CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thủy sản

Hiệu quả mô hình nuôi cá heo trong lồng bè tại xã Hòa Lạc

11:45 08/11/2022

Mô hình “Nuôi Cá heo trong lồng bè” là mô hình mới nhằm đa dạng hóa giống loài thủy sản nuôi, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Trong những năm gần đây nguồn lợi cá nội địa suy giảm đáng kể, do nhiều nguyên nhân làm thay đổi điều kiện và môi trường sống của rất nhiều loài cá, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ở lưu vực sông Mekong, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (Berra, 2001; Pitcher & Hollingworth, 2002). Hiện nay, việc nghiên cứu việc sinh sản và nuôi thành công các loài cá đã góp phần duy trì phát triển ổn định nhiều loài có giá trị kinh tế như: Cá Tra, cá Hô, cá Chạch Lấu, cá Heo… đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, trong đó mô hình nuôi cá Heo (Botia modesta Bleeker, 1865) nước ngọt cũng được rất nhiều nông dân địa phương quan tâm.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện kế hoạch phân bổ kinh phí sự nghiệp khuyến nông năm 2022 của Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như chọn mô hình hiệu quả cao đưa vào sản xuất.

Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí sự nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Hòa Lạc triển khai mô hình “Nuôi Cá heo trong lồng bè” tại hộ ông Hồ Văn Nhiều thuộc ấp Hòa Bình 3, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang với quy mô 20 m3, số lượng giống 10.000 con, kích cỡ 200 con/kg, mật độ thả nuôi 500 con/m3, thời gian nuôi từ ngày 24/02/2022 – 29/9/2022.

Bè nuôi cá có hình chữ nhật, thể tích 20m3, có mái che, dùng phi nhựa để nâng bè nổi trên mặt nước 0,5 mét. Bè được bố trí cố định, có dòng nước chảy nhẹ, nơi xa cách các tàu thuyền qua lại để hạn chế xáo động cũng như sự va chạm vào bè trong quá trình lưu thông. Không đặt lồng/bè ở nơi có nguồn nước bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải khu dân sinh, nước thải khu công nghiệp (nhà máy, xí nghiệp,..)bệnh viện, ...

Xung quanh và đáy bẻ được thiết kế bằng lưới lỗ kim loại nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình nuôi cá. Chọn kích thước mắc lưới đảm bảo thông thoáng nhưng phải nhỏ hơn cỡ cá giống. Trong bè bố trí các bó ống nhựa nhằm tạo nơi trú ngụ cho cá trong quá trình nuôi cũng như thu mẫu để kiểm tra tăng trọng và sức khỏe của cá.       

Con giống được lựa chọn ở những người bán giống có uy tín, chất lượng tốt. Cá khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không bị tổn thương, không có dấu hiệu bệnh lý và kích thước đồng đều. Nguồn cá heo giống được thả nuôi với số lượng giống thả 10.000 con, kích cỡ giống 200 con/kg.

Cá giống được vận chuyển về bè vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát nhằm đảm bảo tránh sốc cho cá. Dụng cụ đựng cá giống là phải trơn láng nhằm hạn chế xây sát trong quá trình vận chuyển, sát trùng cho cá trước khi thả cá ra bè.

Khẩu phần thức ăn cho ăn theo nhu cầu và được điều chỉnh theo khả năng bắt mồi của cá. Cần thực hiện cho cá ăn theo phương pháp 4 đúng (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian và đúng địa điểm). Sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi, hàm lượng đạm 42% trong suốt vụ nuôi, chọn kích cỡ thức ăn vừa cỡ miệng của cá. Cho ăn 2 lần/ngày sáng và chiều thức ăn được rãi đều trong quầng cho ăn. Sau khoảng 1 – 2 giờ kiểm tra để có chế độ điều chỉnh hợp lý. Trộn thêm men tiêu hóa, dịch trùng quế, vitamin C vào thức ăn nhằm giúp cá bắt mồi tốt tăng cường sức đề kháng, chuyển hóa tốt thức ăn và hạn chế hao hụt.

