CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

“Giữ lửa" cho nghề sinh sản cá tra giống

11:45 22/09/2022

An Giang vốn được thiên nhiên ưu đãi nguồn lợi thủy sản, sống ở nơi đầu nguồn sông Cửu Long, dù bao lần phải vật lộn khó khăn nhưng cả đời người nông dân này quyết không bỏ nghề sinh sản nhân tạo cá tra giống. Gia tài mấy chục năm qua tạo dựng không gì khác hơn là 20 tấn cá tra bố mẹ nuôi hầm để làm kế mưu sinh.

Hơn 20 năm qua, nghề nuôi cá tra vấp phải bao thăng trầm, có người giàu lên nhờ nuôi cá, có hộ phá sản cũng vì con cá tra, trước sự khốc liệt ấy ông Trần Văn Hoàng ở xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu vẫn bình tâm đeo đuổi nghề. Đến nay, ông là người duy nhất còn giữ số lượng cá tra bố mẹ khủng trong số hàng trăm hộ sản xuất kinh doanh cá giống ở tỉnh An Giang. Việc bảo tồn đàn cá tra bố mẹ khoảng 20 tấn tuy tốn nhiều chi phí nhưng vì tâm huyết nghề ông Hoàng luôn chờ ngày “sống lại” thị trường con cá tra xuất khẩu. Cho biết vì sao ông quyết định lưu giữ đàn cá bố mẹ, ông Hoàng nói“Giữ nguồn giống là bí huyết của mình 5 thủ 5 thả  có nghĩa là lúc thị trường cần mình phải có hướng để đối phó với nó. Mình phải bảo vệ đàn cá tra bố mẹ đừng sức mẻ, kế tiếp là đào tạo tay nghề kỹ thuật cho những người con, đây là vấn đề then chốt mà nhất là cái đầu phải có trí tuệ, từ chổ đó mà nhìn được hướng đi mới”.

Năm nay đã 75 tuổi, nhưng ông Hoàng tròn một đời gắn bó với nghề vớt cá tra bột trên sông. Thuở nhỏ, vào mùa nước nổi, ông đã theo cha ra sông lớn giăng mùng để vớt cá tra bột, sau đó bán lại cho các trại giống. Hằng năm, khi con nước sông Tiền, sông Hậu đục màu, cũng đồng nghĩa là ông kiếm được nhiều tiền, dần dần nghề vớt cá tra bột đã thành kế sinh nhai. Khi Việt Nam xuất khẩu thành công cá tra, basa sang Mỹ, ở ĐBSCL giống cá tra thiếu hụt thì thời điểm ấy ông có trong tay một trang trại sinh sản cá tra giống. Giống cá tra của ông Trần Văn Hoàng khỏe, cung cấp cho người nuôi có lời nên danh tiếng vang xa, cái nghề hái ra tiền vì tạo thêm kinh tế cho nhiều hộ nuôi cá tra thương phẩm.“Tôi gắn bó với con cá tra thứ nhất là vì chén cơm manh áo, mình làm nghề thì phải biết hướng đi, mục đích của nó, nghề cá năm mười năm thì rớt giá hông chừng nhưng mà khi trúng giá là qua dốc, thành ra phải có bản lĩnh, cái đầu phải liên tục nghiên cứu, chứ buông ra là thua hết. Phải xác định thị trường thế giới khi dịch bệnh ổn định là mình có sẳn nguồn giống bố mẹ nếu địa phương phát triển thì mình đầu tư trước, đầu tư lớn mà nếu như sai hướng là sẽ lỗ nặng”. Ông Hoàng cho biết thêm.

Vào năm 1986, khi xuất khẩu thành công lô hàng cá tra, basa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Năm ấy, xuất khẩu cá tra được mùa, giá xuất 1 kg filê thành phẩm lên đến 5,6 USD, ngư dân nuôi cá cá tra, basa trong tỉnh giàu lên, nghề sản xuất giống cá tra giống cũng nhờ đó mà phát triển. Sự kiện nuôi cá tra xuất khẩu rầm rộ đánh dấu bước ngoặc trong nghề sinh sản cá tra nhân tạo. Thành công này đã mở ra một triển vọng to lớn đối ngành cá tra Việt Nam. Ngư dân trong tỉnh An Giang đã chủ động được con giống, không còn phụ thuộc vào thiên nhiên, cá tra trở thành ngành hàng chủ lực, giải quyết nhiều lao động làm việc ổn định.

Có thể nói ông Trần Văn Hoàng là 1 trong 5 ngư dân đầu tiên của Việt Nam thành công cho cá tra sinh sản nhân tạo, đóng góp đáng kể cho ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu Việt Nam. Hiện với trang trại rộng 3 ha, hằng năm ông cung cấp ra cộng đồng hằng trăm triệu con giống khỏe, sạch bệnh. Đam mê với nghề, bao phen “lên bờ, xuống ruộng” nhưng thăng trầm của nghề sinh sản cá tra giống không làm ông chùn bước. Nhờ có bản lĩnh và chiến lược phát triển, giờ ông Hoàng vẫn trụ vững với nghề và đào tạo cho đời con cháu tiếp bước nghề truyền thống cha ông từ xưa đến nay.

Bảo Phong