CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

Các biện pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi dê lấy thịt nhốt chuồng phù hợp với điều kiện tỉnh An Giang

11:40 22/07/2022

Các giống dê như Bách thảo, Boer hay dê lai F1 (Boer x Bách thảo) đã được sử dụng nhiều trong chăn nuôi nông hộ. Các giống dê này có ưu điểm là trọng lượng ở tuổi giết thịt lớn, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt nên rất được người chăn nuôi ưa thích và chọn làm đối tượng chăn nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Tùy điều kiện chăn nuôi mà bà con lựa chọn phương pháp chăn nuôi cho phù hợp, có thể nuôi quảng canh, bán thâm canh hoặc thâm canh. Tuy nhiên, hiện nay diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng hạn chế, do vậy nguồn thức ăn thô xanh ngày càng hiếm không đủ nhu cầu cho dê ăn nên việc mở rộng quy mô còn khó khăn và năng suất chăn nuôi còn thấp nhất là phương thức chăn nuôi quảng canh, vì vậy hiện nay nhiều bà con lựa chọn phương thức chăn nuôi bán thâm canh đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi lấy thịt nhốt chuồng bà con cần lưu ý một số vấn đề như sau:

1. Con giống

Để chọn lọc dê nuôi thịt, tiến hành cân dê non ở các độ tuổi khác nhau (3 hoặc 6 tháng tuổi) nhằm xác định khả năng sinh trưởng của dê. Khả năng sinh trưởng của dê có thể được đánh giá theo hai cách:

- Tốc độ tăng trọng.

- Khối lượng tối đa có thể đạt được ở một độ tuổi nào đó (ví dụ 1,5 tuổi).

2. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng

Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho dê (chú ý cung cấp các loại thức ăn giàu năng lượng). Mỗi ngày cần bảo đảm lượng thức ăn cho mỗi con như sau: Thức ăn thô từ 4–5 kg/con, Thức ăn tinh từ 0,1-0,6/con.

Thức ăn, ước uống, đảm bảo sạch sẽ, nên bổ xung muối ăn vào nước cho dê uống trước và sau khi chăn thả để hạn chế dê uống nước từ các nguồn nước bị ô nhiễm. Bổ sung khoáng và vitamin dưới dạng tảng đá liếm treo ở trong chuồng cho dê tự liếm.

Ngoài ra không chăn thả dê khi trời mưa. Thức ăn thô xanh khi cắt về cho dê ăn cần để cho ráo nước, lá phải xe lại, không còn dính nước mưa, bùn đất mới cho dê ăn. Nếu cho dê ăn thức ăn ướt, bẩn không những dê con mà cả dê trưởng thành cũng bị tiêu chảy. Trong mùa mưa ưu tiên các loại thức ăn thô xanh có vị chát như: lá mít, sung, ổi,…để phòng tiêu chảy cho dê.

Thường xuyên kiểm tra và cắt móng chân dê để dê đi lại dễ dàng và tránh các bệnh liên quan về chân móng. Đồng thời thường xuyên vệ sinh chuồng trại và vệ sinh cơ thể dê. Vào giai đoạn chuẩn bị xuất bán, cần hạn chế để dê vận động để giảm tiêu hao năng lượng.

3. Chuồng trại

Dê là vật nuôi dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh, tuy nhiên khả năng sản xuất của chúng phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống trong đó có yếu tố chuồng trại, đặc biệt đối với các giống cao sản. Chuồng trại chăn nuôi dê so với các chuồng trại chăn nuôi các loài vật nuôi khác thì đơn giản và rẻ tiền hơn. Tuy nhiên cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau đây:

- Giảm được sự bất lợi của thời tiết.

- Tránh rủi ro do trộm cắp.

- Quản lý và đo lường được năng suất chăn nuôi.

- Tránh phiền phức cho xã hội do dê phá phách.

Dê là loài động vật ưa sạch sẽ khi nuôi dê cần nuôi trên sàn, nền sàn phải bằng phẳng, cách mặt đất tối thiểu từ 50 – 80 cm tùy theo địa bàn của từng khu vực chăn nuôi, nền sàn được ghép bằng các thanh gỗ, hoặc nan tre tạo thành các khe hở từ 1 – 1,5 cm (đủ để phân dê dễ lọt xuống dưới nhưng không lọt chân dê). Trước mỗi cửa chuồng nên làm bậc cầu thang cho dê lên xuống dễ dàng, nhất là dê con.

Chuồng nuôi dê cần được quét dọn sạch sẽ hàng ngày. Định kỳ hàng tháng khử trùng chuồng trại, máng ăn, máng uống, sân chơi để hạn chế sự lây nhiễm các mầm bệnh, đặc biệt là các loại bệnh ký sinh trùng đường tiêu hoá.

4. Công tác phòng bệnh cho đàn dê

Việc phòng bệnh bằng vắc-xin có vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng nghiêm ngặt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn dê theo quy định của cơ quan thú y. Các bệnh cần phòng là:

- Phòng bệnh đậu: Vắc xin dùng để tiêm phòng cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Liều lượng sử dụng: 1 ml/con, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tiêm 2 lần/năm.

- Phòng bệnh viêm ruột hoại tử: Tiêm giải độc tố phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho dê. Liều tiêm 2 ml/con, tiêm dưới da cổ, mỗi năm tiêm 2 lần vào tháng 3 và tháng 9.

- Phòng bệnh tụ huyết trùng: Vắc- xin tụ huyết trùng dê là vắc- xin vô hoạt. Liều tiêm 2 ml/con cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt. Tiêm vắc- xin định kì 2 lần/năm để phòng bệnh cho đàn dê.

- Phòng bệnh lở mồm long móng: Vắc- xin phòng bệnh lở mồm long móng là vắc- xin vô hoạt dạng nhũ dầu. Liều tiêm 1 ml/con, tiêm sâu vào bắp thịt. Thời gian tiêm mũi đầu tiên lúc 4 tháng tuổi; tiêm mũi tăng cường lúc 9 tháng sau mũi đầu tiên và cứ 12 tháng tiêm chủng lại.

Ngoài ra, dùng các loại thuốc phòng các bệnh kí sinh trùng đường máu, bệnh giun tròn, bệnh sán lá gan, sán lá dạ cỏ và bệnh sán dây cho dê. Đồng thời, cần chú ý thực hiện đầy đủ và nghiêm túc công tác kiểm dịch khi vận chuyển, xuất và nhập dê dưới sự giám sát của cơ quan thú y có thẩm quyền để khống chế sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào cơ sở chăn nuôi dê và ngược lại.

La Thái Bình - Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang