CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 14/02/2020

09:00 14/02/2020

Gỡ khó cho nông sản thời virus Corona - Rau xanh tiếp tục tăng giá tại chợ lẻ - Cua biển Cà Mau giảm giá, giá cua bán lẻ ở TPHCM vẫn cao - Giá hoa hồng Đà Lạt giảm sốc mùa Valentine - Yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thịt heo xuống dưới 75.000 đồng/kg .

 

Gỡ khó cho nông sản thời virus Corona  (14/02/2020)         

Với những mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong một thời gian nhất định, bởi dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) gây ra tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động xuất khẩu nông sản vào quốc gia này bị gián đoạn hoặc hạn chế. Giải pháp trước mắt, kể cả lâu dài là tăng cường thêm các kênh phân phối nội địa, tìm kiếm thêm những thị trường mới tiềm năng, ổn định.

Từ khi quyết định chuyển đổi đất lúa sang trồng xoài ở vùng cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang), ông Nguyễn Văn Liệt (xã Bình Phước Xuân) chưa bao giờ thấy xoài rớt giá như hiện nay.

“Đối với xoài 3 màu loại 1 (hơn 620gr/trái), những lúc giá thấp nhất cũng hơn 15.000 đồng/kg. Vừa qua Tết năm nay, xoài đột ngột giảm giá mạnh, nhiều vựa hạn chế thu mua dù giá bán tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg” - ông Liệt thông tin.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu cho biết, diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện hiện đạt 6.116,83ha, trong đó diện tích xoài đến tuổi cho trái khoảng 4.172ha (chiếm hơn 68% diện tích).

Dự kiến từ tháng 2 đến tháng 6-2020, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 19.630 tấn. Mặc dù vùng xoài Chợ Mới có thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc nhưng số lượng chưa nhiều, trong khi hơn 90% sản lượng được xuất sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu theo đường tiểu ngạch.

Do vậy, khi bị ảnh hưởng dịch bệnh virus Corona, Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu thì phần lớn các vựa xoài trên địa bàn huyện Chợ Mới cũng ngưng hoạt động.

Hiện nay, tình hình thu mua ở các vựa xoài rất trầm lắng, chỉ còn vài vựa xoài lớn đang hoạt động cầm chừng, chủ yếu tiêu thụ nội địa với giá mua rất thấp, bình quân 5.000 đồng/kg (xoài loại 1 từ 7.000-8.000 đồng/kg; xoài loại 2, 3 rớt xuống còn 2.000-4.000 đồng/kg), trong khi thời điểm trước khi có dịch bệnh, giá xoài thu mua bình quân đạt 15.000 đồng/kg. Ghi nhận sơ bộ, tại các vựa hiện nay còn tồn hơn 100 tấn xoài chưa tiêu thụ được.

Bộ Công thương cho biết, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan đã mở cửa vào ngày 3-2, Trung Quốc đã thông báo lùi thời hạn mở cửa khẩu vào cuối tháng 2-2020. Theo kế hoạch ban đầu, TP. Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) dự kiến sẽ thông quan cửa khẩu Tân Thanh vào ngày 9-2 nhưng đã quyết định lùi lại thêm 20 ngày nữa do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Như vậy, thời gian khôi phục hoạt động trao đổi của cư dân biên giới (theo các cặp cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn như: Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình...) cũng sẽ phải lùi tới cuối tháng 2-2020, thay vì ngày 10-2 như đã thông báo. Hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục gián đoạn hoặc hạn chế.

Đối với “vựa nếp” Phú Tân, hiện nay mới bước vào thu hoạch nên chưa bị ảnh hưởng trước dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, khi sản lượng nhiều, giá bán sẽ bị tác động bởi Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nếp chính của Việt Nam.

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, Phú Tân xuống giống 23.855ha lúa nếp, phần lớn diện tích đang giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trổ.

Trong đó, diện tích đã thu hoạch được hơn 100ha với năng suất 6,96 tấn/ha. Dự kiến đến cuối tháng 2-2020, diện tích lúa nếp chín có khả năng thu hoạch trên 10.000ha, sản lượng khoảng 65.000 tấn.

