CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông nghiệp trong tỉnh

Thanh niên xã biên giới khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô

12:58 20/01/2021

Vĩnh Xương (Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) là xã đầu nguồn của Sông Tiền, hằng năm đón nhận nguồn thuỷ sản dồi dào từ dòng Mekong. Nhiều loại thủy sản như cá lóc, cá chốt, cá chạch, cá lăng… cũng đổ theo con nước về đây. Được thiên nhiên ưu đãi, người dân trên địa bàn xã biên giới Vĩnh Xương đã mạnh dạn khai thác lợi thế nguồn cá thiên nhiên để phát triển kinh tế, trong đó có nghề chế biến cá khô. Nghề chế biến cá khô từ lâu trở thành nghề truyền thống ở địa phương, đã có nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ nghề cá khô và có những thanh niên trẻ lập nghiệp từ đó. Điển hình có mô hình khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô của anh Trần Văn Đức – sinh năm 1988, ngụ Ấp 1, xã Vĩnh Xương. Sau khi học hết lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể theo đuổi ước mơ ở giảng đường Đại học, nhưng ý chí làm giàu trong anh lúc nào cũng mãnh liệt, không theo đuổi con chữ có thể làm giàu từ cái nghề nào đó. Với ý nghĩ đó, anh đã chọn cho mình nghề chế biến cá khô, nghề truyền thống của gia đình và của quê hương.

Năm 2010, Anh Trần Văn Đức quyết định khởi nghiệp, thành lập Cơ sở sản xuất khô Đức Phát với các sản phẩm khô mang đậm hương vị dân dã truyền thống được người tiêu dùng đón nhận. Sau 10 năm xây dựng và không ngừng đầu tư phát triển anh đã thành công với đứa con tinh thần của mình. Nhớ lại những ngày đầu khi nối nghiệp nghề cá khô của gia đình anh đã gặp không ít khó khăn; phải đối mặt với sản phẩm cá khô qua chế biến bị hư hỏng, thời gian sử dụng khá ngắn, quy trình tẩm ướp chưa đạt yêu cầu. Anh Trần Văn Đức chia sẻ: “Cái thời gian đầu tiên lúc bắt đầu khởi nghiệp thì lúc nào cũng rất nhiều khó khăn, mặt dù được thừa kế kinh nghiệm của cha mẹ để lại nhưng mà cũng không có làm được như thời ông cha mình như hồi trước, kinh nghiệm mình còn yếu, cái thứ hai tìm mua con cá nguyên liệu rồi mới kiếm đầu ra khó nhất là đầu ra mình phải đi tìm những thị trường tìm năng nào đó để mình phát triển phương hướng, định hướng cho cái nghề khô của mình. Thì đối với những con cá đồng ngày xưa của mình thì nó rất là dễ, đối với những con cá nuôi như hiện nay quy trình sản xuất nó có hơi khó hơn so với những con cá thiên nhiên của mình hồi trước, khó chổ cá nuôi thịt nó không săn chắc hàm lượng mỡ nó cao hơn con cá đồng của mình nên quy trình muối nó đòi hỏi chặt chẻ hơn làm thì nó nhiều công đoạn hơn so với hồi trước rất là khó khăn rất là nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu tiên để mà khởi nghiệp”.

Sau nhiều lần thất bại, anh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quy trình chế biến. Đối với công thức tẩm ướp, gia vị được xem là yếu tố tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại. Để sản phẩm khô đạt như mong đợi, những mẻ khô đầu tiên, anh đã gửi cho bạn bè người thân dùng thử. Từ sự phản hồi đó, cùng với những bí quyết được cha mẹ truyền lại cộng với những gia vị được các trang mạng xã hội chia sẻ đã giúp anh có được công thức tẩm ướp như mong đợi. Xác định khô là mặt hàng dễ bị cạnh tranh, vì vậy sản phẩm không chỉ có công thức tẩm ướp tốt mà nguyên liệu đầu vào cũng phải đảm bảo. Anh Đức cho biết thêm: “Trãi qua dần dần đến nay cũng gần 10 năm rồi hiện tại thì cơ sở bước vào nề nếp, sản xuất thì có công đoạn từ khâu nguyên liệu cho đến sản phẩm đầu ra đã rất ổn định thị trường, thứ nhất con cá nguyên liệu thì mình đã kết hợp được với người nuôi, không có qua của thương lái nữa, còn đầu ra hiện giờ mình đã ổn định được đầu ra làm ăn thì uy tín, ổn định chất lượng sản phẩm nên khách hàng rất là tin tưởng từ đó đầu ra mình rất là ổn định, thị trường của mình hiện nay là ở Long Xuyên và Tp. Hồ Chí Minh  là nhiều nhất, tập trung những khu công nghiệp khu chế xuất những nơi có tập trung đông công nhân”,

