CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Trồng trọt - BVTV

Xã Bình Thạnh ứng dụng công nghệ tưới phun từ năng lượng mặt trời

08:00 21/12/2019

Hiện nay, công nghệ tưới phun tự động cho các loại cây trồng trong nông nghiệp được xem là có nhiều ưu điểm bởi kỹ thuật này đưa nước đến cây trồng dưới dạng mưa nhân tạo, đây là phương pháp tưới có nhiều ưu điểm như năng suất lao động cao do quá trình tưới được tự động hóa, chủ động và tiết kiệm được thời gian cũng như thuận tiện khi không phải trực tiếp tưới; cho phép hòa tan phân bón, chất khử trùng trong khi tưới; tiết kiệm nước tưới, hệ số sử dụng nước đạt trên 90% và rất có ý nghĩa với vùng hiếm nước hay lấy nước khó khăn.

Mặt khác, trong sản xuất hiện nay nông dân gặp rất nhiều khó khăn như chi phí thuê công lao động, giá vật tư, phân bón tăng cao. Đặc biệt thời gian gần đây, vấn đề tăng giá bán điện của Bộ Công thương, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt cũng như quá trình sản xuất của người dân. Việc nghiên cứu và sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời trong những năm qua khá phổ biến. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, được dùng để sấy các sản phẩm như ngũ cốc, thực phẩm... nhằm giảm tỉ lệ hao hụt và tăng chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, còn được sử dụng trong hệ thống tưới nước cho vườn cây ăn trái, rau màu. Lợi ích mang lại là rất lớn, ngoài việc tiết kiệm chi phí điện đầu tư tiền điện cho sản xuất, thích hợp cho những vùng sâu, xa không có điện phục vụ.

Vừa qua, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ chương trình nông thôn mới công nghệ cao năm 2019, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Châu Thành đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun từ hệ thống năng lượng mặt trời cho hộ Nguyễn Văn Thạnh, ấp Thạnh Phú, xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Với mục tiêu giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, tăng hiệu quả sản xuất, giúp nông dân tiếp cận công nghệ mới, tiết kiệm chi phí kéo điện sản xuất trong nông nghiệp.

Mô hình được thực hiện với diện tích 3.000m2 trên cây cải dún. Theo anh Nguyễn Văn Thạnh, nông dân ứng dụng mô hình cho biết “Qua thời gian thực hiện mô hình Tôi đã tiết kiệm trên 30% chi phí công lao động trong khâu tưới so với phương pháp tưới truyền thống, thuận lợi cho những ruộng canh tác xa đường điện và an toàn cho người sử dụng.

Theo anh Lê Ngọc Linh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết “Hệ thống pin năng lượng mặt trời dễ lắp đặt, dễ vận hành, tuổi thọ khoảng 20 năm. Qua đánh giá thực tế năng lượng pin thu được từ hệ thống cao nhất từ 11 giờ đến 15 giờ trong ngày từ 560-630wp, % đạt được của pin trong khoảng thời gian này từ 80-90%. Lượng nước tưới đạt 8-12 m3/giờ tưới/300 péc phun”.

Việc ứng dụng hệ thống tưới phun từ hệ thống năng lương mặt trời cho cây rau màu giúp người nông dân tiết kiệm được công lao động khâu tưới.  Giảm sức lao động nặng nhọc ở khâu tưới, đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, chống xói mòn, hạn chế nơi ký sinh, sinh vật gây hại giúp phát triển nông nghiệp bền vững.

 

 

Phạm Thị Như – Trạm Khuyến Nông huyện Châu Thành