CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 17/02/2020

09:00 17/02/2020

Khoai lang: tiêu thụ nội địa ổn định giá từ 200.000- 330.000 đ/tạ - Thanh long, dưa hấu tăng giá trở lại - Giá gà công nghiệp giảm chỉ còn một nửa - Giá thịt heo, rau tại siêu thị giảm mạnh - Lúa đông xuân trúng mùa, nhưng giá thấp .

 

Khoai lang: tiêu thụ nội địa ổn định giá từ 200.000- 330.000 đ/tạ  (17/02/2020)     

Hiện nay, trong khi giá khoai lang tím Nhật đã có dấu hiệu tăng trở lại ở mức trên 400.000 đ/tạ thì một số loại khoai lang có thị trường tiêu thụ nội địa vẫn ổn định ở mức trung bình.

Cụ thể, khoai lang sữa có giá trên 200.000 đ/tạ, khoai đỏ hay còn gọi là khoai bí đường xanh có giá 330.000 đ/tạ

và khoai trắng giấy 300.000 đ/tạ. Các loại khoai này khi thu hoạch năng suất thường đạt rất cao, từ 70- 100 tạ/công. Đặc biệt, chi phí đầu tư sản xuất cũng thấp hơn từ 4- 5 triệu đồng/công so với khoai lang tím Nhật. Với mức giá bán như hiện nay thì người trồng các loại: khoai sữa, khoai đỏ và trắng giấy thu được lợi nhuận cao hơn so với khoai lang tím Nhật.

Tuy nhiên, trong tổng số diện tích khoai lang được xuống giống thì các loại khoai này chỉ chiếm trên 10% cơ cấu giống.

Nguồn: Báo Vĩnh Long

 

 

Thanh long, dưa hấu tăng giá trở lại  (17/02/2020)

Sau một thời gian giá rớt thê thảm, rẻ như cho vì dịch Covid-2019, những ngày gần đây giá các mặt hàng trái cây như dưa hấu, thanh long, chôm chôm,... đã hồi phục, tăng mạnh trở lại.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trương Quan An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết: “Giá thanh long đã phục hồi trở lại.

Khoảng 3-4 ngày gần đây, thanh long ruột đỏ tại địa phương được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg”.

Sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thanh long ở Châu Thành không xuất khẩu được sang Trung Quốc khiến giá sụt giảm mạnh, chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg mà vẫn có rất ít thương lái gom mua.

Song, ông An cho hay mấy ngày gần đây, thương lái bắt đầu quay lại thu mua nhiều hơn, thanh long cũng được xuất bán vào các siêu thị với lượng lớn.

Nhờ đó, hàng tồn đọng trên cửa khẩu đã được làm thủ tục thông quan sang Trung Quốc, kéo theo giá thanh long tăng mạnh trở lại.

Tuy không được mức giá cao như trước Tết, song ông An cũng phấn khởi vì với giá bán hiện tại người trồng thanh long đã hoà gốc, thậm chí vườn nào cho sản lượng cao ở vụ thanh long chòng đèn này còn lãi khoảng 1.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc HTX Thanh Long Hội Quán, thông báo, khoảng một  tuần trở lại đây giá thanh long bắt đầu tăng.

Thương lái đến tận vườn mua thanh long với giá dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000-5.000 đồng so với tuần trước.

Tương tự, mặt hàng ớt ở huyện Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự ở tỉnh Đồng Tháp cũng có chiều hướng tăng mạnh trở lại. Giá ớt từ 6.000 đồng/kg nay tăng lên 12.000-13.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), cũng vui mừng cho hay, hiện giá chôm chôm Java được thu mua tại vườn từ 12.000-13.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với rộ vụ vào hai tuần trước.

Chôm chôm đường hiện có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg và chôm chôm Thái khoảng 25.000 đồng/kg.

Theo ông Nhân, chôm chôm Java đang vào cuối vụ, sản lượng ít khiến giá tăng trở lại và được thương lái thu mua bán trong nước.

Tại Gia Lai, sau thời gian giá dưa hấu giảm còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn bế tắc đầu ra vì dịch Covib-19 khiến mặt hàng này không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, nay giá cũng phục hồi trở lại.

Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa (Gia Lai), hiện đã có thương lái quay trở lại thu mua dưa cho bà con. Giá dưa được thu mua tại cánh đồng vào khoảng hơn 3.000 đồng/kg, tức tăng gấp đôi so với tuần trước.

