CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Làm giàu từ con dê nhốt chuồng

02:50 01/03/2021

Xã biên giới Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang  được biết đến là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi. Trong thời gian qua, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương đã mở ra một hướng đi mới cho người nông dân, thay vì chăn nuôi theo phong trào như trước đây, nông dân đã biết chọn lọc các loại vật nuôi vừa mang hiệu quả kinh tế vừa có đầu ra dễ dàng. Trong đó, mô hình nuôi dê đã từng bước khẳng định tính bền vững cho người chăn nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao bởi tập tính dễ nuôi và nguồn thức ăn dễ kiếm, đã được nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư, phát triển quy mô, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nhờ nuôi dê mà nhiều nông dân ở xã biên giới Phú Lộc từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên khá, giàu. Hiện nay trên địa bàn xã Phú Lộc có trên 80 hộ chăn nuôi dê với số lượng gần 1.000 con, bình quân 01 hộ nuôi từ 10 đến 15 con, có hộ nuôi với số lượng lớn khoảng 40 – 50 con. Chủ yếu là nuôi dê sinh sản và dê thịt, với các loại như: Bách Thảo, Hòa Lan, Boer. Điển hình là gia đình anh Trần Vũ Phong – ngụ Ấp Phú Yên, xã Phú Lộc. Hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn không có đất sản xuất, với số vốn tích góp của hai vợ chồng, anh mua bò về nuôi nhưng sau mấy năm nuôi không đem lại hiệu quả. Qua tìm hiểu trên mạng và kinh nghiệm của những người đi trước, nhận thấy chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn, năm 2015 anh Phong quyết định chuyển từ nuôi bò sang nuôi dê, đầu tư làm chuồng trại và mua 4 con dê mẹ về nuôi.

Giai đoạn đầu của chăn nuôi, anh cũng gặp nhiều khó khăn do chưa hiểu hết tập tính của loài dê, do chưa có kinh nghiệm nên có lứa dê sinh sản thành công nhưng cũng có lứa bị thất bại do vật nuôi bị bệnh. Những lúc như thế anh đã chịu khó mày mò, tìm hiểu nguyên nhân, ghi chép cẩn thận từng biểu hiện bệnh, cách phòng, trị bệnh, đúc kết kinh nghiệm trong thực tế nuôi và lựa chọn con giống khỏe, đến lần thứ 2 anh tiếp tục cho tái đàn, do biết cách chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, cùng sự chăm sóc chu đáo, chủ yếu lấy công làm lời, đàn dê của gia đình đã cho hiệu quả kinh tế, không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán 50 con dê thịt, trên 60 con dê giống. Từ những thành công bước đầu, vợ chồng anh Phong tiếp tục đầu tư mở rộng 03 khu chuồng trại chăn nuôi và tăng quy mô đàn dê, nuôi dê bán giống và dê thịt.

Theo anh Trần Vũ Phong chia sẻ dê là con vật dễ nuôi, ít bị bệnh, sức đề kháng cao, thức ăn cho dê rất dễ kiếm ở vùng nông thôn, như địa phương thì nguồn thức ăn cho dê rất dồi dào, chuồng nuôi được thiết kế đơn giản, đảm bảo chuồng thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa, nhằm tạo điều kiện cho đàn dê phát triển khỏe mạnh, săn chắc, chất lượng thịt ngon cần có không gian chăn thả và nguồn thức ăn phong phú và phải đảm bảo chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới là hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Dê lại là loài động vật sinh sản nhanh, việc phối giống rất quan trọng, do đó người nuôi chú ý 01 năm đổi dê đực một lần để tránh cận huyết, bình quân mỗi năm đẻ 02 lứa, mỗi lứa 02 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3 - 4 con. Dê nuôi khoảng 06 tháng có thể đạt trọng lượng từ 30 - 35 kg, số lượng dê đều được các thương lái trong và ngoài địa bàn tiêu thụ hết với giá bán dao động ổn định từ 95.000 - 120.000 đồng/kg. Không chỉ bán thành công với mô hình nuôi dê thịt, mà anh còn phát triển mô hình dê giống để cung cấp cho bà con trong xã, sau khi trừ hết chi phí đầu tư bình quân 01 năm mang về cho gia đình anh Phong nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. anh Trần Vũ Phong - ngụ ấp Phú Yên, xã Phú Lộc chia sẻ:“Con dê này nó ăn thức ăn rất là đa dạng tùy ở địa phương, riêng địa phương mình ở đây cho ăn đặc biệt là rau muống chiếm khoảng 90%, còn 10% kia thì lá mít nè, chuối cây rồi cây đậu khô thì nó ăn rất là phát con dê rất là dễ kiếm bị gì mình ở đây là vùng đồng bằng mà. Con dê nhốt chuồng thì nó hay lắm mình cho ăn hằng ngày mình cảm nhận được con dê ăn cỏ này hơi yếu hơi bệnh, mình dễ phát hiện hơn mình dễ săn sóc hơn. Một năm đàn dê ở nhà mình nuôi lời khoảng 150 triệu ăn lên từ khi nuôi dê tới giờ không có áp lực về tiền bạc, con cái giờ đi học cũng đầy đủ hơn trước kinh tế giờ gia đình sống rất là thoải mái. Thì nếu bà con mình chỗ hộ nghèo với cận nghèo địa phương đang chuẩn bị nuôi dê thì lại đây biết bao nhiêu truyền hết bấy nhiêu, thậm chí lại tới chuồng chỉ thêm cho bà con phát triển cùng với mình”. 

