CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

An Giang: Bồi dưỡng chuyên sâu lĩnh vực chăn nuôi cho nông dân nồng cốt

11:55 01/08/2023

Trong 2 ngày, từ 27 - 28/7/2023, Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức chuyến học hỏi kinh nghiệm thuộc lớp Bồi dưỡng tập huấn chuyên sâu cho nông dân nồng cốt về lĩnh vực chăn nuôi tại Tiền Giang và Long An, cho 25 nông dân nồng cốt gồm 11 huyện, thị, thành trong tỉnh.

 

Ngày 27/7/2023, Hội thảo Đầu bờ “Tăng cường các phương thức bảo vệ gà đẻ trứng trước dịch bệnh” tại thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Các nội dung được chia sẻ trong buổi hội thảo: Tình hình và các giải pháp chăn nuôi năm 2023; Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà đẻ trứng; Sử dụng vắc xin hiệu quả phòng bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm trên gà đẻ (ILT); Xử lý mùi trang trại gà đẻ trứng với Công nghệ Organic carbon.

Thông qua hội thảo nông dân tham dự nắm bắt và hiểu hơn về công nghệ cao được ứng dụng trong chăn nuôi gà đẻ trứng; Công nghệ xử lý mùi Organic carbon, hệ thống chuồng lạnh, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống thu gom trứng, thu gom phân và sản xuất phân hữu cơ, sử dụng vắc xin trong gà đẻ trứng, công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh. Bên cạnh đó, nông dân cũng đặt nhiều câu hỏi giao lưu, lợi thế giữa chế phẩm sinh học BALASA N01 và công nghệ Organic carbon. Ngoài ra, còn nhiều câu hỏi thắc mắc đã được các giảng viên giải đáp thỏa đáng.

Ngày 28/7/2023, đoàn đến học tập mô hình gà đẻ trứng, gà thịt, với diện tích 1.000m2, quy mô 11.000 con gà đẻ trứng Japfa, tại trại gà Ba Hải thuộc Công ty TTHH CJ Vina AGRI tại huyện Bến Lức, Tỉnh Long An. Tại đây, đoàn học tập kinh nghiệm về hệ thống chuồng lạnh khép kín và với hệ thống máng ăn, máng uống tự động, quạt hút, giàn lạnh, khu nhà kho, khu sát trùng riêng biệt. Ưu điểm của hệ thống kiểu chuồng lạnh là kiểm soát được nhiệt độ, cách ly nguồn dịch bệnh, chim chuột từ bên ngoài, giúp gà đẻ có năng suất cao, ít tiêu tốn thức ăn cho mỗi con gà, gà ít bị nhiễm bệnh hơn kiểu chuồng truyền thống.

Ngoài ra, đoàn còn được tham quan trại gà tre thịt và trại gà úm kết hợp nuôi nhốt kết hợp chăn thả. Gà tre tương đối dễ nuôi hơn các loại gia cầm khác nhưng trong quá trình nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm chủng phòng bệnh cho đàn. Bên cạnh đó, sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường, gà lại ít bệnh hơn. Anh Liêm cho biết, gà tre được cho ăn thức ăn công nghiệp, kết hợp với các loại thức ăn xanh, sau 4 tháng nuôi, gà được xuất chuồng, với trọng lượng từ  700 - 1000 gam/con.

Tại trại gà Lộc Thanh, với diện tích 7,5 ha đất, quy mô trại hiện nay 5 ngàn con gà Minh Dư. Ngoài nguồn thức ăn hỗn hợp, trại cũng kết hợp thức ăn xanh trong khẩu phần ăn, nuôi an toàn sinh học, áp dụng men vi sinh Balasa N01 làm đệm lót sinh học nên năng suất chăn nuôi rất cao, qua 100 ngày tuổi, trọng lượng trên 2kg có thể xuất bán.

Qua lớp bồi dưỡng tập huấn và chuyến học tập kinh nghiệm đã mang lại nhiều kiến thức cho các hộ chăn nuôi trong hệ thống chuồng lạnh khép kín, sử dụng đệm lót và chăn nuôi an toàn sinh học…

 

Huỳnh Thơ

Trung tâm Khuyến nông An Giang