Quá trình thành phẩm khô của anh Đức được thực hiện theo một quy trình an toàn và sạch. Cá được ủ bằng nước đá và muối ngăn không cho cá sình, hư, nơi làm cá được xây từ gạch bông chống trơn trợt và bẩn, chất thải được thải xuống ao nuôi cá cho các loại cá khác ăn và tiếp tục phát triển, đầu cá lóc được giữ lại ủ thành mắm. Khi ướp cá người ướp luôn mang bao tay, nguyên liệu ướp luôn đảm bảo về hạn sử dụng và có công thức nhất định. Cá sau khi được làm sạch, được tẩm ướp, mang ra phơi nắng từ 1 – 3 ngày; phơi ngoài trời nắng, che phủ bởi màng kín chống bụi bẩn... Khi kiểm tra cá khô đã đủ nắng, sẽ đưa vào kho đóng gói theo hình thức hút chân không để thời gian bảo quản được dài hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với cách nghĩ, cách làm mạnh dạn, anh Đức đã từng bước phát triển nghề chế biến cá khô của gia đình. Hiện nay việc kinh doanh đi vào quỹ đạo, mỗi tháng Cơ sở sản xuất khô Đức Phát của anh cung ứng cho thị trường bình quân từ 2 – 3 tấn khô, với dòng sản phẩm khô chủ lực là cá sặc rằn và cá lóc, đồng thời cơ sở còn chế biến thêm cá loại cá khô theo mùa như cá chốt, cá lăng, cá chạch,… Vào những dịp lễ Tết, đơn hàng của cơ sở tăng gấp đôi so với ngày thường. Tính đến nay, việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở khô Đức Phát của anh Trần Văn Đức đã ổn định. Sản phẩm được đóng gói theo nhiều kích cỡ, tạo được sự tiện lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng hay làm quà tặng. Anh Đức cho biết: “Với phương châm của cơ sở luôn luôn ổn định giá để giữ vững niềm tin của khách hàng, mặc dầu con cá nguyên liệu có bấp bênh có tăng có sụt nhưng mà cơ sở lúc nào cũng muốn ổn định cái giá để mà giử vững lòng tin với khách hàng. Bình những ngày thường cơ sở sản xuất một ngày có thể ra 70 – 100kg nhưng mà những ngày cận kề những ngày lễ, tết thì số lượng có thể tăng lên gấp đôi”.  

Hầu hết các công đoạn sản xuất khô ở cơ sở của anh đều làm thủ công, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm ra sản phẩm ngon hơn, đưa đi xa hơn vì bảo quản được lâu. Hiện tại, cơ sở của anh không chỉ mở rộng sản xuất mà hướng đến sản phẩm sạch nhằm phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng. Những con cá tươi ngon, qua bàn tay khéo léo hướng dẫn của anh Đức đã biến thành món cá khô thơm ngon và là đặc sản của xã biên giới Vĩnh Xương. Nhiều khách phương xa không thể nào quên hương vị rất dân dã, mộc mạc của món khô sặc rần một nắng, cá lóc,... được sản xuất tại đây. Sản phẩm từ cơ sở cũng ngày một vươn xa để đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Ông Quãn Văn Tâm – P.CT. UBND xã Vĩnh Xương cho biết: “Đối với Vĩnh Xương là địa phương có truyền thống đối với nghề cá khô thì trong thời gian qua trên địa bàn đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp cá khô phát triển trong đó có cơ sở cá khô Đức Phát của anh Trần Văn Đức là một thanh niên trẻ nhưng có ý chí vươn lên làm giàu, phát triển ngành nghề truyền thống quê hương. Bên cạnh đó, cơ sở còn tạo việc làm thêm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có được thu nhập ổn định. Trong đó khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được cơ sở đảm bảo, đặt sức khỏe người tiêu dung lên hàng đầu, đồng thời địa phương cũng liên kết với các ngành chuyên môn mở lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên cho các cơ sở”.

Một trong những yếu tố giúp anh khởi nghiệp thành công là mạnh dạn đầu tư, nhất là sự kiên trì và cố gắng trong lúc khó khăn. Tuy niên, cũng như nhiều thanh niên khởi nghiệp, anh mong muốn được hưởng những chính sách hỗ trợ ở địa phương, tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục mở rộng, phát triển cơ sở chế biến cá khô, đầu tư xây dựng thương hiệu cá khô của cơ sở. Không chỉ tạo ra được sản phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường, việc khởi nghiệp của Trần Văn Đức còn góp phần tạo việc làm ổn định cho mười lao động và hàng chục lao động thời vụ, giúp họ có được thu nhập ổn định. Không chỉ khởi nghiệp thành công góp phần phát triển sản xuất, kinh tế hộ gia đình anh Trần Văn Đức còn là một thanh niên trong xã rất năng nổ có nhiều đóng góp trong các phong trào, hoạt động từ thiện của địa phương. Anh Đức xứng đáng là một trong những thanh niên tiêu biểu ở xã biên giới Vĩnh Xương trong phong trào khởi nghiệp hiện nay để các thanh niên học tập, noi theo.

 

Lê Kiều