CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thủy sản

Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn không bùn treo giá thể

08:30 10/06/2019

Từ trước đến nay, nông dân hay nuôi lươn theo mô hình lót bạc, bên trong có sử dụng bùn để nuôi. Tuy nhiên kết quả cho thấy nuôi lươn trong bùn hiệu quả thấp, tỷ lệ hao hụt cao và không biết được tỷ lệ lươn còn sống như thế nào. Hiện nay nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, cộng với trình độ hiểu biết của nông dân ngày càng cao nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phú Bình, huyện Phú Tân đã chuyển sang mô hình nuôi lươn không bùn treo giá thể (công nghệ cao). Điển hình là nông dân Lâm Văn Đoàn Xuân, Ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình là nông dân tiên phong trong việc áp dụng nuôi lươn công nghệ cao của xã.

Hiện tại, diện tích bồn nuôi lươn mà anh Xuân đang áp dụng để nuôi là 20 mét vuông, bồn được xây dựng bằng xi măng, bên trong lót bạc. Trên diện tích đó anh thả 190kg con lươn giống. Toàn bộ lươn giông được anh mua tại trung tâm giống An Giang thông qua Hội nông dân huyện giới thiệu, với giá mỗi con là 8 nghìn đồng. Hội nông dân huyện hỗ trợ vốn 60 triệu đồng. Anh Xuân chia sẽ: “Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi heo và nuôi cá tra. Tuy nhiên anh nhận thấy việc nuôi heo rất bấp bên giá cả không thuận lợi. Trong một dịp anh được hội nông dân xã Phú Bình và Hội nông dân huyện vận động tham gia mô hình nuôi lươn công nghệ cao. Anh về bàn với vợ quyết định chuyển từ nuôi heo sang nuôi lươn công nghệ cao”.

Theo anh Xuân, nuôi lươn công nghệ cao thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Ngoài ra anh còn áp dụng hệ thống hỗ trợ chạy Oxy cho lươn từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Sau 4 tháng thả nuôi, bước đầu anh Xuân nhận định lươn đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt, trọng lượng bình quân 200-300gam/con. Để cho lươn phát triển tốt, mỗi ngày anh thay nước 2 buổi trên ngày. Nhờ trước đây anh đã từng nuôi lươn nên anh cũng có một chút kinh nghiệm và anh áp dụng trong việc nuôi lươn ứng dụng công nghệ thở ôxi. Đồng thời, anh được sự hướng dẫn của Hội nông dân huyện và học hỏi qua báo đài nên anh cũng hiểu rõ thêm cách chăm sóc để lươn phát triển tốt.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình, Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Mô hình Nuôi lươn công nghệ cao của Nông dân Lâm Văn Đoàn Xuân là hướng đi mới của xã, anh Xuân là người tiên phong đầu tiên trong việc nuôi lươn không bùn, Anh Xuân được Hội Nông dân huyện hỗ trợ một phần vốn và kỹ thuật, bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan. Ưu điểm của nuôi lươn theo hướng công nghệ cao sẽ góp phần giảm thải ô nhiễm môi trường, lươn ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, chất lượng lươn đạt tốt, người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng”

Trò chuyện với chúng tôi, Anh Xuân vui mừng nói: “Việc nuôi lươn theo mô hình này, đã đem lại kết quả khả quan, Tôi thấy rất mừng và trong thời gian tới đợi xuất bán lứa lươn này Tôi sẽ tiến hành nuôi và mở rộng thêm diện tích nuôi. Nếu so với cách nuôi có bùn như trước đây thì nuôi lươn không bùn kết hợp chạy ôxi và treo giá thể sẽ cho hiệu quả cao hơn gấp 2 lần”.

Việc áp dụng nuôi lươn theo hướng cộng nghệ cao sẽ góp phần đảm bảo cung cấp cho thị trường một sản phẩm sạch, an toàn, đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi, giảm thải ô nhiễm môi trường, tạo hướng đi mới cho người nông dân, từ đó thay đổi dần tập quán nuôi theo truyền thống.

Nguyễn Thắng - Đài Truyền thanh huyện Phú Tân