Theo một chuyên gia trong ngành, giá trái cây tăng mạnh trở lại do hàng hoá không còn ứ đọng tại các cửa khẩu mà được xuất sang Trung Quốc, dù chưa nhiều như trước. Trong khi đó, một lượng rất lớn các loại trái cây đang được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Thực tế, những ngày gần đây, để giải cứu trái cây bị ùn ứ do không xuất được sang Trung Quốc, các hệ thông siêu thị lớn ở nước ta quyết định đẩy mạnh thu mua hàng chục ngàn tấn thanh long, dưa hấu nhằm giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng tích cực mua trái cây sau đó phát miễn phí cho người dân nhằm chung tay “giải cứu” mặt hàng này.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông báo tin vui là hiện nay đã hết cảnh ùn tắc tại cửa khẩu, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã được thông quan.

"Ngày 13/2, tại cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai), hơn 100 xe nông sản đã được làm thủ tục thông quan. Nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã được giải quyết thông quan hết", ông Tiến cho hay.

Tại Lạng Sơn, mới có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thông quan trở lại, các cửa khẩu phụ vẫn đóng. Song, trung bình mỗi ngày cửa khẩu Hữu Nghị thông quan được khoảng 50-60 xe container hàng nông sản nên không còn tình trạng ùn tắc như mấy ngày trước.

 Nguồn: Vietnamnet

 

 

Giá gà công nghiệp giảm chỉ còn một nửa  (16/02/2020)

Giá gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi đang rớt thê thảm, từ 26.000 đồng/kg trước tết, nay chỉ còn 12.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá gà trắng nuôi công nghiệp tại các trại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu từ sau tết chỉ còn 21.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn trước tết 4.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, đến hôm nay (16.2), giá gà trắng giảm chỉ còn một nửa, từ 12.000 - 13.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong nhiều năm gần đây với loại gà 2 - 2,6 kg; với loại gà nuôi quá lứa, to trên 3 kg, giá còn thấp hơn, chưa tới 10.000 đồng/kg.

Sáng 16.2, giá gà ta chưa làm bán tại chợ truyền thống vẫn còn khá cao, từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, thấp hơn thời điểm trước tết từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Gà công nghiệp bán tại chợ giá khoảng 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà ta làm rồi trong siêu thị giá từ 99.000 - 134.000 đồng/kg, gà công nghiệp từ 60.000 đồng/kg, gà thả vườn 85.000 đồng/kg.

Tại một số siêu thị ở TPHCM, giá gà ta còn cao hơn,  dao động từ 99.000 - 134.000 đồng/kg, gà thả vườn 70.000 - 85.000 đồng/kg, gà công nghiệp khoảng 60.000 đồng/kg.

Cụ thể giá từng loại sản phẩm như cánh gà 86.000 - 89.000 đồng/kg, lòng gà 55.000 đồng/kg, má đùi gà 46.000 - 50.000 đồng/kg, đùi tỏi gà 77.000 đồng/kg, đùi gà góc tư 58.000 - 60.000 đồng/kg chân gà: 49.900 - 51.000 đồng/kg, còn gà kiến 133.900 đồng/kg.

 Riêng gà đông lạnh nhập theo container vẫn được giữ nguyên giá so thời điểm trước tết là 73.000 đồng/kg cánh gà đông lạnh và 37.500 đồng/kg đùi tỏi gà Mỹ đông lạnh.

Giá gà công nghiệp giảm được lý giải do dịch Covid-19, các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học... giảm mạnh công suất, khiến cung giảm sâu. Ngoài ra, thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại cũng khiến giá gà rớt thảm hại.

Người chăn nuôi khó chồng khó khi dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rình rập, dịch cúm gà đã xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng. Nhiều dự báo cho thấy, giá gia cầm sẽ tiếp tục hạ trong tuần tới.

Nguồn: Thanh niên

 

 

Giá thịt heo, rau tại siêu thị giảm mạnh  (16/02/2020)

Giá thực phẩm, rau củ trong siêu thị đã giảm với số lượng nhiều hơn trước.

Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, giá thịt heo một số loại đang giảm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Chẳng hạn thịt heo xay từ 159.000 đồng/kg xuống 143.100 đồng/kg, nạc dăm từ 161.000 đồng/kg xuống 144.900 đồng/kg, sườn non từ 280.000 đồng/kg xuống còn 238.000 đồng/kg, xương đuôi heo từ 115.000 đồng/kg xuống còn 97.800 đồng/kg, chân giò heo từ 128.000 đồng/kg xuống còn 108.800 đồng/kg, dựng heo từ 135.000 đồng/kg xuống còn 114.800 đồng/kg… Một số sản phẩm thịt heo bình ổn giá ở mức thấp như nạc đùi heo 161.000 đồng/kg, thịt cốt lết 138.000 đồng/kg, ba rọi heo 145.000 đồng/kg…

Trong khi đó, thịt heo của các cửa hàng bên ngoài  có giá cao hơn từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Một cửa hàng bán thịt tươi trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.10, TP.HCM rao bán thịt heo sạch nuôi rau, mới mổ với giá thịt ba rọi 250.000 đồng/kg, sườn non 240.000 đồng/kg, nạc đầu rồng 210.000 đồng/kg, thịt đùi, nạc xay 210.000 đồng/kg, chân giò 170.000 đồng/kg…

Ngoài mặt hàng thịt heo, giá nhiều loại rau củ tại Co.op Mart cũng giảm hơn so với tuần trước từ 500 - 5.000 đồng/kg. Chẳng hạn cải coron còn 21.500 đồng/kg, bầu còn 16.500 - 18.900 đồng/kg, khoai lang còn 21.500 đồng/kg, khoai sọ còn 29.500 đồng/kg, bí đỏ tròn còn 12.900 đồng/kg, bắp cải trắng còn 11.200 đồng/kg, bắp cải thảo còn 16.500 đồng/kg, mồng tơi còn 8.200 đồng/kg, rau dền còn 8.500 đồng/kg… Số lượng hàng hóa giảm giá trên các quầy kệ tuần này nhiều hơn so với tuần trước, kể cả lượt khách đi siêu thị cũng tăng hơn.

Theo người giữ xe ở siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), từ khi dịch Covid-19 diễn ra, lượng khách đi siêu thị giảm đi. Mấy tuần gần đây vắng hơn trước, lượng xe đông lên được chút vào thứ bảy và chủ nhật.

Nguồn: Báo Thanh Niên

 

 

Lúa đông xuân trúng mùa, nhưng giá thấp  (15/02/2020)    

Vào thời điểm này, lúa đông xuân gieo sạ sớm nhiều nơi trên địa bàn thành phố đã bắt đầu thu hoạch, với năng suất lúa đạt rất cao, nhà nông có lời, nhưng giá đang xuống thấp...

Qua tuần đầu của tháng 2-2020, hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân 2019-2020 tại các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... được thu hoạch. Nông dân cho biết, năng suất lúa đông xuân đạt từ 1-1,1 tấn/công (1.300m2), cao hơn từ 200-400 kg/công so với vụ đông xuân năm trước. Còn theo thống kê và tính toán của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, năng suất nhiều diện tích lúa đông xuân thu hoạch đầu vụ ước đạt 7,1-7,2 tấn/ha (10.000m2), cao hơn từ 0,1-0,2 tấn/ha so cùng kỳ năm trước.

Anh Nguyễn Văn Thư, ngụ khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “10 công lúa OM 5451 vụ đông xuân này, năng suất đạt 1,1 tấn/công tầm lớn, cao hơn 300 kg/công so với vụ đông xuân năm trước. Lúa tươi bán ngay tại ruộng với giá 4.600 đồng/kg, mức giá này tương đương so với cùng kỳ. Giá bán lúa không cao nhưng nhờ trúng mùa và nhẹ chi phí chăm sóc lúa do thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên mỗi công lúa tôi có thể kiếm lời 3 triệu đồng, cao gấp đôi so với năm trước”. Ông Lê Thanh Phong ngụ phường Thuận An, quận Thốt Nốt, cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, 20 công lúa của tôi cũng sạ giống Đài Thơm 8 nhưng năng suất lúa chỉ đạt gần 0,8 tấn/công, còn vụ  này đạt tới 1 tấn/công, bán được giá 4.800 đồng/kg, tính ra tôi có lời hơn 3 triệu đồng/công”.  Theo anh La Bá Đại ở ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, 10 công lúa sạ giống IR 50404 trong vụ đông xuân 2019-2020 của gia đình anh đã được thu hoạch với năng suất đạt khá cao, 1 tấn lúa tươi/công, cao hơn 250 kg/công so với vụ đông xuân năm trước. Giá lúa tươi IR 50404 bán ngay tại ruộng ở mức 4.400 đồng/kg, trừ đi chi phí, tính ra vụ này anh có lời bình quân 2 triệu đồng/công.

