CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Châu Phong bảo tồn và phát huy nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống

07:00 09/09/2017

Nói đến các làng nghề thủ công xã Châu Phong, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến nghề dệt thổ cẩm Châu Giang, ở ấp Phũm Soài. Các nghề thủ công dần trở nên nổi tiếng nhờ đôi bàn tay cần cù khéo léo, sáng tạo của các cô gái Chăm đã tạo ra những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn phong phú khiến du khách đến tham quan khó lòng rời mắt.

 

Với nhiều nỗ lực trong công tác khôi phục và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động, nhất là ở vùng nông thôn, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, đã có nhiều đột phá quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động, quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với mục tiêu giảm nghèo bền vững và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Hiện xã Châu Phong có 3 điểm dệt thổ cẩm tập trung ấp Phủm Soài, 1 điểm đặt tại nhà chú Mohamad, 2 điểm ở tại nhà dân trong ấp. Cộng đồng người Chăm trên địa bàn chủ yếu sinh sống bằng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ như dệt, thêu, đan. Các sản phẩm gồm: Khăn choàng tắm, sà rông, vải thổ cẩm, các hàng lưu niệm như túi xách, móc khóa, balo…

 

Các sản phẩm do làng nghề sản xuất ra, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đời sống dân cư nông thôn và nhu cầu cho khách du đến tham quan, mua sắm. Giá trị các sản phẩm mang lại đã đóng góp khá quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông  thôn.

 

Chú Mohamad – Chủ cơ sở dệt thổ cẩm Châu Giang - ấp Phủm Soài cho biết, những sản phẩm dệt thổ cẩm dân tộc có nét riêng, đặc biệt ở đây có kết hợp với sắc phục dân tộc, có những hoa văn truyền thống, có khoảng từ 10 lao động làm ra sản phẩm, thu nhập họ làm theo công nhật, nếu tính lương tháng, có người gần 2 triệu rưỡi, tùy theo chuyện làm, nói chung ổn định.

 

Ngày nay, sản phẩm thổ cẩm đã có mặt trên thị trường, được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích, trung bình mỗi tháng có khoảng 300 khách đến tham quan làng nghề. Để sản phẩm độc đáo này tồn tại với thời gian, các chủ cơ sở đã chủ động làm mới sản phẩm, sáng tạo nét riêng, thu hút khách du lịch, cùng với việc kết hợp dịch vụ mới cho thấy làng nghề dệt thổ cẩm dần trở nên triển vọng trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần đưa kinh tế xã Châu phong ngày càng phát triển.

 

Là người kế thừa nghề dệt thổ cẩm đã hơn 3 đời nay và rất có tâm huyết trong việc gìn giữ nghề truyền thống, chú Mohamad bày tỏ: “Cái nghề dệt thổ cẩm cũng là nghề truyền thống, truyền đời ông đời cha, xuyên suốt mấy chục năm trời. Ngày xưa chủ yếu dệt phục vụ cộng đồng là chính. Bây giờ dệt nhiều sản phẩm khác như: Vải thổ cẩm may thành các loại túi xách, khăn rằn, sà rông làm theo nhu cầu du lịch, thường xuyên ra sản phẩm mới. Có nghĩa là lúc nào sản phẩm cũng phải đa dạng, đẹp, giá cả hợp lý, liên kết tốt với du lịch”

 

Mong muốn của các cơ sở nghề thủ công, các Ban ngành chức năng sớm ban hành hoặc cụ thể hoá các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề như chính sách thuế, cho vay vốn… Có như vậy các làng nghề truyền thống trong thời gian tới sẽ vực dậy, góp phần bảo vệ sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc.

Bích Trâm