CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Trồng trọt - BVTV

Tân Châu: Vú sữa Lò rèn ghép phát triển trên vùng đất Tân An

11:45 16/03/2023

Khi nhắc tới cây vú sữa, đã không còn xa lạ với mọi người, nhưng loại vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim là loại vú sữa nổi tiếng tại Tiền Giang thường được mọi người biết đến nhiều hơn. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, anh Lê Văn Đức, khóm Long Quới  A, phường Long Phú, thị xã Tân Châu đã quyết định mua giống cây vú sữa Lò Rèn ghép về trồng tại xã Tân An, đến nay đã thu hoạch trái, mang lại kinh tế cho gia đình.

Trên diện tích 05 công trồng vú sữa Lò Rèn ghép với khoảng 100 cây, được trồng theo quy cách cây cách cây 10m, hàng cách hàng 10m. Theo anh Đức chia sẻ, giống vú sữa Lò Rèn ghép này cho trái sớm, chỉ khoảng 01 năm đã bắt đầu có bông, tuy nhiên, người trồng cần dưỡng cây, đến năm thứ 2 mới tiến hành thu hoạch, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Anh Lê Văn Đức, khóm Long Quới A, phường Long Phú, thị xã Tân Châu chia sẻ thêm: “Như giai đoạn đầu đối với con sùng đục cây, mình thường xuyên đi thăm, chẳng hạn khi thấy mạc nó thì mình lấy giao mình bắt, như vậy đỡ tốn chi phí hơn, tại vì mình phun nhiều thuốc cũng không hiệu quả, khi mà con sùng đục vô trong thì phun không hiệu quả. Còn khi nó mang trái rồi, tầm cỡ khoảng là lớn hơn đầu ngón chân cái, tiến hành mình bao trái, như vậy mình sẽ bảo quản được trái, khi mình thu hoạch cũng không có ảnh hưởng vấn đề bị dập, nát, mẫu mã đẹp”.

Sau 02 năm, trong vụ thu hoạch đầu tiên, anh Đức thu hoạch được khoảng 01 tấn trái, trung bình mỗi cây khoảng 20kg, giá bán dao động từ 20.000đ-25.000đ/kg, do trái vú sữa đạt trọng lượng hơn 200 gram/trái nhiều, nên bán có giá hơn, còn nếu trọng lượng ít hơn 200 gram/trái sẽ bán 15.0009đ/ kg, chủ yếu bán cho thương lái tại xã Tân An và trung tâm Tân Châu. Đồng thời, vú sữa được bao trái, vận chuyển gần nên giữ được độ đẹp, không bị dập nên được thương lái ưa chuộng. Sau khi thu hoạch, vú sữa sẽ cần lượng lớn chất dinh dưỡng bổ sung cho cây, chủ yếu bón thêm dinh dưỡng hữu cơ qua gốc, anh Lê Văn Đức cho biết thêm:  “Sắp tới, khi mà thu hoạch xong, mình sẽ dọn lại những nhánh không cần thiết, tưới nước vào phân, khi cây ra đọt mới thì sẽ ra hoa thôi, khi ra hoa sẽ tiến hành bao trái, chủ yếu là dinh dưỡng qua gốc, có thể là mình bổ sung thêm hữu cơ, với lại phân hóa học qua gốc, thì lượng trái năm sau nuôi mới nổi, ít nhất, đối với cây vú sữa 03 năm này, thì 01 năm cần lượng phân ít nhất là khoảng 03 ký 20 – 15 thì vú sữa mình mới đạt, và hữu cơ 01 gốc như vậy thì khoảng 20 kg, ít nhất 20 kg phân hữu cơ, phân bò, phân chuồng đó”.

Nhìn những cây vú sữa lò rèn ghép đơm hoa kết trái trên vùng đất Tân An cũng đã cho thấy bước đầu sự thích nghi của giống cây này. Tuy nhiên, để trồng được vú sữa cũng cần có những am hiểu về kĩ thuật chăm sóc cây, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh, xử lý khi ra hoa, cũng như theo dõi nhu cầu thị trường, tránh trường hợp chuyển đổi trồng ào ạt, dẫn đến lượng cung lớn hơn cầu sẽ gây ra những tổn thất kinh tế cho bà con nông dân.

Huyền Thoại - Đài Truyền thanh thị xã Tân Châu