CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Hiệu quả từ mô hình sạ cụm kết hợp bón vùi phân bón Đầu Trâu

11:45 07/07/2023

Mô hình sạ cụm kết hợp bón vùi phân bón Đầu Trâu bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực từ việc tiết kiệm lượng phân bón và công lao động, năng suất cao hơn so với phương pháp gieo sạ theo tập quán cũ.

Ngày 04/7/2023, trạm Khuyến nông Châu Phú phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức buổi hội thảo mô hình “sạ cụm kết hợp bón vùi phân bón đầu trâu” tại ruộng ông Trương Văn Thảo thuộc ấp Long Định, xã Ô Long Vĩ. Đến dự hội thảo có ông Phan Thành Tâm trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ TTKN Tỉnh, đại diện công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng đơn vị kinh doanh máy sạ lúa cụm và cùng 50 bà con nông dân sản xuất lúa tiên tiến trên địa bàn Huyện đến tham quan và đánh giá mô hình.

Mô hình được bố trí với 2 nghiệm thức: nghiệm thức I sạ cụm kết hợp bón vùi 210 kg phân bón Đầu Trâu tăng trưởng; nghiệm thức II sạ cụm và bón phân Đầu Trâu theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; và có bố trí ruộng đối chứng (canh tác theo tập quán địa phương) để so sánh. Ruộng mô hình gieo sạ cụm với 60 kg lúa giống/ha, trong khi ruộng đối chứng nông dân gieo sạ 150 kg lúa giống. Tổng lượng phân bón tính trên 01 ha như sau: nghiệm thức I 360 kg phân bón Đầu Trâu, nghiệm thức II 450 kg phân bón Đầu Trâu, ruộng đối chứng 460 kg (phân urê, DAP và NPK). Mô hình trình diễn với mục tiêu giảm chi phí sản xuất đặc biệt là giảm lượng giống và phân bón, đồng thời tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích.

Sau khi tham quan thực tế ngoài đồng ruộng, nông dân đều tâm đắc và đánh giá cao mô hình này, nhận thấy đây là mô hình mới với phương pháp sạ cụm cũng như phương pháp vùi phân ngay khi sạ cụm như thế giúp bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa sớm và kịp thời nên lúa nảy chồi mạnh, lúa cứng cây hạn chế đổ ngã, gia tăng chồi hữu hiệu và đảm bảo đạt năng suất. Ngoài ra, theo ông: Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, thì “Việc vùi phân vào trong đất sẽ giảm thất thoát phân, đặc biệt là phân đạm do bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước nếu gặp mưa lớn ngay sau khi bón phân, kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế lúa đổ, ngã, đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa nếu gặp hạn cuối vụ (đông xuân), tiết kiệm được chi phí công lao động do giảm số lần bón phân (1 -2 lần/vụ)”. Qua việc nhận thấy lợi ích từ máy sạ cụm 3 trong 1, nông dân đề xuất công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng cần thường xuyên thiết kế cũng như cải tiến một số tính năng của máy sao cho vận hành tốt và phù hợp với từng loại đất, từng vùng đất khác nhau, máy vừa đơn gian, dễ sử dụng và giá cả hợp lý để người dân có nhu cầu đầu tư loại máy này làm dịch vụ.

Theo Kỹ sư Hồ Thị Thúy Khoa, là cán bộ Khuyến nông địa phương trực tiếp thực hiện và theo dõi mô hình có nhận xét như sau: “nghiệm thức I sạ cụm kết hợp bón vùi phân Đầu Trâu cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, rễ lúa có khuynh hướng ăn sâu để tìm phân vùi trong đất nên lúa cứng cây, nhẹ sâu bệnh. Với việc sử dụng cơ giới hóa bằng máy sạ cụm 3 trong 1 nên ở nghiệm thức I có chi phí sản xuất thấp nhất nhờ giảm tối đa lượng giống, phân bón và công lao động, kết quả qua gặt mẫu thì năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng (lợi nhuận cao hơn đối chứng từ 2 – 3,4 triệu đồng/ha)”.

Qua khảo nghiệm thực tế ngoài đồng ruộng và những ý kiến đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học cùng bà con nông dân trong buổi hội thảo cho thấy mô hình “Sạ lúa theo cụm kết hợp bón vùi phân bón Đầu Trâu” giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, góp phần vào đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa từ khâu làm đất xuống giống đến khâu thu hoạch, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững (nông nghiệp 4.0). Đây là kỹ thuật sản xuất mới có hiệu quả, cần được khuyến cáo nhân rộng.

Lê Hồ Minh Thiện - Trạm Khuyến nông Châu Phú