Nông dân cho biết, vụ này chi phí sản xuất lúa tương đối thấp do các điều kiện thời tiết, lúa ít bị các loại sâu bệnh và dịch hại nên nông dân giảm lượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí bơm tưới nước. Đồng thời, nông dân cũng giảm được giá thành sản xuất nhờ xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy trên từng cánh đồng, thực hiện tưới, tiêu nước tập thể và tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vụ này, trời nắng, đồng ruộng khô ráo và lúa ít bị đổ ngã, rất thuận lợi cho thu hoạch bằng máy, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hầu hết các diện tích lúa đông xuân đều thu hoạch nhanh gọn bằng máy gặt đập liên hợp, với giá thuê máy phổ biến từ 270.000-300.000 đồng/công. Ngoài ra, thương lái đến tận ruộng thu mua lúa tươi giúp nông dân giảm được thất thoát trong phơi sấy và bảo quản lúa.

Vụ này lúa trúng mùa nhưng đa phần nhà nông dân kém vui vì giá lúa ở mức tương đối thấp. Đặc biệt, đối với những hộ dân có lúa chưa thu hoạch tỏ ra lo lắng do giá lúa đang có chiều hướng giảm, làm ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều nông dân.

Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020 (cách nay khoảng 3 tuần), giá lúa tươi IR 50404 ở mức 4.600-4.700 đồng/kg, nhưng nay giá giảm xuống chỉ còn 4.400-4.500 đồng/kg. Trong đó, giá 4.500 đồng/kg là đối với những nông dân đã nhận tiền cọc bán lúa từ trước, chứ giá mua hiện nay thấp hơn. Tương tự, giá nhiều loại lúa hạt dài OM và lúa thơm: Đài Thơm 8, Jasmine 85, RVT… cũng giảm ít nhất từ 200-300 đồng/kg so với trước. Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận: Hậu Giang, Vĩnh Long… các loại lúa tươi: OM 9577, OM 9582, OM 6976, OM 5451… có giá từ 4.500-4.800 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 và Jasmine 85 từ 4.800-5.100 đồng/kg. Giá lúa giảm do gần đây đầu ra xuất khẩu có phần chậm và nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới nên còn hạn chế trong việc đẩy mạnh thu mua lúa gạo, cũng như chậm thu mua so với cùng kỳ các năm trước.

Nông dân rất lo về khả năng giá lúa có thể còn giảm tiếp trong thời gian tới do nguồn cung tăng vì nhiều địa phương bước vào thu hoạch rộ. Ông Nguyễn Văn Châu, nông dân ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Qua nhiều năm cho thấy, giá lúa thường giảm khi bước vào vụ thu hoạch rộ do năng lực thu mua của tiểu thương và doanh nghiệp hạn chế, nhất là trong điều kiện lúa được thu hoạch tập trung, đồng loạt tại nhiều nơi. Giá giảm ít thì đỡ chứ giảm nhiều thì dù thương lái đã đặt cọc tiền mua lúa từ trước với giá cao, cũng đòi hạ giá xuống. Thương lái thường chỉ đặt cọc khoảng 200.000-300.000 đồng/công lúa nên có thể bỏ tiền cọc nếu nông dân không chịu giảm giá. Nông dân rất cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng để giữ giá lúa ở mức đảm bảo cho người nông dân có lời”.  Theo bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, vụ này lúa trúng mùa nhưng giá lúa thấp nên nông dân kém vui. Đến ngày 7-2-2020, quận Thốt Nốt đã thu hoạch được 2.400/4.800ha lúa đông xuân, với năng suất ước đạt 7,1-7,2 tấn/ha. Đông xuân là vụ lúa cho chất lượng gạo rất tốt nên các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa để có nguồn gạo chất lượng phục vụ cho việc kinh doanh, lúa được tiêu thụ kịp thời.

Diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch còn rất lớn, nhà nông đang lo giá cả có thể xuống thấp. Ngoài ra, thời tiết còn diễn biến rất phức tạp, khó đoán, mưa trái mùa có thể xảy ra làm lúa bị đổ ngã, hư hại, giảm năng xuất, khó thu hoạch.  Do vậy, các cấp, các ngành chức năng cần hỗ trợ, có chính sách riêng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo vừa đảm bảo thu mua hết lượng lúa hàng hóa trong dân, ngăn tình trạng giảm giá thu mua lúa, đảm bảo nông dân có lời.

Nguồn: Báo Cần Thơ