CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Tái cơ cấu nông nghiệp

An Giang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

11:55 08/12/2023

An Giang là tỉnh tọa lạc ở đầu nguồn sông Cửu Long, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Với hơn 80% diện tích đất nông nghiệp (tương đương 297.000 ha) và hơn 65% dân số là lao động nông thôn, nhờ vậy nông dân An Giang có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn canh tác, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chịu khó lao động, say mê học hỏi và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Các ngành hàng chủ lực (lúa gạo, cá tra, rau màu, cây ăn trái) và các ngành hàng tiềm năng (nấm ăn - nấm dược liệu, chăn nuôi bò, chăn nuôi heo, cây dược liệu, hoa - cây cảnh) đã trở thành những ngành hàng quan trọng, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân, đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế tỉnh nhà.

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang” tại Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/02/2023. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn, cảnh quan và có trách nhiệm trong mối liên kết chặt chẽ với các cụm ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ phụ trợ, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau gần 01 năm triển khai, Đề án cơ cấu lại nông nghiệp đã đạt được một số các kết quả đáng khích lệ. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 ước đạt 4,43% (vượt kế hoạch đề ra, kế hoạch năm 2023 là 3,2-3,5%) thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm. Diện tích xuống giống lúa năm nay tăng khá nhiều so với cùng kỳ, đồng thời diện tích tích trồng lúa chất lượng cao và nếp được mở rộng, trong tình hình giá lúa tăng cao đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân; diện tích gieo trồng rau màu tăng và có sự luân canh hợp lý, thay đổi chủng loại cây màu để phù hợp với thị trường. Chăn nuôi và thủy sản ổn định, đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực, thực phẩm.

* Trồng trọt: Ước cả năm 2023, toàn tỉnh thu hoạch hơn 4,059 triệu tấn lúa, tăng 2,94% so với cùng kỳ. Năng suất bình quân cả năm đạt 66,2 tạ/ha. Một số địa phương chuyển sang trồng nếp và các giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm, Lúa Nhật, DS1, Nàng Hoa, Jasmines.... Tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều thuận lợi, giá lúa, nếp đều ở mức cao, đồng thời năng suất lúa cũng cao hơn cùng kỳ, nông dân được mùa, trúng giá.… Đối với hoa màu, sản lượng thu hoạch cả năm 2023 ước đạt gần 625 ngàn tấn, tăng 4,14% so với năm 2022. Năng suất thu hoạch ở các địa phương duy trì ổn định khoảng 220 tạ/ha, tăng 10,07% so với năm 2022. Một số loại hoa màu có năng suất tăng như: khoai lang, đậu nành, đậu phộng…

* Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi. Hình thức nuôi gia công cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh ngày càng phổ biến nên quy mô đàn tiếp tục tăng. Ước tính, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm khoảng 39 ngàn tấn, bằng 104,78% (tăng 1,8 ngàn tấn) so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thịt hơi trâu bò xuất chuồng khoảng 07 ngàn tấn, bằng 98,93%; heo hơi xuất chuồng khoảng 18,3 ngàn tấn, bằng 106,9%; thịt gia cầm khoảng 13,2 ngàn tấn, bằng 104,97%; trứng gia cầm khoảng 429 triệu quả, bằng 107,74% so năm 2022.

* Thủy sản: Những tháng đầu năm 2023 giá bán cá tra nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao (dao động từ 30-32 ngàn đồng/kg), với mức giá bán này đối với hộ nuôi đã có lợi nhuận; riêng đối với các doanh nghiệp có chu trình sản xuất khép kín sẽ đạt mức lợi nhuận cao hơn. Hiện tại, giá bán cá tra nguyên liệu dao động ở mức thấp từ 28 - 30 ngàn đồng/kg (giảm 01 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ các loại thủy sản khác luôn ở mức cao (nhờ xuất khẩu sang Campuchia theo đường tiểu ngạch), từ đó làm cho quy mô nuôi và thu hoạch tăng. Ước tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (bao gồm sản lượng lồng bè) cả năm 2023 đạt gần 656 ngàn tấn, bằng 106,67% (tăng gần 41 ngàn tấn so cùng kỳ).

* Lâm nghiệp: Tiếp tục tập trung công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng và gieo ươm chuẩn bị cây giống lâm nghiệp để triển khai trồng theo kế hoạch. Dự kiến cả năm 2023 thực hiện trồng mới rừng tập trung 70 ha, xấp xỉ mức cùng kỳ. Cây phân tán trồng mới 1,75 triệu cây, bằng 103,36% (tăng 57 ngàn cây so cùng kỳ). Ước tính sản lượng gỗ khai thác trong năm khoảng 36,7 ngàn m3, bằng 107,94% (tăng 3,7 ngàn m3) và 272 ngàn ster củi, bằng 101,11% (tăng 3 ngàn ster) so cùng kỳ.

(Còn tiếp)

Hồng Quyên

Sở Nông nghiệp và PTNT