CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 07/02/2020

09:00 07/02/2020

Giá bưởi da xanh giảm - Chôm chôm chín đỏ, thương lái không đến mua - Giá cá tra nguyên liệu giảm còn ở mức thấp - Giá ớt, xoài, khoai lang cũng rớt thảm do Trung Quốc ngừng thu mua - Người nuôi gà điêu đứng vì virus corona .

 

Giá bưởi da xanh giảm  (07/02/2020)

Sau Tết Nguyên đán, giá bưởi da xanh trên địa bàn huyện Lai Vung giảm nhưng nông dân vẫn có lời.

Hiện giá bưởi da xanh chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với 1 tuần trước. Ông Hà Văn Giữ ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết, giá bưởi da xanh giảm do nhu cầu tiêu thụ sau Tết Nguyên đán giảm. Đây là xu hướng chung của nhiều loại nông sản. Dự đoán, giá bưởi da xanh sẽ tăng nhẹ trở lại vào những tháng tới.

Nguồn: Báo Đồng Tháp

 

 

Chôm chôm chín đỏ, thương lái không đến mua  (07/02/2020)

Liên quan đến dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona chủng mới (nCoV), các cửa khẩu sang nước bạn Trung Quốc tạm “đóng cửa”, lượng nông sản trong nước đang vào rộ vụ mà thương lái không đến mua xuất khẩu chỉ mua cầm chừng tiêu thụ trong nước khiến giá giảm còn một nửa. Nông dân như “ngồi trên đống lửa”.

Đứng nhìn giàn tưới phun tự động trong khu vườn chôm chôm Java gần 10 công (1 công = 1.000m²) trị giá hơn 25 triệu đồng vừa được đưa vào sử dụng của gia đình, ông Nguyễn Hữu Tứ (49 tuổi, ngụ ấp Phú An 1, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) mắt đỏ hoe cho biết: Năm nay, do dịch bệnh ở Trung Quốc nên lái không đến mua chôm chôm xuất khẩu được, khiến giá xuống thấp chỉ 6.000 đ/kg, chưa bằng nửa giá của năm rồi.

“Ước vụ này vườn nhà có khoảng 20 tấn trái, hiện đang chín rộ mà không có lái đến mua. Năm rồi, giờ này hái bán không kịp rồi. Còn hồi sáng hái được 1 tấn, chỉ có 6.000 đ/kg. Nếu cứ giá này thì coi như lỗ nặng luôn mà không biết có bán được hết không nữa- ông Tứ rầu rĩ nói.

Theo ông Tứ, chỉ tính riêng tiền phân, thuốc, mủ đậy, giàn tưới là gần 100 triệu đồng, chưa tính tiền nhân công đậy mủ,…

“Mua phân thuốc gối đầu ngoài tiệm giờ bán không được thì tiền đâu mà trả cho người ta đây. Giờ lái mua vài tấn bán trong nước thôi nên mong cho mau hết dịch bệnh thôi, chứ chục ngày nữa mà không bán được cũng phải hái bỏ chứ để suy cây, không làm trái mùa sau được”- ông Tứ nói thêm.

Tương tự, anh Cao Văn Quới (39 tuổi, ngụ ấp Cống, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách- Bến Tre) cho biết, hiện 4 công vườn chôm chôm Java của nhà anh cũng đang cho trái rộ, ước khoảng 7- 8 tấn.

Thương lái đến mua được có 1 tấn với giá 7.000 đ/kg. “Họ mua cầm chừng đi bán cho các tỉnh miền ngoài thôi nên mua không nhiều. Mấy ngày tới, nếu bán không được thì cũng phải thắt bụng mà bẻ bỏ thôi”- anh Quới cho biết.

Không riêng chôm chôm, các loại trái cây khác như thanh long, mít, sầu riêng cũng đang rớt giá thê thảm do không xuất khẩu được từ ảnh hưởng dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước cho biết: Hiện xã Bình Hòa Phước có khoảng 60- 70ha chôm chôm đang cho trái.

Khoảng 70% chôm chôm của mình là xuất đi Trung Quốc, giờ không xuất đi Trung Quốc được, thị trường nội địa tiêu thụ không hết nên ảnh hưởng đến giá cả và ảnh hưởng luôn nhiều mặt hàng trái cây khác như mít, sầu riêng và thanh long nữa.

