CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Tái cơ cấu nông nghiệp

An Giang khởi động Dự án phát triển sản phẩm từ tơ sen

11:45 02/06/2023

Cây sen là loài cây thích hợp và sống tốt trong mực nước sâu, cây phát triển theo nước, nước lên đến đâu, cây sen phát triển đến đó, được người dân địa phương trồng từ nhiều năm qua, cây sen ít sử dụng phân bón hóa học, mà hầu như sống nhờ vào phù sa và nước tự nhiên, giá trị kinh tế từ hạt sen rất cao, do là sản phẩm sạch, người ăn tốt cho sức khỏe, nên được người dân trồng vào mùa lũ để tận dụng diện tích mặt nước lũ tăng thêm thu nhập.

Trồng sen mùa lũ là một trong những mô hình sinh kế giúp cải thiện thu nhập cho người dân, đồng thời, mô hình cũng giữ vai trò giúp tăng cường khả năng trữ nước, làm đa dạng các loại thủy sản, thích ứng với biến đối khí hậu. Ở An Giang, mô hình làm tơ sen được phát triển từ mô hình sinh kế trồng sen mùa nước nổi, cọng sen từ mô hình trồng sen lấy gương bị bỏ đi sau khi lấy gương, số lượng cọng sen khá lớn. Năm 2020 Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) có trao đổi với các đối tác viện Kinh tế Sinh Thái (Eco Eco) hỗ trợ 15 phụ nữ huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang tập huấn rút tơ sen thử nghiệm dệt vải tơ sen từ nguồn nguyên liệu ở các lớp tập huấn rút tơ. Mô hình rút tơ sen dệt vải giúp cho người trồng sen tận dụng được cọng sen như là một sản phẩm phụ, thay vì bỏ đi, trở thành nguyên liệu để làm vải đẹp, thân thiện môi trường vừa có thêm nghề tại gia đình, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, lại có thêm thu nhập, giải quyết phần nào lao động nữ vùng nông thôn.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang phối hợp với Liên Minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm từ tơ sen tại Việt Nam nhằm hổ trợ chiến lược trữ lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo là giới thiệu dự án tới các bên liên quan về vai trò của nông nghiệp dựa vào mùa nước nổi nhằm hỗ trợ trữ lũ và khôi phục một phần nước vùng trữ lũ bị thất thoát trong giai đoạn 2000 và 2011 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án được thực hiện tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An. Trong ba năm từ 2023-2025 dự án sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tập huấn cho nông dân trồng các mô hình sinh kế dựa vào sen, tăng diện tích vùng trữ nước. Xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm tơ ssen bằng việc hỗ trợ tiếp cận thị trường và nâng cao sinh kế của người dân trồng sen và những người phụ nữ làm nghề thủ công tại các làng dệt truyền thống.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe trình bày hiện trạng, tiềm năng phát triển trồng sen, các sản phẩm từ sen và tơ sen; Cách thức và cơ hội chuỗi cung ứng tơ sen. Ngoài ra, đại biểu còn được nghe Chị Huỳnh Ngọc Như nhà sáng lập lụa sen Đồng Tháp chia sẻ chuỗi liên kết từ lúc bắt đầu khởi nghiệp kết nối với nông dân và cho ra sản phẩm lụa sen như hôm nay, chị Như cho biết đến với lụa sen không phải đi bằng con đường khoa học, bắt đầu từ một ước mơ trong một chuyến đi chơi ở nước bạn Campuchia, thấy những sợi tơ từ sen thích quá và nung ý định nghiên cứu tìm hiểu và thực hiện cách lấy tơ sen. Cộng thêm gia đình có nghề dệt truyền thống nhiều đời, do đó ước mơ sẽ được thực hiện. Sản phẩm lụa tơ sen đầu tiên của chị Như được tạo ra vào ngày 01/6/2022 và đến nay vẫn tiếp tục nghiên cứu và không ngừng phát triển dựa trên cơ sở khoa học và thông qua những nghiên cứu ứng dụng thực tiễn. Chị Như cho biết thêm từ kinh nghiệm thực tế để cọng sen cho ra nhiều tơ là phải lấy sen đúng thời điểm, lựa chọn giống sen, cách thu hoạch và bảo quản là điều cần thiết.

Ông Trưởng Kiến Thọ, phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, sự thay đổi tác dộng của con người làm cho hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long nói chung không còn cảnh mùa lũ nước mênh mong ngập đồng, không còn những con cá có thể nhảy lên khỏi mặt nước, tuy nhiên sự thay đổi đó chúng ta phải thích ứng. Ở An Giang, người dân ở vùng khó khăn, thời tiết không thuận lợi đã thay đổi hệ thống cây trồng và trồng xen kẻ với các cây trồng khác trong đó có cây sen. Sự thành công của mô hình trồng sen sẽ được nhân rộng cho các vùng lân cận giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, giúp tăng cường trữ nước, cải đất đất, phù hợp với chủ trương Nghị quyết 120/NQ-TTg về phát triển bên vững Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Mong muốn Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, An Giang cũng như các tỉnh tham gia dự án nói riêng đa dạng hoá sản phẩm từ cây sen, một mặt có thể khôi phục lại trữ nước cho Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển lại văn hoá mùa nước nổi. Ngành Nông nghiệp An Giang sẽ cam kết tham gia hỗ trợ và nhân rộng mô hình trong quá trình thực hiện dự án phát triển bền vững, đa dạng sinh kế trong mùa lũ.

Trang Nghiêm