Hiện nay, giá bán nếp tươi ở mức khá (từ 5.500-6.000 đồng/kg). Vụ đông xuân, có 3 công ty liên kết sản xuất tiêu thụ với 4 hợp tác xã (HTX) của huyện, đạt diện tích 760ha, gồm: Công ty An Thạnh ký với HTX Phú An 400ha nếp; Công ty Nguyễn Phú Vinh ký với HTX Thạnh Phú 10ha, ký với HTX Nam Phú Bình 100ha; Công ty TNHH Lương thực Phước Thịnh ký với HTX Hưng Tân 250ha.

Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, UBND huyện Phú Tân đề nghị ngành chuyên môn tỉnh giới thiệu thêm doanh nghiệp (DN) đến tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn huyện.

Đối với mặt hàng lúa, diễn biến dịch bệnh Covid-19 không quá đáng lo bởi hiện nay, Trung Quốc không phải là thị trường chiếm thị phần nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Đối với nếp, nếu liên kết phân phối tốt thì hoàn toàn có thể tiêu thụ nội địa hoặc DN thu mua nếp tươi, sấy khô rồi tích trữ vào kho chờ thời điểm thích hợp xuất khẩu (nếp khô bảo quản được lâu).

Đối với xoài, nếu tính toán lại giống xoài, tiêu chuẩn chất lượng, hướng đến phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng, giá trị cao thì có thể giải quyết được đầu ra lâu dài.

Điển hình như ở vùng biên giới An Phú, HTX Long Bình vẫn hoạt động tốt khi tập trung liên kết với nông dân ở các xã: Khánh Bình, Khánh An và thị trấn Long Bình để xây dựng vùng nguyên liệu xoài Keo, hợp đồng thu mua để giao cho các DN đặt hàng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các quốc gia như: Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Chủ nhiệm HTX Long Bình Huỳnh Thanh Minh cho biết, giá mua xoài Keo tại vườn hiện bình quân 15.000 đồng/kg, trong khi giá bán loại xoài này tại chợ là 30.0000 đồng/kg. “Khi nông dân tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, sản phẩm xoài hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang những thị trường khó tính” - ông Minh nhấn mạnh.

Thấy được khuynh hướng này, UBND huyện Chợ Mới đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn để có thể tiêu thụ được nhiều thị trường.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, các DN tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường công tác mời gọi đầu tư, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị của các loại cây ăn trái như: xoài, mít, sầu riêng…

Nguồn: Tin tức Miền Tây

 

 

Rau xanh tiếp tục tăng giá tại chợ lẻ  (14/02/2020)

Giá thực phẩm hôm nay ghi nhận các loại rau xanh như bắp cải, rau muống, rau dền,... tiếp tục tăng giá tại chợ lẻ ở TP.HCM.

Cụ thể, giá thực phẩm hôm nay (14/2) ghi nhận tại một số chợ như Gò Vấp, Bà Chiểu (Bình Thạnh), Tân Định (Quận 1),... Rau muống tăng thêm 3.000 đồng lên 22.000-25.000 đồng/kg, cải bẹ xanh tăng 3.000 đồng lên 22.000-25.000 đồng/kg, rau dền tăng 3.000 đồng lên 22.000-25.000 đồng/kg, cải bẹ xanh tăng 3.000 đồng lên 22.000-25.000 đồng/kg, bông cải xanh tăng 4.000 đồng lên 41.000-45.000 đồng/kg,...

Bên cạnh đó, tại siêu thị các loại rau xanh vẫn giữ nguyên mức giá trong suốt tuần qua gồm: Rau muống con 44.000 đồng/kg, cải bẹ xanh 23.600 đồng/kg, củ dền 16.500 đồng/kg, rau dền 23.600 đồng/kg, su hào 19.900 đồng/kg, bông cải xanh 41.500 đồng/kg, bắp cải trái tim 17.900 đồng/kg, khổ qua 18.500 đồng/kg,...

Nguồn: Báo cung cầu

 

 

Cua biển Cà Mau giảm giá, giá cua bán lẻ ở TPHCM vẫn cao   (14/02/2020)

Người nuôi cua biển ở Cà Mau, Kiên Giang đang nhấp nhổm vì mặt hàng này từ ngay sau Tết Nguyên đán 2020 rớt giá sâu. Nhưng tại TPHCM giá bán lẻ vẫn cao.

