CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 03/02/2020

09:00 03/02/2020

Cá bông lau cắt khúc 500.000 đồng/kg - Bất ngờ lao dốc không phanh, giảm 1.000-2.000 đồng/kg - Mít Thái miền Tây bí đầu ra - Rau củ quả tại chợ truyền thống 'neo' giá - Virus corona khiến nhiều nông sản giảm giá mạnh, chờ "giải cứu" .

 

Cá bông lau cắt khúc 500.000 đồng/kg  (03/02/2020)

Sau Tết, ngư dân khởi hành đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao và sông Hậu (An Giang). Hiện đang vào thời điểm đầu mùa khai thác nên sản lượng cá bông lau ít.

Nguồn cá khan hiếm nên giá cá tăng kỷ lục. Nếu như năm ngoái, cá bông lau có giá 250.000 đồng/kg thì nay 380.000 đồng/kg (bán nguyên con).

Còn tại các chợ: Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), An Châu (Châu Thành), tiểu thương bày bán cá bông lau cắt khúc giá 500.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, gần đây cá bông lau được nông dân nuôi thành công, nhưng khi chế biến ăn không ngon bằng cá bông lau thiên nhiên.

Mỗi năm, cá bông lau chỉ xuất hiện trên sông Vàm Nao, sông Hậu từ tháng 11 âm lịch năm trước kéo dài đến tháng 5 âm lịch năm sau. Từ lâu, cá bông lau được xem là loài đặc sản nước ngọt, chế biến các món: kho lạt ăn với xoài bằm, lẩu chua, lẩu mắm hay muối sả chiên đều rất ngon.

Nguồn: Tin tức Miền tây

 

 

Bất ngờ lao dốc không phanh, giảm 1.000-2.000 đồng/kg  (03/02/2020)

Giá tiêu bất ngờ sụt giảm mạnh 1.000-2.000 đồng/kg tại hầu hết các địa phương vùng trồng tiêu trọng điểm Tây Nguyên và miền Nam. Trong khi giá tiêu thế giới đi ngang.

Giá tiêu hôm nay mức giá cao nhất ở ngưỡng 40.500 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 37.000 đồng tại Đồng Nai.

Cụ thể, giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1.000 đồng/kg về  ngưỡng 40.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước  giảm 1.000 đồng/kg về 39.500 đồng/kg.

Giá tiêu tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo) giảm 1.000 đồng/kg về  mức 39.000đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai  giảm 1.000 đồng/kg về mức 38.000 đồng/kg.

Riêng giá tiêu tại Gia Lai giảm mạnh nhất là 2.000 đồng/kg về mức 37.000đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vùng trồng tiêu trọng điểm.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), thời điểm này thích hợp cho việc điều chỉnh diện tích trồng hạt tiêu, giảm từ 150.000 ha xuống 100.000 ha, trong đó mỗi tỉnh nên xác định cụ thể diện tích hạt tiêu cần duy trì, phần còn lại chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để đảm bảo sinh kế cho người nông dân.

Bên cạnh đó, ngành hạt tiêu cũng cần Nhà nước đầu tư các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế thị trường.

Nguyên nhân là các nhà nhập khẩu có biểu hiện chờ đợi từ vụ thu hoạch của Việt Nam để có thể mua với giá thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa giảm

Trong tháng cuối năm 2019, giá tiêu đen tăng nhẹ tại thị trường Ấn Độ và Indonesia, trong khi giá tiêu trắng tăng nhẹ ở thị trường Indonesia, ổn định ở Malaysia,Việt Nam và giảm mạnh tại Trung Quốc, theo dữ liệu thống kê của IPC.

Theo dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 12/2019 đạt 16.603 tấn hạt tiêu các loại, giảm 413 tấn, tức giảm 2,43 % so với tháng trước và tăng 4.027 tấn, tức tăng tới 32,02 % so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong tháng đạt 40,1 triệu USD, tăng 0,06 triệu USD, tức tăng 0,16% so với tháng trước nhưng lại giảm 0,49 triệu USD, tức giảm 1,22 % so với cùng kỳ năm trước.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2019 đạt 2.416 USD/tấn, tăng 2,63% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 11/2019.

Tính chung về lượng, xuất khẩu cả năm 2019 đạt tổng cộng 283.836 tấn tiêu các loại, tăng 51.067 tấn, tức tăng 21,94 % so với khối lượng xuất khẩu cả năm 2018.

