CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Sắc màu nông thôn mới

08:31 04/10/2019

Những đường quê sạch đẹp rợp bóng cây xanh; những bảng hiệu xã văn hóa, xã nông thôn mới… đầy tự hào căng mình trong nắng ấm; những thùng nước uống miễn phí ven đường luôn đồng hành cùng người lao động, sẵn sàng xua tan cơn khát của tầng lớp lao động nghèo; cả những thùng đựng rác được đặt dọc bờ lộ nông thôn cũng trông rất gọn gàng, sạch sẽ,… Tất cả những nét chấm phá đó đã toát nên vẻ đẹp của lòng nhân hậu, khí chất hào sảng và đức tính chăm chỉ của người dân vùng nông thôn mới An Giang.

Có được những thành tựu hôm nay, chính là nhờ An Giang nhập cuộc nhanh chủ trương phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới toàn quốc. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009), ngày 02/10/2009, An Giang đã ban hành bộ tiêu chí của tỉnh bao gồm 20 tiêu chí với 51 chỉ tiêu, trong đó, bổ sung tiêu chí về “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp” và một số chỉ tiêu về môi trường, nhà ở, lao động. Trong quá trình thực hiện, An Giang luôn cập nhật các hướng dẫn mới của trung ương, cũng như linh hoạt điều chỉnh kịp thời các tiêu chí, để phù hợp hơn với thực tiễn đời sống. Cụ thể: Ban hành Quyết định số 1036/QĐ-UBND ngày 07/6/2010 thay thế Quyết định số 2237/QĐ-UBND. Ban hành mới Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 có 19 tiêu chí, 50 chỉ tiêu (bổ sung 11 chỉ tiêu so với bộ tiêu chí theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Chính phủ).

Ngày 20/7/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh. Hưởng ứng phong trào, toàn bộ 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã tổ chức phát động thi đua. Ngày 19/10/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng đã ký quyết định số 1958/QĐ-UBND, về việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới với 20 tiêu chí, 59 chỉ tiêu (thay thế Quyết định số 1036/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2010). Bộ tiêu chí này: Là căn cứ để đánh giá thực trạng và mức độ đạt được của từng tiêu chí; Lập Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020; Là cơ sở chỉ đạo xây dựng mô hình nông thôn mới; Kiểm tra, đánh giá công nhận việc đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới; Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, sẽ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và tình hình thực tế ở địa phương. Các Sở, Ban, ngành được phân công thực hiện các tiêu chí phù hợp với lĩnh vực đang phụ trách như: (1) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 1.2, tiêu chí 8 và tiêu chí 10; (2) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 1.1 và tiêu chí 18; (3) Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 2; (4) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 3, tiêu chí 4 và tiêu chí 14; (5) Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Điện lực An Giang và Công ty Điện nước triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 5. (6) Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 6, tiêu chí 15.1, tiêu chí 15.2, tiêu chí 15.3. (7) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 7 và tiêu chí 17. (8) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bưu điện tỉnh và Viễn thông An Giang triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 9. (9) Sở Y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 16. (10) Sở Nội vụ chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 19 (cụ thể là tiêu chí 19.1 và tiêu chí 19.5). (11) Cục Thống kê tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 11. (12) Sở Lao động Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 12, tiêu chí 13 và tiêu chí 15.4. (13) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai thực hiện và hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện của các xã về tiêu chí 20.

Trên cơ sở Quyết định số 1958/QĐ-UBND, các Sở, ngành đã xúc tiến tổ chức thực hiện theo từng bước cụ thể như sau: (1) Có văn bản hướng dẫn triển khai đến huyện, xã để có cơ sở làm căn cứ lập đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020; (2) Tổ chức triển khai kế hoạch hành động thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đến huyện và đến xã. Tiến tới xây dựng đề án nông thôn mới cấp xã, cấp huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; (3) Theo dõi, cập nhật tiến độ thực hiện tiêu chí nông thôn mới, kiểm tra mức độ đạt tiêu chí ở cấp xã, kịp thời công bố mức độ đạt được tại thời điểm kiểm tra cho cấp xã biết để tiếp tục phấn đấu; đồng thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; (4) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh,.. có trách nhiệm phối hợp và thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác khác theo sự phân công của UBND tỉnh trong Chương trình Tam nông; (5) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo trong hệ thống ngành dọc đoàn thể các cấp triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cấp xã sẽ lựa chọn nhóm tiêu chí mang tính đột phá để đăng ký thi đua với huyện và tỉnh. Chủ động lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã theo hướng dẫn của ngành tỉnh. Tăng cường công tác vận động thuyết phục để nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp và hưởng thụ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Vào tháng 9 hàng năm, Ủy ban nhân dân xã tự đánh giá các tiêu chí đã thực hiện (ngoại trừ tiêu chí thu nhập), báo cáo đề xuất Ban Chỉ đạo huyện. Ban Chỉ đạo huyện phối hợp với sở, ngành phụ trách tiêu chí và Cục Thống kê tỉnh kiểm tra đánh giá, chậm nhất đến ngày 15 tháng 10 hàng năm công bố kết quả cho cấp xã biết, nếu đạt được tiêu chí nào thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có Quyết định công nhận đạt chuẩn tiêu chí đó, nếu chưa đạt thì thông báo cho cấp xã biết để tiếp tục phấn đấu.