Ông nói: “Đầu tư chôm chôm nghịch vụ tốn rất nhiều chi phí nhưng giá lại thấp thế này nên mùa vụ năm này bà con lỗ chắc. Tôi hy vọng dịch bệnh này qua nhanh và mở lại cửa khẩu tiêu thụ nông sản cho người dân”.

ĐBSCL được xem là vựa trái cây của cả nước nhưng điệp khúc “trúng mùa mất giá” luôn và đang tiếp tục diễn ra. Nông dân vừa đối phó với thiên tai, hạn mặn xâm nhập đe dọa lại phải phụ thuộc vào kênh tiêu thụ chính từ Trung Quốc.

Mấy ngày trước, cửa khẩu qua Trung Quốc “đóng cửa” do ảnh hưởng của “con vi rút” corona làm cho nhà vườn ở ĐBSCL như “ngồi trên đống lửa”.

Bà con khá phấn khởi khi có tin: đã thông quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và hàng trăm xe container bị ùn ứ tại đây đã được chở nông sản qua Trung Quốc.

Nguồn: Báo Vĩnh Long

 

 

Giá cá tra nguyên liệu giảm còn ở mức thấp  (07/02/2020)

So với cách nay khoảng 1 tháng, giá cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm thêm từ 200-500 đồng/kg và đang ở mức khá thấp.

Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp..., hiện giá cá tra nguyên liệu (thịt trắng, cỡ 700-900gr/con) chỉ còn ở mức 18.000-18.500 đồng/kg, trong khi trước đó giá tại nhiều nơi còn ở mức 18.700-19.000 đồng/kg. Mức giá này đang thấp hơn khoảng 12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhiều người nuôi cá tra bị lỗ vốn từ 5.000-6.000 đồng/kg cá tra thương phẩm, do giá bán dưới giá thành sản xuất. Giá cá tra giống tại nhiều địa phương cũng đang ở mức khá thấp, với cá giống loại 30-35 con/kg ở mức chỉ từ 18.000-24.000 đồng/kg. Hiện người nuôi cá tra tiếp tục áp dụng các giải pháp: thả nuôi cá với mật độ thưa, giảm lượng thức ăn... nhằm hạn chế thua lỗ và mong giá cá tra sớm khởi sắc trở lại. Trong tình hình xuất khẩu cá tra ở một số thị trường không thuận lợi như các năm trước, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng đã quan tâm khai thác các thị trường mới và tăng.

 Nguồn: Báo Cần Thơ

 

 

Giá ớt, xoài, khoai lang cũng rớt thảm do Trung Quốc ngừng thu mua  (07/02/2020)

Gần đây, nhiều loại nông sản tại Đồng Tháp như khoai lang, ớt, xoài, thanh long,...bị rớt giá thê thảm do Trung Quốc hạn chế thu mua vì dịch bệnh do virus Corona.

Nếu như trước tết 2020, tại Đồng Tháp giá ớt được thương lái thu mua từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, thì hiện nay chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg. Theo tính toán của người trồng ớt, chi phí sản xuất, công lao động cho 1 ký ớt khoảng 15.000 đồng. Với giá bán như trên nông dân thua lỗ gần 10.000 đồng/kg.

Bà Trần Thị Mai Hoa, ấp Tân Thuận A, xã Tân Mỹ, H.Lấp Vò trồng 2.500m² ớt đang giai đoạn thu hoạch than: “Giá ớt quá rẻ nên tôi bị lỗ nặng. Thời điểm này năm rồi giá bán hơn 20 ngàn đồng/ký".

Huyện Thanh Bình có vài trăm hecta ớt hiện đang bước vào chính vụ thu hoạch, tuy nhiên do thị trường Trung Quốc không nhập ớt nên các thương lái chỉ thu mua cầm chừng để tiêu thụ nội địa. Anh Nguyễn Phước Nhờ, chủ vựa ớt Phước Nhờ ở Thị trấn Thanh Bình, H.Thanh Bình (Đồng Tháp), vừa bị thua lỗ gần 300 triệu đồng vì 3 xe container ớt không xuất qua Trung Quốc được. “Ngày 27 tết 3 xe ớt của tôi có mặt tại cửa khẩu ở Lạng Sơn nhưng chờ 10 ngày vẫn không qua cửa khẩu được. Tôi đành phải quay về Bình Định thương lượng bán được 1 xe và còn lại 2 xe vài chục tấn phải mang về Đồng Tháp phơi khô”.

