CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thông tin lụt bão - Sạt lở

Chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang

02:50 31/03/2021

Để chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh An Giang, theo đó ngày 30/3/2021, Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (ƯPBĐKH – PCTT&TKCN) tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1027/UBND-KTN ngày 30/9/2020 về việc triển khai Chỉ thị 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh; triển khai Quyết định số 14/QĐ-BCĐ ngày 25/02/2021 của Ban Chỉ đạo ƯBĐKH – PCTT&TKCN ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, mùa khô năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt từ nay đến hết mùa khô năm 2021 nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn. Tuyên truyền phổ biến cho người dân khu vực thiếu nước sinh hoạt do hạn hán hoặc xâm nhập mặn chủ động áp dụng các giải pháp cấp trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thực trạng dự báo nguồn nước vụ Hè Thu năm 2021. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn và tình hình nguồn nước để chủ động công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với hạn và xâm nhập mặn.

Thường xuyên theo dõi nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô. Bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu hạn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả quan trắc nguồn nước, độ mặn và tình hình khí tượng, thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến chính quyền địa phương và nhân dân được biết để chủ động ứng phó. Không xuống giống ở những khu vực không chủ động nước tưới, tích trữ nước; Sử dụng nước hiệu quả để đảm bảo nhu cầu về nước uống và sinh hoạt.

Chủ động sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; nguồn kinh phí Nghị định 35/2015/NĐ-CP (hiện nay sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP) đã giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho địa phương để thực hiện nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm để giữ nước khi cần thiết, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, ao trữ nước, khi cần thiết lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn năm 2021.

Kịp thời báo cáo tình hình về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt về Văn phòng Thường trực ƯBĐKH – PCTT&TKCN tỉnh (Chi cục Thủy lợi).

Nguồn: Công văn số: 20/BCĐ-PCTT

Xuân Hiếu