CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thủy sản

Phát triển bền vững nghề nuôi cá tra

08:00 29/07/2017

An Giang là địa phương có truyền thống ương nuôi cá tra trong ao hầm và nuôi cá ba sa trong lồng bè. Ngành công nghiệp phi-lê cá xuất khẩu của Việt nam cũng phát khởi từ loài cá ba sa. Nhưng cá tra, với đặc tính thả nuôi tốt trong ao hầm, thời gian nuôi ngắn hơn và tỉ lệ phi-lê đạt cao hơn cá ba sa, nên ngay từ cuối thập niên 90, nghề nuôi cá tra xuất khẩu đã thay thế rất có hiệu quả cho nghề nuôi cá ba sa truyền thống, đã tạo thêm nhiều việc làm và đem lại đời sống sung túc cho nông hộ.

 

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, nuôi cá tra đã không còn thời hoàng kim, bởi thị trường xuất khẩu rất không ổn định, còn thị trường nội địa thì chưa được khai thác đúng tiềm năng, và do vậy nghề nuôi cá tra đã lâm vào bế tắc. Nhằm từng bước tìm lại vị thế vốn có của ngành cá tra Việt Nam, vào ngày 14/12/2016 tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị tổng kết “Sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững”.

 

Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chia sẻ: “Với lợi thế của hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, nên An Giang là một trong bốn tỉnh vùng ĐBSCL nuôi cá tra nhiều nhất. Tuy nhiên, quy mô nghề nuôi cá tra đã ngày càng thu hẹp do thị trường tiêu thụ thường xuyên gặp khó khăn, bên cạnh thời tiết thất thường, khí hậu ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu nên dịch bệnh trên cá nuôi ngày một nhiều hơn. Tại hội nghị này, An Giang mong muốn cùng các tỉnh bạn tìm kiếm giải pháp để phục hồi và phát triển nghề nuôi cá tra, từng bước tiến tới phát triển ngành hàng cá tra ổn định và bền vững”.

 

Tại hội nghị, các đơn vị chuyên môn, các doanh nghiệp đã trình bày về những thuận lợi, khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ cá tra, cũng như đề xuất nhiều giải pháp phát triển. Thành quả của chương trình sản xuất giống, nuôi cá tra theo quy trình VietGAP, phi-lê cá tra bằng công nghệ hiện đại… thật sự đã đưa ngành sản xuất cá tra vươn tầm thế giới. Nhưng, vẫn còn đó quá nhiều thách thức về xuất khẩu cá tra, và đang rất cần những quyết sách vĩ mô của Chính phủ.

 

Chuyện nuôi cá tra cung cấp cho nhà máy chế biến để xuất khẩu sang trời Âu Mỹ… là chuyện nói hoài mà chẳng thấy lối ra nào cụ thể; vậy cho nên, vấn đề cấp bách hiện giờ là phải nhanh chóng gỡ thế bí cho những nông dân một nắng hai sương đã gắn bó với nghề nuôi cá tra hằng mấy thập niên qua. Và mọi giải pháp phát triển vẫn chỉ xoay quanh vấn đề mở rộng kênh tiêu thụ cá tra tươi ngon đến với giới bình dân, bởi thị trường nội địa từ xa xưa lắm đã là thị trường của con cá tra, có điều là do hấp lực của xuất khẩu cá quá mạnh nên dân mình đã tạm quên đi.

 

Vậy, để nhằm tháo gỡ khó khăn, cũng như phát huy giá trị truyền thống của nghề nuôi cá tra, cần thiết phải tổ chức lại nghề nuôi sao cho phù hợp với tập tính sinh thái của cá tra; và phù hợp với nhu cầu tại từng thời điểm của thị trường tiêu thụ. Cá tra nuôi trong ao hầm, lại cho ăn mồi tích cực, bơm thay nước thường xuyên, nên sức chịu đựng với sự thay đổi của môi trường rất kém; lại không thể thu hoạch xong, rồi rọng, trữ được dài ngày như là trữ cá lóc. Mặt khác, khi kéo lưới thu hoạch, cá tra thường bỏ ăn, thời gian thu hoạch càng dài ngày thì cá càng bị mất sức và sút trọng lượng. Nhưng nuôi cá tra thương phẩm thì thường là nuôi với quy mô lớn, mà thị trường nội địa thì mỗi ngày nhu cầu với số lượng có hạn, do vậy, khi cá đến giai đoạn nuôi thương phẩm, cần san, lựa cá đồng cỡ để nuôi theo từng vèo riêng biệt; mục đích là để khi thu hoạch vèo cá này sẽ không làm ảnh hưởng đến vèo cá khác.

