CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Tái cơ cấu nông nghiệp

GIC với hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác xã phục vụ chuỗi giá trị xoài, huyện An Phú và Chợ Mới

11:55 12/07/2023

Ngày 06/7/2023, Ban Quản lý Dự án Các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (BQL Dự án GIC) kết hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra hỗ trợ mô hình thí điểm về quy trình sản xuất xoài Keo tại Hợp tác xã Nông nghiệp Long Bình, huyện An Phú với quy mô 1,7ha. Qua đó, BQL Dự án GIC kết hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động, đồng thời bố trí mô hình đối chứng để so sánh hiệu quả của việc áp dụng công nghệ tưới phun và tưới nhỏ giọt so với đối chứng tưới thông thường, giúp nông dân trực tiếp học hỏi từ mô hình. Bước đầu, đã xây dựng được mô hình mẫu để nhà vườn tham khảo và làm theo các quy trình kỹ thuật, cũng như khuyến khích nông dân hình thành thói quen quy chép nhật ký sản xuất, làm cơ sở tính toán được hiệu quả kinh tế.

Thông qua mô hình thực hiện tại địa phương, nông dân có thể tự đánh giá kết quả thực hiện và biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tưới phù hợp cho vườn xoài của mình. Mô hình cũng được hỗ trợ lấy mẫu đất, mẫu lá để phân tích dinh dưỡng trong đất, trong cây, từ đó đưa ra cách bón phân cân đối theo nhu cầu cây trồng thông qua kết quả phân tích đất, nông dân cũng được hướng dẫn cách vận hành hệ thống tưới nước tự động, cắt tỉa cành, tạo tán. Đồng thời, được chia sẻ kỹ thuật quản lý bệnh thán thư, kỹ thuật thu hoạch, xử lý mủ, phân loại sơ chế bảo quản xoài, giúp giảm thất thoát sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo ngưỡng MRL (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép)…, nhằm nâng cao chất lượng trái xoài và tăng hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, Dự án GIC còn hỗ trợ tập huấn cho 500 nông dân trồng xoài, trang bị các kiến thức về quản lý nước, dinh dưỡng, dư lượng thuốc BVTV, tỉa cành tạo tán, và bệnh Thán thư trên xoài, đây là các yếu tố quyết định đến hiệu quả của quá trình canh tác. Nông dân tham gia tập huấn sẽ được thực hành cách đánh giá độ ẩm, tính toán lượng nước tưới cũng như lượng phân bón hợp lý cho vườn xoài của mình, được thực tập và hiểu về vai trò của việc cắt cành, tạo tán sau thu hoạch, khâu phân loại sơ chế bảo quản xoài giảm thất thoát sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngoài ra,  dự án còn tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia tìm hiểu về chuỗi giá trị xoài, cách tìm hiểu đánh giá nhu cầu thị trường, hoạch định kế hoạch sản xuất cũng như định vị đối tượng tiêu thụ như thế nào, Qua đó, giúp nâng cao thêm năng lực cho các hợp tác xã, giúp họ ngày càng có thêm nhiều thông tin, kiến thức phục vụ cho hoạt động hiệu quả hơn, hướng đến nền nông nghiệp xanh bền vững.

Trong thời gian tới, Dự án GIC hỗ trợ lắp đặt nhà sấy năng lượng tại HTX Gap Cù Lao Giêng tại Chợ Mới, để có thể đa dạng hóa sản phẩm từ trái xoài, hiện nay đang trong quá trình xây dựng nền và chuẩn bị cho khâu lắp đặt. Từ kết quả hỗ trợ của dự án, về lâu dài ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập huấn nông dân về quy trình sản xuất xoài chất lượng cao, và tập trung các hoạt động quảng bá, mời gọi liên kết, hướng đến sản xuất hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Vũ Linh - Ban Quản lý Dự án GIC