Sự cần cù, chịu khó, tâm huyết trong chăn nuôi, với ý chí dám nghĩ, dám làm, đến nay mô hình nuôi dê của anh Phong là một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại chính quê hương của mình, trở thành hộ có thu nhập khá trong địa phương, xây dựng được một ngôi nhà khang trang, kiên cố. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh Phong còn thường xuyên giúp đỡ bà con về con giống, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Là hộ chăn nuôi được Trung tâm khuyến nông thị xã chọn là điểm nuôi thử nghiệm lai tạo giống dê nước ngoài và dê Việt. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mô hình nuôi dê rất thích hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu ở địa phương, qua đó Phú Lộc cũng đã mở nhiều lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi dê cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó và hỗ trợ con dê giống về chăn nuôi từ đó đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi dê này, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trong xây dựng NTM về giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, giai đoạn 2016 – 2020 và nâng tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo. Ông Bùi Thanh Bình – P.CT. UBND xã Phú Lộc cho biết: “Thông qua cái vấn đề nuôi con dê đó thì giải quyết được việc làm nhàn rỗi một số lao động ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Nhìn chung thì các hộ nuôi dê thì bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Thì địa phương cũng khảo sát lại nắm cái nhu cầu nếu như các hộ nuôi dê có nhu cầu học về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi thì phối hợp với Trường trung cấp nghề, Trạm khuyến nông của thị xã mở lớp tổ chức dạy nghề sẽ giúp cho các hộ chăn nuôi dê này biết thêm cái tập tính của con dê cũng như là ứng dụng các khoa học kỹ thuật trong cái việc chăn nuôi dê để mà giảm bớt tỷ lệ rủi ro trong chăn nuôi”.

Một trong những yếu tố khiến bà con nông dân xã Phú Lộc mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi từ nuôi trâu, bò, heo sang nuôi dê là tỷ lệ rủi ro trong chăn nuôi thấp, nhu cầu của thị trường luôn ổn định, giá cao, lợi nhuận bình quân cho 1 con dê người nông dân thu được khoảng 02 triệu đồng, chủ yếu là người nông dân chỉ bỏ công làm lời. Với mức thu nhập này không hề nhỏ đối với hộ nông dân ở xã biên giới. Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Bùi Thanh Bình – P. CT. UBND xã Phú Lộc cho biết thêm: “Thì trong thời gian qua song song với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, thì trong thời gian qua, địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế địa phương, kinh tế gia đình. Trong đó, việc chăn nuôi dê ở địa phương bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, nhiều bà con nông dân đã vươn lên khấm khá từ mô hình chăn nuôi dê này. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để các hộ chăn nuôi thường xuyên gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó đối với những hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo địa phương cũng thông qua các hội đoàn thể cũng như các ấp giới thiệu việc vay vốn để mà mua con giống về nuôi hoặc được hỗ trợ con giống từ chương trình giảm nghèo bền vững hoặc chương trình 135 để người dân  phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới”.

Với những hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định cho người nông dân, con dê ngày càng khẳng định vị trí trong chăn nuôi. Bằng chứng là có nhiều hộ nông dân chọn con dê để phát triển trong chăn nuôi, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Để tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi dê trên địa bàn xã Phú Lộc cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân về khoa học kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm ổn định không có biến động về giá cả. Từ đó mô hình chăn nuôi dê ở xã biên giới sẽ ngày càng phát huy tính hiệu quả về kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hướng đến xây dựng hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng NTM theo lộ trình đã đề ra.

Lê Kiều - Đài truyền thanh thị xã Tân Châu