CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

Hướng dẫn quản lý, giết mổ heo, tiêu thụ sản phẩm từ heo khi có bệnh dịch tả heo châu Phi

08:45 10/06/2019

Văn phòng UBND tỉnh An Giang vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về hướng dẫn quản lý, giết mổ heo, tiêu thụ sản phẩm từ heo khi có bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nội dung theo đề nghị tại Hướng dẫn số 3708/HD-BNN-TY ngày 28/5/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ heo (lợn), tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh DTHCP. Theo đó, cơ sở được phép giết mổ heo bao gồm: Cơ sở giết mổ tập trung và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định của Luật thú y.

Đối với cơ sở giết mổ lợn tập trung trong vùng dịch được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi từ cơ sở chăn nuôi lợn ở trong vùng dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh.

Lợn đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; lợn được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng từ cơ sở chăn nuôi đến trực tiếp cơ sở giết mổ lợn; không vận chuyển lợn đến các điểm thu gom tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Đối với lợn xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi trước khi vận chuyển đến cơ sở giết mổ. Cơ sở thu gom được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau mỗi lần thu gom; chất thải, nước thải được xử lý đảm bảo không lây lan mầm bệnh.

Trường hợp lợn có nguồn gốc từ tỉnh khác vận chuyển đến cơ sở giết mổ, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định.

Sản phẩm từ lợn sau giết mổ phải xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi và được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng để tiêu thụ trong và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, trước khi vào và ra khỏi cơ sở giết mổ lợn.

Đối với cơ sở giết mổ lợn tập trung ngoài vùng dịch, trường hợp lợn được đưa vào cơ sở giết mổ có nguồn gốc từ vùng dịch phải thực hiện theo quy định trên. Trường hợp lợn được đưa vào cơ sở giết mổ có nguồn gốc ngoài vùng dịch phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y.

Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong vùng dịch được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP từ cơ sở chăn nuôi lợn ở trong vùng dịch và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh.

Sản phẩm từ lợn sau giết mổ được vận chuyển bằng phương tiện theo quy định và phải lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP để tiêu thụ trong và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh.

Việc lấy mẫu, bảo quản mẫu và vận chuyển mẫu xét nghiệm phải tuân thủ theo quy định. Trước khi vận chuyển lợn đến cơ sở giết mổ, chủ cơ sở chăn nuôi lợn phải báo cho cơ quan thú y địa phương để tổ chức giám sát và lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh DTHCP.

Tiêu hủy ngay toàn bộ lợn tại ô chuồng nuôi, cơ sở thu gom, khu vực cách ly dương tính với mầm bệnh; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Cơ sở giết mổ lợn và bảo quản sản phẩm từ lợn có kết quả dương tính với mầm bệnh DTHCP phải thực hiện việc tiêu hủy lợn, sản phẩm từ lợn của lô sản xuất dương tính với mầm bệnh; ngừng sản xuất và thực hiện việc tổng vệ sinh, sát trùng liên tục trong vòng 5 ngày trước khi giết mổ, kinh doanh trở lại...

Nguồn: CV Số: 2707/VPUBND-KTN và Hướng dẫn số 3708/HD-BNN-TY

Xuân Hiếu