Tại huyện Nam Căn (Cà Mau) giá cua biển giảm một nửa so với thời điểm trước Tết. Cua gạch loại ngon nhất giá trước Tết là 650.000 đồng/kg, nay giảm còn 320.000 – 350.000 đồng/kg. Cua y loại loại 1 cũng giảm còn 250.000 – 270.000 đồng, cua y loại 2 giá còn 150.000 0 160.000 đồng. Tình cảnh cũng tương tự tại Kiên Giang khi cua gạch vùng U Minh Thượng thương lái mua chỉ khoảng 280.000 - 300.000 đồng/kg,; cua y loại 1 giá 250.000 đồng/kg, giảm 150.000 đồng/kg so với trước Tết.

Theo lý giải của một số thương lái và chủ vựa cua, việc ngưng thu mua cua trong người dân vào những ngày gần đây do không thể xuất hàng sang Trung Quốc tác động bởi dịch do virus corona khiến giao thương đình trệ. Do vậy các vựa cua chỉ thu mua cầm chừng để tiêu thu tại thị trường trong nước, quán ăn, nhà hàng,...

Tại các vựa hải sản và nhiều điểm bán ở các chợ dân sinh TPHCM, giá cua “nhảy múa” và giá vẫn cao. Tại khu bán hải sản đường Bùi Hữu Nghĩa (chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh), cua thịt giá từ 320.000 – 400.000 đồng/kg (loại 1kg khoảng 3 con). Cua thịt nhỏ hơn giá 270.000 – 300.000 đồng/kg. Cua gạch  giá từ 350.000 – 400.000 đồng/kg.

Tại chợ Thị Nghè, cua thịt con to giá 400.000 – 420.000 đồng/kg, cua gạch giá đến 500.000 đồng/kg.

Vài vựa cua khác giá còn cao hơn, cua thịt loại nhỏ 4 con/kg có giá 300.000 - 320.000 đồng/kg, loại lớn 3 con/kg có giá 450.000 - 500.000 đồng/kg; cua gạch loại lớn 2-3 con/kg giá thậm chí còn ở mức 550.000 đồng/kg.

Nguồn: Voh.com.vn

 

 

Giá hoa hồng Đà Lạt giảm sốc mùa Valentine  (14/02/2020)

Chưa có mùa Valentine nào mà hoa hồng Đà Lạt có giá thấp như thế. Nỗi lo về sự hoành hành của dịch cúm Covid đã khiến du lịch ế ẩm và bây giờ đến lượt các ngành sản xuất, kinh doanh hoa “ngấm đòn”.

Trước đây, hễ gần đến ngày Valentine là các vườn hoa hồng Đà Lạt tập nập kẻ mua người bán; nhà vườn phải thuê thêm nhiều nhân công để thu hoạch, sơ chế, vận chuyển hoa… Thế nhưng năm nay thị trường hoa Đà Lạt mùa Valentine im ắng khác thường.

Một chủ vựa hoa ở làng hoa Vạn Thành (TP.Đà Lạt) cho biết đơn đặt hàng từ các thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng… giảm thấy rõ. Hoa ế lắm nhưng cũng phải thu mua cho bà con nông dân rồi đưa xuống các mối ở TP.HCM để bán. Sau khi tiêu thụ hoa xong họ mới báo giá nên chuyện lời lỗ thì sau lễ mới biết.

Rời Vạn Thành, chúng tôi đến một số làng hoa khác như An Sơn, Thái Phiên, Hà Đông…, đâu đâu cũng thấy nhà vườn tất bật thu hoạch hoa nhưng ai nấy đều tâm tư bởi giá hoa rớt thảm.

"Loại hoa được ưa chuộng nhất dịp lễ này là hồng đỏ chỉ được thương lái mua với mức giá dưới 3.000 đồng/cành. Hoa hồng các màu khác có giá từ 2.000 - 2.500 đồng/cành, trong khi thời điểm này năm ngoái, giá hoa hồng từ 5.000 - 7.000 đồng/cành".

Qua khảo sát tại chợ Đà Lạt ngày 12/2, các quầy hàng bán lẻ hoa hồng đỏ với giá 3.000 - 3.500 đồng/cành, hoa hồng các màu khác khoảng 2.500 đồng/cành. Nhiều chủ quầy than thở giá đã thấp mà lượng hoa bán được cùng ít hơn hẳn mọi năm.