 

Khi cá tra đạt đến trọng lượng thương phẩm, hai vi bên của cá khá nhọn nên rất dễ vướng lưới. Tuyển cá ra ngăn nuôi cần cho cá vào từng vèo chứa lứa cá đồng cỡ. Vèo được thiết kế theo hình thức: Bên ngoài là lưới thưa chắc chắn, bên trong lót tấm bạt nhựa có xôm nhiều lỗ để lưu thông nước giữa bên trong và bên ngoài vèo. Việc lót tấm bạt bên trong có ý nghĩa là để tránh ngạnh cá không bị vướng lưới. Khi xom lỗ tấm bạt, cần dùng vật liệu có độ nóng, mép lỗ co lại sẽ giúp tăng độ vững chắc cho tấm bạt. Có những lứa cá đồng cỡ, lại chủ động được khâu thu hoạch, sẽ chủ động được việc thương lượng giá cả, thời gian thu hoạch, tiết kiệm được chi phí kéo lưới và khắc phục được tình trạng cá bị giảm trọng lượng do thời gian thu hoạch kéo dài. Nhưng hơn hết, giải pháp duy nhất vẫn là, cần có kế hoạch về thời điểm thả giống cụ thể để tránh tình trạng thả nuôi ồ ạt, gây ra những cơn sốt giá cá giống, rồi dư thừa cá thịt. Còn đáng lo hơn nữa, khi nhu cầu nhiều thì giá cá giống tăng liên tục; giá cá đã cao ngất ngưỡng mà chất lượng thì không biết đâu mà lường. Tóm lại, để thuận lợi cho việc tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa, trước tiên phải chủ động được khâu nuôi và khâu thu hoạch với chi phí thấp nhất, ít hao hụt nhất.

 

Những giải pháp sau đây có thể phần nào giúp xâm nhập mặt hàng cá tra tươi sống đến nhanh với người lao động, nhằm sớm vực dậy nghề nuôi cá tra đang chìm lắng:

Một là, tổ chức lại khâu sản xuất giống để giúp nâng cao tỉ lệ sống của cá tra, nhằm gây dựng lại niềm tin để nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển.

 

Hai là, tổ chức lại nghề nuôi cá tra quy mô nông hộ để có nguồn cung dồi dào, ổn định, và mở nhiều kênh phân phối tại thị trường nội địa.

 

Ba là, xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn về quy mô sản lượng nuôi, hình thức nuôi cho từng vùng sản xuất cụ thể, để có kế hoạch chi tiết thời gian tiêu thụ, cung cấp nguồn cá giống, vật tư, nguyên liệu thức ăn.

 

Bốn là, quy định và quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc, hóa chất trong khâu ương nuôi, cũng như quy định nghiêm ngặt về thời gian ngưng sử dụng thuốc, hóa chất trước khi thu hoạch.

 

Năm là, nghiêm cấm mọi hành vi xả nước thải, xác cá chết, rác thải nghề nuôi ra sông, kênh, rạch.

 

Sáu là, tuyên truyền đến hộ nuôi tăng cường nguồn cám, bắp sẵn có ở địa phương trong khẩu phần thức ăn để chất lượng thịt cá tra được thơm ngon hơn.

 

Bảy là, tổ chức dịch vụ mua bán vèo lưới, bạt nhựa dùng cho ương nuôi cá theo giá quy định, nhằm góp phần giảm chi phí nuôi.

 

Tám là, để giảm rủi ro cho nông hộ, cần cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ thương lái mua bán cá.

 

Chín là, xử phạt thật nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán phá giá, chiếm dụng vốn của người nuôi.

 

Khi nông dân dần lấy lại niềm tin thì sẽ có thêm nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có những ý tưởng đột phá xâm nhập thị trường… và nghề nuôi cá tra sẽ lấy lại vị thế bấy lâu nay vốn có.

 

Kim Kiều

Trung tâm Khuyến nông An Giang