Không chỉ ớt, nông dân trồng khoai lang tại Đồng Tháp cũng như ngồi trên đóng lửa do đến ngày thu hoạch mà thương lái thu mua chỉ lác đác vài người. Ông Nguyễn Văn Hai, một hộ trồng khoai ở ấp Tân Thuận, xã Tân Phú cho biết: “Toàn xã Tân Phú có 650 ha khoai, trong đó hơn 80% là giống khoai lang tím để xuất khẩu sang Trung Quốc. Mọi năm thời điểm này, ngoài đồng cảnh thu hoạch khoai vui như hội. Giờ khoai đến ngày thu hoạch nhưng gọi cho thương lái đều nói không mua hoặc thu rất nhỏ giọt”.

Thống kê toàn H.Châu Thành, diện tích trồng khoai ở 2 xã Phú Long, Tân Phú lên đến gần 1.000 ha. Giá khoai lang tím hiện nay chỉ khoảng 400.000 đồng/tạ, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự với trái xoài. Đồng Tháp có diện tích trồng xoài hơn 9.600 ha, chiếm 18% diện tích trồng xoài của toàn vùng ĐBSCL, chủ yếu sang Trung Quốc. Thế nhưng gần đây các công ty, doanh nghiệp xoài tại Đồng Tháp không nhận được đơn đặt hàng từ nước này nên việc thu mua xoài rất "nhỏ giọt".

Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp (phường 11, TP.Cao Lãnh) thông tin, các năm trước trung bình mỗi tháng đơn vị thu mua và xuất khẩu 500 tấn xoài các loại. Còn năm nay mỗi tháng chỉ xuất 100 tấn, vì không có các đơn đặt hàng từ thị trường Trung Quốc.

Khác với cảnh mua bán nhộn nhịp như các năm trước, thời điểm này các vựa xoài và công ty chuyên thu mua xoài xuất khẩu tại TP.Cao Lãnh và H.Cao Lãnh khá đìu hiu. Đến nay, nhiều công ty chuyên xuất khẩu xoài vẫn còn đóng cửa chưa hoạt động sau kỳ nghỉ tết. Một số ít công ty tiến hành thu mua, nhưng chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước nên sản lượng có hạn.

Anh Nguyễn Văn Tân, có hơn 10 công xoài ở xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới (An Giang) cho biết: “Nhiều nông dân có xoài bán nhưng kêu thương lái đến bán hoài không được. Mỗi công xoài tốn cả chục triệu đồng đầu tư, nhưng không có đầu ra nông dân rất khó khăn”.

Giá xoài tại Đồng Tháp đang giảm sâu. Trước tết, xoài Đài Loan loại 1 giá bán mỗi ký gần 20.000 đồng/kg, đến ngày 6.2 chỉ còn 8.000 đồng/kg. Giá xoài Cát chu thương lái mua tại vườn cũng chỉ 15.000 - 18.000 đồng/kg, trong khi trước tết có giá hơn 20.000 đồng/kg.

Thanh long ruột đỏ tại Đồng Tháp tuy diện tích không lớn bằng các tỉnh Tiền Giang, Long An nhưng nhà vườn cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, giá giảm giá nặng nề, từ 44.000 đồng/kg trước tết hiện nay giá chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, cho biết: "Ảnh hưởng từ dịch bệnh do virus Corona tại Trung Quốc đã tác động lớn đến tình hình tiêu thụ của một số loại nông sản của tỉnh. Ngành công thương sẽ phối hợp với các siêu thị, nhà bán lẻ giúp nông dân đưa hàng đi tiêu thụ trước đối với các loại nông sản cần tiêu thụ gấp như thanh long, ổi,...Hiện nay, Sở đang yêu cầu các huyện tổng hợp sản lượng các loại nông sản chủ lực của từng địa phương đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ để tham mưu với UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ”.

Đại diện của Siêu thị Big C khu vực phía Nam cho biết, sẽ đồng hành tiêu thụ mỗi tuần từ 15-20 tấn thành long cho nông dân Đồng Tháp, đồng thời xem xét đưa vào hệ thống siêu thị một số loại nông sản khác.