Thường xuyên trộn men tiêu hóa và vitamin C vào thức ăn cho cá ăn khi thời tiết thay đổi như mưa, thời tiết lạnh hay nóng bất thường, nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng, tăng cường sức đề kháng cho cá. Định kỳ tạt ngừa ký sinh trùng 15 ngày/lần trong suốt vụ nuôi.

Cần theo dõi các chỉ tiêu môi trường 2 lần/tuần vào buổi sáng và chiều, đối với các yếu tố như pH, nhiệt độ, DO, NH3 và NOvà tăng cường số lần khi cần thiết. Duy trì các yếu tố môi trường nước thích hợp để cá sinh trưởng tốt: pH từ 7 - 8; nhiệt độ 26-300C; DO > 5 mg/L, hàm lượng NH3 ≤ 0,01 mg/L.

Trong bè nuôi cần không gian phải yên tĩnh, hạn chế tối tiếng ồn, các chấn động khác. Duy trì mực nước trong bè 2,5 – 3,0 m.

Kết hợp việc kiểm tra tăng trưởng và kiểm tra ký sinh trùng trên cá. Trường hợp cá có dấu hiệu bệnh cần gửi mẫu đến cơ quan xét nghiệm, kiểm tra. Cần trang bị oxy hạt, máy sụt khí và máy quạt oxy phòng khi thiếu oxy cục bộ.

Sau khoảng 9 tháng thả nuôi (ngày 29/9/2022) khối lượng bình quân 34 con/kg. Sản lượng cá ước tính 215 kg, năng suất 3 kg/m3, tỉ lệ sống của cá khoảng 70%. Hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) là 4,5. Lợi nhuận ước tính khoảng 40 triệu đồng. 

Thông qua kết quả mô hình, có thể giúp nông dân thay đổi một số tập quán trong sản xuất, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, chủ động được nguồn thức ăn trong suốt quá trình nuôi, có thể nuôi với quy mô lớn, người dân có thể áp dụng mô hình nuôi với các đối tượng mới thay cho đối tượng truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản trong điều kiện phải thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Những lưu ý khi xây dựng mô hình nuôi cá heo trong lồng/bè

1. Nên sử dụng con giống chất lượng, biết rõ nguồn gốc, nơi cung cấp uy tín. Kích cỡ đồng đều không dị tật, dị hình. Khối lượng cá giống bình quân thả nuôi khoảng 200 con/kg hoặc 300 con/kg. Mật độ nuôi khoảng 500 con/m3 lồng/bè.

2. Nguồn nước nuôi cần phải được kiểm soát, không biến động lớn về các yếu tố thủy lý, thủy hóa (nhiệt độ, pH, oxy, NH3, ...) không ô nhiễm hóa chất, thuốc Bảo vệ thực vật, ... Tốt nhất cần kiểm tra định kỳ các yếu tố môi trường, nếu có biến động phải xử lý ngay, như treo vôi để ổn định pH, chuẩn bị oxy hạt, máy quạt nước, bình sục khí, ... nhằm xử lý khi môi trường nuôi có diễn biến bất lợi.

3. Thức ăn đảm bảo hàm lượng đạm từ 42 % trở lên phù hợp cho lươn nuôi.

4. Quản lý tốt chất lượng nước, quản lý tốt thức ăn cho ăn tránh dư thừa, định kỳ vệ sinh dụng cụ cho ăn, tránh gây ô nhiễm môi trường dễ phát sinh dịch bệnh. Trong thời gian nước đứng có thể dùng dụng cụ bơm oxy hoặc quạt nước tạo dòng chảy, cá sẽ sinh trưởng phát triển tốt.

5. Không đặt lồng/bè ở nơi có nguồn nước bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải khu dân sinh, nước thải khu công nghiệp (nhà máy, xí nghiệp,…), bệnh viện, ... Nơi có nguồn nước trong kênh, rạch chảy ra có thể ô nhiễm các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, ... trong quá trình xả thải sau xử lý đồng ruộng.

Phương Tuấn -  Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu