CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Chăn nuôi - Thú y

Chợ Mới triển khai “Chiến lược phát triển Chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045”

11:00 21/11/2022

Thực hiện Quyết định số 664/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc Phê duyệt Kế hoạch “Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh An Giang”. Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi có hiệu quả trên địa bàn huyện Chợ Mới giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, nông trại đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, áp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngày 14 tháng 11 năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới ban hành Kế hoạch số 2733/KH-UBND với những nội dung cụ thể, như sau:

Về một số mục tiêu chính:

- Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi giai đoạn năm 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045.

- Nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

- Số lượng tổng đàn: Giai đoạn 2021 - 2025: đàn bò 20.000 con, đàn heo 16.000 con, đàn gia cầm 450.000 con; Giai đoạn 2026 - 2030: đàn bò 22.000 con, đàn heo 17.000 con, đàn gia cầm 500.000 con.

- Cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh: đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 1 cơ sở, đến năm 2030 ít nhất 2 cơ sở.

- Đến năm 2030, phát triển chăn nuôi heo với các giống cao sản theo hướng gia trại, trang trại, ở nơi có điều kiện về đất đai, kiểm soát dịch bệnh và môi trường; đồng thời, mở rộng quy mô đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống heo bản địa, heo lai giữa giống cao sản và giống bản địa.

- Tầm nhìn đến năm 2045, Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Bệnh lây nhiễm sang người; Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng,… được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung.

Về định hướng chăn nuôi:

- Tổ chức sản xuất: Thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã chăn nuôi theo hình thức liên kết các nông hộ nông dân, trang trại quy mô nhỏ, có sự tham gia của doanh nghiệp. Tổ chức xây dựng vùng chăn nuôi an toàn cho các loại vật nuôi chính liên kết với hệ thống giết mổ, chế biến tập trung, công nghiệp gắn với phát triển thị trường.

- Áp dụng công nghệ cao: Quy trình chăn nuôi từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

- An toàn sinh học và dịch bệnh: Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai có hiệu quả công tác xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

- Ứng dụng khoa học công nghệ: Ứng dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng tái tạo và chăn nuôi côn trùng có lợi trong sản xuất.

Ngoài ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, tài chính - tín dụng, thương mại, khoa học công nghệ - môi trường, thông tin truyền thông, ... và công tác phối hợp triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch, các ngành các cấp phải làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình./.

Trần Châu Phương Tuấn – Trạm Khuyến Nông thị xã Tân Châu