Nguồn: Báo Thanh Niên

 

 

Người nuôi gà điêu đứng vì virus corona  (07/02/2020)

Hàng trăm triệu con gà có nguy cơ phải chết vì không có thức ăn do tình hình dịch bệnh bởi nCoV.

Sau cuộc khủng hoảng thịt heo, người chăn nuôi gia cầm Trung Quốc lại rơi vào khó khăn vì sự bùng phát của nCoV. Hàng triệu con gà có thể sớm chết đói trong những ngày tới vì thức ăn không kịp vận chuyển đến chúng.

Các nhà phân tích và truyền thông nước này cho rằng, việc phong tỏa một số địa phương đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Các quy định hạn chế lưu thông đã ngăn dòng chảy thức ăn chăn nuôi cần thiết, như bột đậu tương, đến các trang trại. Khi dịch bệnh lan rộng, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều con đường, đường cao tốc và thậm chí là những chuyến buýt đường dài.

Hồi đầu tuần, công ty dịch vụ tài chính INTL FCStone cho biết, việc thiếu hụt bột đậu tương đã bắt đầu. Cùng với đó, việc sản xuất kinh doanh đình trệ càng làm cho tình hình thêm tệ.

"Đây là vấn đề lớn trong ngành chăn nuôi. Ngay cả khi một nhà máy địa phương đã hoạt động trở lại, thì vẫn sẽ lâu hơn bình thường để giao hàng, do các vấn đề hậu cần như thiếu lao động, đóng cửa đường, kiểm tra đường bộ", Darin Friedrichs, nhà phân tích hàng hóa châu Á tại công ty INTL FCStone, nhận định.

Ông Chen Chenjun Pan, nhà phân tích cao cấp tại Rabobank nói rằng, ở nhiều vùng, vấn đề vận chuyển đang tác động đến việc sản xuất thịt gà. "Dự kiến, không chỉ sản xuất quý I mà cả quý II cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông nói.

Nông dân ở Hồ Bắc - tâm điểm của dịch viêm phổi - đang ở trong tình trạng "rất khốn khổ", Hiệp hội gia cầm Hồ Bắc viết trong một lá thư gửi Hiệp hội Nông nghiệp Động vật Trung Quốc vào tuần trước.

Lá thư cho biết giao thông vận tải về cơ bản bị tê liệt. Hầu hết trang trại quy mô lớn sớm phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động. Hiệp hội Nông nghiệp Động vật Trung Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất thức ăn gửi 18.000 tấn ngô và 12.000 tấn bột đậu tương đến Hồ Bắc.

Theo Global Times, có khoảng 349 triệu con gà ở Hồ Bắc. Đây là tỉnh sản xuất gia cầm lớn thứ sáu ở Trung Quốc. Hồ Bắc cũng là nhà sản xuất trứng chủ chốt, và giết mổ khoảng 500 triệu con gia cầm mỗi năm.

Các doanh nghiệp gia cầm ở Hồ Bắc đang có nhu cầu rất lớn về thức ăn chăn nuôi, Global Times cho biết. Tờ báo này cho hay thức ăn chỉ còn đủ cho khoảng 3-5 ngày. Nông dân nói rằng hàng triệu con gà sẽ sớm chết nếu không có nguồn cung mới. Một số trang trại đối phó bằng cách giảm khẩu phần hàng ngày cho đàn gà.

Trong khi Bắc Kinh yêu cầu ngành công nghiệp chăn nuôi đẩy mạnh sản xuất để giữ vững nguồn cung và giá cả ổn định khi dịch bệnh, thì chính các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng khiến việc tăng gia sản xuất là thách thức. Sức ép này đến sau khi người chăn nuôi vừa trải qua cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi năm qua.

"Nhiều nông dân gặp thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Một số sau đó chuyển sang nuôi gia cầm, và có lợi nhuận không tốt. Bây giờ, một số có khả năng phải đối mặt với tổn thất đàn do thiếu thức ăn", ông Darin Friedrichs phân tích.

Triển vọng đối với ngành gia cầm Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng hơn nữa. Cuối tuần trước, nước này xác nhận một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở Hồ Nam. Hơn 17.000 con gà đã bị tiêu hủy. Năm 2019, Trung Quốc sản xuất 22 triệu tấn thịt gia cầm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh thiếu thịt heo.

Nguồn: CNBC/vnexpress