Theo thống kê của phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, địa phương có khoảng 200ha trồng hoa hồng phục vụ dịp Valentine. Cách đây mấy ngày hoa hồng cũng còn được giá, khoảng 4.000 đồng/cành, nhưng 3 ngày nay thì bất ngờ hạ thấp, bình quân chỉ còn khoảng 2.000 - 2.500 đồng/cành.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, nhiều nhà vườn và chủ vựa cho rằng do ảnh hưởng bởi dịch cúm Covid-19 nên người dân ít muốn ra đường và nhiều người không mặn mà với lễ tình nhân nữa. Các nhà hàng, khách sạn vắng khách nên cũng ít cắm hoa. Trước tình hình đó thì nhu cầu mua hoa cũng giảm theo.

Ông Hoàng Bá Bình, Chủ tịch Hội nông dân Phường 11 (TP. Đà Lạt) cho biết không chỉ hoa hồng mà nhiều loại hoa khác cũng bị giảm giá, ngay cả những loài mới vốn rất hút hàng trong thời gian gần đây như hoa chuông, phi yến, bâng khuâng, loa kèn, hoàng anh, oải hương…

Nguồn: Báo Tiền Phong

 

 

Yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thịt heo xuống dưới 75.000 đồng/kg  (14/02/2020)

Tuần tới, các doanh nghiệp phải giảm giá thịt heo xuống dưới 75.000 đồng/kg. Nếu không điều chỉnh, sẽ căn cứ luật định để yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thịt heo xuống ở mức hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nói như vậy tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc do bộ này  tổ chức ngày 13-2.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thời gian qua, Thủ tướng, Phó thủ tướng đã có chỉ đạo phải giảm giá thịt heo xuống, tuy nhiên đến nay giá thịt vẫn duy trì ở mức quá cao, trên 80.000 đ/kg. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng CPI.

Đại diện doanh nghiệp chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết công ty đã nhiều lần họp bàn đề cố gắng giảm giá thịt heo, và thực tế hiện đã giảm xuống mức 79.500 đ/kg.

Không hài lòng về những động thái giảm giá thịt kiểu nhỏ giọt và có phần né tránh của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn như C.P Việt Nam, Dabaco... dù đã được mời dự hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói, đầu năm 2019, trước ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, giá heo xuống quá thấp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ ngành, truyền thông đã cùng vào cuộc để "giải cứu", kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng với thịt heo.

Với sự đồng hành của toàn xã hội, giá thịt heo đã nhích dần lên. Tới tháng 6, tháng 7-2019 đã vượt trên 40.000 đ/kg và liên tục tăng cao từ đó đến nay. Đặc biệt, giá thịt cao trên 80.000 đ/kg, có lúc hơn 90.000 đ/kg đã duy trì kéo dài suốt từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay.

Thứ trưởng Tiến cho rằng giá thành sản xuất heo hơi bình quân ở mức cao nhất trong tình hình chi phí phòng dịch bệnh tăng cao cũng chỉ xoay quanh 40.000 đ/kg hơi, trong khi các doanh nghiệp xuất chuồng với giá bình quân tới 80.000 đ/kg, như vậy là lãi quá cao?

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp tục nhấn mạnh về vấn đề giảm giá thịt heo.

"Thủ tướng, Phó thủ tướng đều đã có chỉ đạo phải giảm thịt heo về mức bình thường như trước khi xảy ra dịch. Tuy nhiên đến nay, giá thịt heo vẫn duy trì kéo dài ở mức quá cao. Vì vậy trong tuần tới, bộ kêu gọi, đề nghị các doanh nghiệp lớn cùng nhau giảm giá, kéo mức giá xuống ít nhất ở mức 75.000 đ/kg.

Nếu các doanh nghiệp không thực hiện, trong tuần tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các bộ ngành liên quan sẽ chuyển sang việc yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện giảm giá. Nếu vẫn cố tình neo giá heo ở mức cao, bộ và các bộ ngành liên quan sẽ rà soát kiểm tra, căn cứ vào các luật định cũng như quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh để có đủ cơ sở pháp lý yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thịt heo xuống ở mức hợp lý" - Bộ trưởng Cường nói.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