Với sự điều hành bài bản, sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân, ngay trong giai đoạn đầu chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, An Giang đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Trong đó, điều đáng tự hào nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của An Giang được xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; thuộc nhóm điều hành “Tốt” và ổn định nhiều năm liền.

Tiếp tục phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, ngày 04/6/2012, UBND tỉnh ra Quyết định số 872/QĐ-UBND chọn 34 xã của năm 2012 (tương đương 25% số xã) thuộc các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu để tập trung chỉ đạo, hỗ trợ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hằng năm, từng giai đoạn trên cơ sở tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu của các Sở, ngành chuyên môn tỉnh và theo tình hình thực tế của địa phương. UBND huyện, thị xã, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo lộ trình, kế hoạch huyện đề ra.

10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã tạo nên những vùng nông thôn khởi sắc. Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững qua từng năm. Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nên đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sản xuất được từng bước tổ chức theo hướng liên kết. Công nghiệp, du lịch, dịch vụ luôn được đầu tư phát triển. Gắn phát triển nông thôn với đô thị. Giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Mạng lưới trường lớp được đầu tư quy mô và chất lượng. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tăng cường. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình khác ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, tôn tạo và đưa vào khai thác. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng khó khăn luôn được cải thiện.

Công tác thi đua trong xây dựng nông thôn mới ngày càng lan tỏa và đạt được kết quả đáng kích lệ. Hiện toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 01 đơn vị huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước lộ trình.

Nhiều mô hình, cách làm hay được các ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh sáng tạo, vận dụng mang lại hiệu quả cao như: Mô hình “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”; “Hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp”; Mô hình “Hội Mái ấm tình thương”; Mô hình “Bếp ăn tình thương”; Mô hình “Đội thiện nguyện xây dựng cầu”; Mô hình “Cổng rào an ninh trật tự” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Mô hình “Nông dân giỏi tham gia phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới” gắn với tiêu chí ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Mô hình ”Chiếu sáng làng quê”, do Hội Nông dân tỉnh phát động.

Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Công trình “Tuyến đường hoa”; Mô hình ”Phân loại, xử lý rác hợp vệ sinh” do Hội Phụ nữ tỉnh phát động. “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” gắn với tiêu chí an ninh trật tự được giữ vững, “Camera giám sát an ninh trật tự”;...

Công An tỉnh phát động phong trào “Tín đồ Phật giáo Hòa hảo nói không với tội phạm”. Đoàn Thanh niên tổ chức phong trào hội thi “Tuổi trẻ An Giang chung tay xây dựng nông thôn mới”; Tổ chức trồng cây tạo cảnh quang môi trường, xanh, sạch, đẹp. Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với các mô hình như: Mô hình vận động “Quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội"; “Tết Quân - Dân”; “Ấp điểm tham gia bảo hiểm y tế”; “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”,...

Đặc biệt, An Giang đi đầu cả nước về vận động mua xe cứu thương miễn phí. Người người, nhà nhà tham gia đóng góp mua xe chuyển viện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, với đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, mỗi huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ít nhất 2 đội xây dựng nhà cho người nghèo và xây cầu nông thôn thiện nguyện. Nhờ đó, chỉ trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 294 cây cầu, với tổng chiều dài 9.570m. Trong tổng kinh phí 339,85 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội chiếm 78,1% (265,44 tỷ đồng), chưa kể 61.254 ngày công do nhân dân đóng góp. Sau 10 năm thi đua xây dựng nông thôn mới, đến nay An Giang có 54/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm có thêm 7 xã đạt chuẩn, tăng 48 xã so với giai đoạn 2011 - 2015 và hoàn thành mục tiêu mà chương trình đề ra sớm hơn 1 năm so với lộ trình.

Những kết quả từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã góp phần vào tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được đảm bảo; hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy.

Những thành tựu nêu trên đã được UBND tỉnh An Giang đúc kết trong Hội nghị Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2020. Trong phần kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo: “Một là, Cần ban hành cơ chế chính sách cũng như phân bổ nguồn lực để thực hiện xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn tiếp theo sau khi đã đạt chuẩn xã nông thôn mới; Hai là, Phân bổ nguồn vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ Chương trình (vốn dự phòng năm 2020) để các địa phương triển khai các nhiệm vụ, dự án theo quy định; Ba là, Cần điều chỉnh Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg cho phù hợp theo hướng không nên quy định cứng nhắc về hệ số phân bổ vốn đầu tư phát triển cho các xã. Sớm phân bổ đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương Chương trình Nông thôn mới năm 2020; Bốn là, Sớm ban hành quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có định hướng xây dựng Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện chương trình cho giai đoạn sau. Sớm nghiên cứu và ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương định hướng nội dung thực hiện cho giai đoạn sau; Năm là, Xác định Chương trình nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và lâu dài, không có điểm dừng, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp Bộ, ngành có liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh; tránh tình trạng lấp lửng, chung chung; Sáu là, Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu, kế hoạch cụ thể; trong đó, đặc biệt chú ý công tác chỉ đạo điểm trong thi đua để tạo sự lan tỏa, nhân rộng và thúc đẩy thi đua sôi nổi.”

Kim Kiều - Trung tâm Khuyến nông An Giang