Tuy nhiên, về giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 chỉ đạt tổng cộng 714,14 triệu USD, giảm 44,74 triệu USD, tức giảm 5,90% so với giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018.

Như vậy, khối lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu trong năm 2019 đã thiết lập mức kỷ lục lịch sử.

Sản lượng hạt tiêu của Việt Nam chiếm tới 60% tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu. Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, diện tích hạt tiêu của cả nước là 50.000 ha, nhưng chỉ trong vài năm gần đây, riêng Tây Nguyên đã có tới gần 93.000 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu cả nước lên 150.000 ha.

Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu tháng 12/2019 đạt 20 nghìn tấn, trị giá 48 triệu USD, tăng 17,5% về lượng và tăng 19,9% về trị giá so với tháng 11/2019, so với tháng 12/2018 tăng 59% về lượng và tăng 18,2% về trị giá. Năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 287 nghìn tấn, trị giá 722 triệu USD, tăng 23,4% về lượng, nhưng giảm 4,8% về trị giá so với năm 2018.

Hôm nay 3/2/2020 lúc 9h30, giờ Việt Nam, giá tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) ổn định ở mức 33.750Rupi/tạ. Giá tiêu giao tháng 1/2020 đi ngang trong khoảng 33.433,35 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9 vẫn ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), thời điểm này thích hợp cho việc điều chỉnh diện tích trồng hạt tiêu, giảm từ 150.000 ha xuống 100.000 ha, trong đó mỗi tỉnh nên xác định cụ thể diện tích hạt tiêu cần duy trì, phần còn lại chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để đảm bảo sinh kế cho người nông dân.

Bên cạnh đó, ngành hạt tiêu cũng cần Nhà nước đầu tư các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế thị trường. Trong 18 ngày đầu tháng 1/2020, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm. Ngày 18/1/2020, giá hạt tiêu đen giảm từ 1,2 - 1,3% so với ngày 31/12/2019, so với ngày 18/12/2019 giảm từ 2,4 - 2,5%.

Giá hạt tiêu đen trong nước có mức thấp nhất là 39.000 đồng/kg tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Nai và tỉnh Đồng Nai; mức cao nhất là 41.500 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng ở mức 62.000 đồng/kg, giảm 4,6% so với cuối tháng 12/2019 và thấp hơn nhiều so với mức 83.000 đồng/ kg cùng kỳ năm 2019.

Nguồn: Voh.com.vn

 

 

Mít Thái miền Tây bí đầu ra  (02/02/2020)

Thị trường chủ lực Trung Quốc ngưng nhập hàng khiến giá mít Thái ở miền Tây giảm 7-10 lần vẫn rất khó bán, nông dân rất lo âu. 

Năm công mít Thái (5.000 m²) của gia đình đến kỳ thu hoạch đợt thứ nhất với sản lượng khoảng năm tấn nhưng không bán được khiến ông Nguyễn Văn Khanh, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành "đứng ngồi không yên". Thị trường Trung Quốc ngưng nhập hàng, các vựa ở địa phương ngưng hoạt động, thương lái không mua.

"Mít thu hoạch giờ chỉ bán cho các chợ và quầy sạp dọc đường với giá rất thấp; giá ngày 30/1 là 10.000 đồng mỗi kg, nay giảm còn 7.000 nhưng không ai mua", ông Khanh nói và cho biết vào thời điểm này năm ngoái, nông dân Hậu Giang bán mít với giá 50.000 - 70.000 đồng mỗi kg, thương lái lùng tới nhà đặt cọc, trả tiền trước.

Nhiều nông dân khác ở huyện Châu Thành đốn bỏ vườn cây ăn trái đặc sản như măng cụt, chôm chôm, bưởi Năm Roi... để trồng mít Thái cũng đang rất lo lắng vì đầu ra ách tắc.

"Trước đây, vào vụ cơ sở, tôi thu mua khoảng 10 tấn mít mỗi ngày. Nhưng trước Tết Nguyên đán 2020, đầu mối bên Trung Quốc thông báo ngưng nhập hàng, chờ đến khi dịch viêm phổi được khống chế nên mình phải ngưng mua vào", ông Trần Văn Thanh, chủ vựa mít ở Hậu Giang nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết, trước tình hình đột xuất này bà con nông dân cần hết sức bình tĩnh, cắt vụ, dưỡng cây. Chờ khi thị trường khôi phục trở lại thì tập trung cho mít ra trái để có sản phẩm bán.

