phân hữu cơ K-HUMATE trên Rau – Màu

11:56 17/07/2023

Thực hiện chương trình sự nghiệp khuyến nông năm 2023, Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu thực hiện mô hình ứng dụng màng phủ kết hợp sử dụng phân hữu cơ K-HUMAT trên Rau – Màu. Cụ thể sản xuất dưa leo theo hướng hữu cơ, nhằm áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ngày 13/7/2023, Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu tổ chức hội thảo mô hình ứng dụng màng phủ kết hợp sử dụng phân hữu cơ K-HUMATE trên Rau – Màu tại hộ nông dân Trần Thanh Sơn, ấp Phú Hữu 1, xã Lê Chánh, thị xã Tân Châu. Diện tích thực hiện 500 m2 (giống Hoa Sen – VL 639). Thời gian thực hiện mô hình là từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2023.

Trước khi xuống giống và quá trình canh tác cần tiến hành một số bước kỹ thuật như:

Làm đất: Cày ải, phơi đất, bón vôi khử trùng, trước khi trồng khoảng 7 - 10 ngày, bón lót phân hữu cơ + Tricoderma (2kg vào đất sau đó xới lại để hỗn hợp trên ngấm vào đất).

Lên liếp/luống trồng: Rộng 1,6m, cao từ 30cm và sử dụng màng phủ nông nghiệp phủ kín chân liếp. Màng phủ nhằm giúp kiểm soát cỏ dại, ngăn ngừa một phần sâu - bệnh hại có nguồn gốc từ đất, duy trì ẩm độ, giảm sự bốc hơi nước. Bón phân lót và tưới mặt liếp trước khi phủ màng (rải phân lót ở giữa liếp).

Gieo trồng: Hạt dưa leo nảy mầm nhanh nên không phải ủ, gieo thẳng ngoài đồng. Màng phủ đục lỗ sẵn theo kích thước cần trồng, tiến hành gieo hạt xuống, 1 hạt/lỗ. Lượng giống gieo: 40 gam/500m2. Cây cách cây 0,3 mét, hàng cách hàng 0,6 mét;

Làm giàn: Khi cây có tua cuốn (khoảng 12-14 ngày) tiến hành làm giàn, nếu thực hiện khâu này chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Dùng cọc được làm từ cây tràm để làm giàn, mỗi cọc có đường kính từ 3 - 5cm, cao khoảng 2 - 3m. Cắm cọc theo hình chữ A dùng dây kẽm để cố định lại, giăng lưới phải đủ chắc để cây có thể leo bám được mà không bị đổ, giàn càng vững chắc thì gốc cây càng cố định, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt.

Tỉa chồi, lá và phòng trừ sâu - bệnh hại: Tỉa bỏ chồi yếu, lá chân, lá già là yếu tố gây sâu bệnh hại. Phòng bệnh, ưu tiên sử dụng các loại thuốc phòng trị sâu – bệnh có nguồn gốc từ sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sâu - bệnh gây hại đến ngưỡng thiệt hại kinh tế. Kết hợp sử dụng chế phẩm Lục diệp K-Humate (60% Humic, 2% N, 2 % P2O5, 9% K2O, 1 % Mg, trung vi lượng Zn, B, Cu, Fe, Mn…) giai đoạn 10, 25, 35 ngày sau gieo. Chế phẩm Lục diệp K-HUMATE có tác dụng kích rễ phát triển nhanh, hạ phèn, giải độc, ...

Quá trình sinh trưởng và phát triển qua các giai đoạn 9, 20, 34 và 43 ngày sau gieo, do ruộng có bón lót phân hữu cơ kết hợp Tricoderma trước khi xuống giống nên đất tơi xốp, bộ rễ phát triển tốt, chiều dài thân và phiến lá dày to so ruộng nông dân.

Dưa leo 9 ngày sau khi gieo

Dưa leo 20 ngày sau khi gieo

Dưa leo 34 ngày sau khi gieo

Trái dưa leo 43 ngày sau khi gieo

 

Trong quá trình thực hiện mô hình, các loại đối tượng sâu hại có xuất hiện tấn công nhưng tỷ lệ thấp, các loại sâu hại như bọ trĩ, sâu vẽ bùa, sâu tơ … có xuất hiện nhưng được phòng trị kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều. Ở giai đoạn ra hoa- kết trái, gặp mưa nên xuất hiện bệnh sương mai trên cả ruộng trình diễn và đối chứng, nông dân đã tiến hành phun trừ nên không gây ảnh hưởng đáng kể. Việc sử dụng chế phẩm sinh học Lục diệp K-Humate giai đoạn 10, 25, 35  ngày sau gieo bước đầu cho thấy hiệu quả, ruộng trình diễn cây cứng cáp, lá to dày hơn so với ruộng đối chứng.

Về hiệu quả kinh tế: Đây là mô hình canh tác theo hướng bền vững, từng bước hướng người dân sản xuất theo hướng an toàn, thích hợp với diện tích đất sản xuất ít, giảm việc lệ thuộc vào phân bón hoá học. Ruộng thực hiện theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học đối kháng nấm bệnh nên phát triển tốt, hệ thống rễ ăn sâu, tăng sức đề kháng cho cây, chống chịu tốt hơn với sâu bệnh, giúp giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với ruộng đối chứng. Lợi nhuận ruộng trình diễn đạt 4.820.000 đồng/500m2/vụ, trong khi ruộng đối chứng đạt 4.755.000 đồng/500m2/vụ (tính trên cùng mức giá 7.000 đ/kg do thương lái chỉ thu mua bằng giá thị trường), tuy chênh lệch không nhiều nhưng đã bước đầu cho thấy hiệu quả của việc canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo được sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.

Mô hình đã giúp cho nông dân tiếp cận theo hướng an toàn, sử dụng phân hữu cơ kết hợp màng phủ nhằm hạn chế sâu, bệnh và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, bà con nông dân đề nghị tiếp tục thực hiện thêm các mô hình đối với một số cây trồng khác để nhân rộng, giúp nông dân có cơ hội tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong canh tác theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho người nông dân ký kết hợp đồng bao tiêu đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tránh ảnh hưởng giá cả do biến động cung – cầu, để nông dân an tâm sản xuất.

Anh Huy