CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Hướng đi cho mô hình kinh tế nông nghiệp ở xã Nông thôn mới Phú Hưng

11:50 19/03/2020

Xã Phú Hưng, huyện Phú Tân (An Giang) vừa được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2020. Một trong những đóng góp đáng kể để đưa từ một xã thuần nông đạt chuẩn nông thôn mới chính là những mô hình kinh tế nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, trong đó có vườn dâu Ngọc Thái vừa được xem là điểm du lịch sinh thái vừa là nơi cung cấp những sản phẩm sạch làm từ trái dâu tươi.

Vườn dâu tầm Ngọc Thái của gia đình bà Nguyễn Thị Thảo tại ấp Hưng Thới 2, xã Phú Hưng có diện tích hơn 10ha, hình thành trên vùng đất cù lao là minh chứng cho người nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp để phù hợp hơn với những yêu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới. Do trồng lúa nếp đã không còn hiệu quả, gia đình bà Thảo đã chủ động cải tạo diện tích đất để trồng giống dâu tằm Đà Lạt. Ban đầu vườn dâu vỏn vẹn chỉ 3 công đất do gặp những khó khăn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng cây trồng mới sau một thời gian thích nghi với vùng đất nên bà Thảo đã mở rộng lên 1, 1ha trồng toàn giống dâu tằm.

Ngoài việc tạo cảnh quang thu hút du khách tham quan chiêm ngưỡng, với mong muốn cung cấp sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, hiện nay bà Nguyễn Thị Thảo hướng tới việc sản xuất nông sản VietGAP và đang đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất nước uống chất lượng cao. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong quá trình canh tác, vườn dâu tằm Ngọc Thái cho trái quanh năm, nên mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, lâu dài và ổn định cho nhà vườn. Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ vườn dâu tằm Ngọc Thái cho biết ”Khi mới bắt đầu chuyển đổi từ trồng nếp sang trồng vườn dâu tầm thì gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sau một thời gian được sự giúp đỡ hỗ trợ của chính quyền địa phương và các Sở ngành Nông nghiệp huyện, tỉnh; nên chúng tôi mới dám mở rộng diện tích vườn. Hiện tại cơ sở của chúng tôi còn nghiên cứu, chế biến những sản phẩm từ trái dâu để cung cấp cho thị trường. Về lâu dài tôi mong muốn có thể mở rộng phát triển thêm diện tích thành một khu du lich sinh thái cho mọi người đến tham quan”

Hiện nay khi vườn dâu đang chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, các ngành chức năng của huyện, tỉnh thường xuyên đến tham quan theo dõi và có những chỉ đạo hết sức kịp thời để chung tay cùng với nhà vườn làm nông sản sạch.“Mô hình trồng dâu tằm Ngọc Thái được sự hỗ trợ rất nhiều của Hội Nông dân huyện từ vật chất đến tinh thần. Từ quá trình tổ chức thực hiện đến làm ra sản phẩm, nâng cao chất lượng cho đến thị trường tiêu thụ đều có sự đồng hành của Hội nông dân cơ sở. Đây là một mô hình kiểu mẫu, sản phẩm kiểu mẫu, đặc trưng của xã Phú Hưng nên chính quyền địa phương xem cơ sở dâu tằm Ngọc Thái là mô hình nông nghiệp tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”. Ông Đặng Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội nông dân Huyện Phú Tân nói.

Ngoài vệc tập trung vào sản xuất và tiêu thụ dâu tươi, thời gian gần đây bà Nguyễn Thị Thảo cũng đang nghiên cứu và bước đầu sản xuất, chế biến các sản phẩm làm từ trái dâu tằm như nước ép dâu, siro dâu, rượu dâu…là những sản phẩm đang được nghiên cứu phát triển tại nhà vườn. Theo bà Thảo, đây là những sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng lớn và có thể mang lại lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhà vườn còn kết hợp làm du lịch sinh thái nông nghiệp và dịch vụ như một hướng đi mới đột phá hơn. Chính vì thế, vườn dâu tằm Ngọc Thái đang được xây dựng, cải tạo cảnh quan để ngày càng thu hút được nhiều khách tham quan.

Bảo Phong - Hữu Nhân