"Hiện diện tích mít Thái quá lớn, trên 3.000 ha, tăng hơn 2.000 ha so với năm 2018 (chủ yếu ở hai huyện Châu Thành và Châu Thành A), nhưng đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc Trung Quốc", ông Hùng nói và khuyến cáo để tránh rủi ro, người dân không nên ồ ạt phá bỏ vườn cây ăn trái đặc sản chuyển qua trồng mít.

Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang..., nhiều nông dân trồng mít Thái cũng đang lo lắng vì khó tiêu thụ dù giá giảm mạnh.

Nguồn: Vnexpress

 

 

Rau củ quả tại chợ truyền thống 'neo' giá  (02/02/2020)

Ngày 1-2 (mùng 8 tết), các mặt hàng rau củ quả, trái cây, hải sản… tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM vẫn “neo” giá, chưa trở về với mặt bằng giá ngày thường.

Ghi nhanh tại một số chợ trên đường Đông Bắc, Dương Thị Mười (quận 12), chợ Phước Bình (quận 9), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)…, giá vẫn chưa hạ nhiệt. Chẳng hạn, giá khoai tây dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg (tăng khoảng 10.000 đồng/kg), cà chua từ 35.000 - 45.000 đồng/kg, quýt đường có giá 60.000 - 65.000 đồng/kg, cam canh giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, thanh long Bình Thuận có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương chợ truyền thống, thời điểm hiện tại, giá một số mặt hàng vẫn ở mức cao do lượng hàng đổ về chợ chưa nhiều, khoảng vài ngày nữa giá cả sẽ trở về bình thường.

Trong khi đó, thông tin từ các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM (Bình Điền, Hóc Môn…), lượng trái cây, rau củ quả về chợ hàng đêm vẫn đều đặn, giá bán ổn định. Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn thông tin, trái cây về chợ rạng sáng 1-2 đạt 295 tấn; rau, củ đạt 1.387 tấn; thịt heo đạt 152 tấn. Nhìn chung, giá cả thực phẩm các loại khá ổn định so với trước Tết Nguyên đán.

Đáng chú ý, trước thông tin bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona có nguy cơ lan rộng, nhu cầu mua khẩu trang, nước rửa tay, sát trùng các loại của người dân TPHCM tăng mạnh.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng

 

 

Virus corona khiến nhiều nông sản giảm giá mạnh, chờ "giải cứu"  (01/02/2020)

Thanh long, sầu riêng, mít thái…. Giảm giá mạnh do thị trường Trung Quốc tạm gián đoạn bởi dịch viêm phổi cấp từ virus corona.

Sầu riêng ở chợ Cái Bè giá giảm dần từ những phiên cận tết, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg Ngoài ra chôm chôm, vú sữa, thanh long cũng đang giảm giá mạnh mà thương lái cũng thờ ơ. Tại vườn ở Tân Phong (Tiền Giang), giá chôm chôm chỉ còn 10.000 đồng/kg trong khi trước đây ở mức 25.000-35.000 đồng/kg

“Xứ sở thanh long” Bình Thuận cũng đang vào mùa chín rộ, màu đỏ của thanh long bạt ngàn trên khắp các vườn. Nhưng nhiều nhà vườn đang điêu đứng vì thương lái đã đặt cọc hàng, nay không thể xuất sang Trung Quốc chấp nhận bỏ tiền cọc, thanh long giờ không biết tiêu thụ sao cho hết?

Người trồng thanh long vùng Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng đang đứng ngồi không yên khi mức giá thương lái đưa ra thay đổi từng giờ, giá đã đặt cọc trước tết 30.000 - 37.000 đồng/kg nay “rớt” mạnh chỉ còn 5.000 – 7.000 đồng/kg.

Mít giống Thái là loại trái cây đang thịnh vì thương lái thu mua liên tục để xuất sang Trung Quốc nhưng hiện giá chỉ còn hơn 10.000 đồng/kg mà không thương lái nào mua, trong khi trước đây phải trên 40.000 -50.000 đồng/kg.

Trước tình hình giao thương sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh từ virus corona, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp chế biến tăng cường thu mua trái cây tươi tại các tỉnh để chế biến thành các sản phẩm như nước ép, sấy khô... vừa nâng cao giá trị mặt hàng, vừa giúp nông sản có thể lưu giữ được lâu hơn.

Nhiều nông sản đang trong cảnh chờ đợi thị trường nội địa "giải cứu".

Nguồn: Voh.com.vn