CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 05/02/2020

09:00 05/02/2020

Chôm chôm 6000 đồng một ký vẫn không có thương lái đến mua - Bán 1 sào rau, mua 4 chỉ vàng - Người trồng mít Thái tổn thất nặng - Dưa hấu rớt giá thảm, có nơi chỉ còn 1.000 đồng/kg vì mối lo virus nCoV - Công ty Trung Quốc đặt 500 container thanh long 50.000 đồng/kg, nay hủy hoặc chỉ trả 5.000 đồng - Giá heo hơi Miền Bắc và Nam bất ngờ tăng 4.000 đồng/kg

 

Chôm chôm 6000 đồng một ký vẫn không có thương lái đến mua  (05/02/2020)

Do ảnh hưởng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, các cửa khẩu sang Trung Quốc tạm đóng cửa khiến nhiều vườn chôm ở miền Tây chín đỏ nhưng không có thương lái đến mua, nhà vườn như “ngồi trên đống lửa”.

Đứng nhìn dàn tưới phun tự động trị giá hơn 25 triệu đồng vừa được đưa vào sử dụng trong vườn chôm chôm Java rộng gần 1 ha của gia đình, ông Nguyễn Hữu Tứ (49 tuổi, ngụ ấp Phú An 1, xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán nên thương lái không đến mua chôm chôm xuất khẩu, khiến giá xuống thấp thê thảm. “Năm rồi, thời điểm này là hái bán không kịp. Còn bây giờ thương lái không mua, chỉ tiêu thụ cầm chừng trong nước nên giá có 6.000 đồng/kg, bằng phân nửa năm rồi. Nhà vườn coi như lỗ nặng luôn”, ông Tứ mắt đỏ hoe nói.

Ông Tứ cho biết chưa tính tiền nhân công, chỉ riêng tiền phân, thuốc, mủ đậy, dàn tưới đã gần 100 triệu đồng. Ông mua phân thuốc gối đầu ngoài cửa hàng vật tư, giờ chôm chôm bán không được thì không biết lấy đâu ra tiền trả nợ cho người ta. “Giờ thương lái chỉ mua vài tấn để bán trong nước thôi. Khoảng chục ngày nữa mà không bán được cũng phải hái bỏ hết chứ để suy cây”, ông Tứ nói thêm.

Tương tự, anh Cao Văn Quới (39 tuổi, ngụ ấp Cống, xã Phú Phụng, H.Chợ Lách, Bến Tre) cho biết hiện 4 công vườn chôm chôm Java của anh cũng đang cho trái rộ, ước khoảng 7 - 8 tấn. Sáng 4.2, thương lái đến mua được có 1 tấn với giá 7.000 đồng/kg. “Họ mua cầm chừng đi bán cho các tỉnh miền ngoài nên mua không nhiều. Mấy ngày tới bán không được thì tôi phải thắt bụng bẻ bỏ thôi”, anh Quới cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước (H.Long Hồ, Vĩnh Long), cho biết toàn xã Bình Hòa Phước có khoảng 60 - 70 ha chôm chôm đang cho trái. Nguyên nhân khiến chôm chôm tụt giá do dịch bệnh corona, chôm chôm không xuất đi Trung Quốc được. “Hiện khoảng 70% chôm chôm của mình là xuất đi Trung Quốc. Giờ không xuất được, thị trường nội địa tiêu thụ không hết nên ảnh hưởng đến giá cả và ảnh hưởng luôn nhiều mặt hàng trái cây khác như mít, sầu riêng và thanh long. Đầu tư chôm chôm nghịch vụ tốn rất nhiều chi phí nhưng giá thấp thế này nên mùa vụ năm này bà con lỗ chắc. Tôi hy vọng dịch bệnh này qua nhanh và mở lại cửa khẩu để tiêu thụ nông sản cho người dân”, ông Nhân chia sẻ.

Nguồn: Báo Thanh Niên

 

 

Bán 1 sào rau, mua 4 chỉ vàng  (05/02/2020)

Khoảng 1 tháng nay, giá rau xanh các loại tại vùng chuyên canh Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) được thương lái thu mua với giá cao chưa từng có.

Nhiều hộ dân bỏ túi gần 20 triệu đồng cho mỗi sào sau 2 tháng xuống giống. 

Ông Trần Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết, đã từ rất lâu, giá rau của địa phương mới lên cao và kéo dài như hiện nay. Cả trước, trong và sau tết Nguyên đán, hầu hết các mặt hàng rau đều tăng giá. Riêng cải thảo tăng đột biến, giá gấp nhiều lần so với mọi năm.

Toàn xã Văn Đức có 2.000 hộ thì có khoảng 1.700 hộ tham gia sản xuất rau chuyên canh. Tổng diện tích rau của xã Văn Đức khoảng 220 ha. Mới đây, xã này tiến hành công tác dồn điền đổi thửa, mỗi khẩu được 500 m2 đất.

Tính trung bình, mỗi năm, 1 ha đất của Văn Đức “đẻ” ra khoảng 500 triệu đồng từ việc sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng rau nói riêng. Riêng vụ rau 2019 tới nay, người dân Văn Đức trúng lớn vì được cả mùa lẫn giá.

Anh Chử Văn Đông ở thôn Chử Xá cho biết, gia đình đang trồng 1,3 mẫu rau. Trong đó, có khoảng 8 sào cải thảo, còn lại là ớt. Đầu tháng 12 âm lịch, giá cải thảo trung bình khoảng 4 – 5 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, từ ngày 20 tháng Chạp cho tới tết Nguyên đán, cải thảo nhảy vọt lên mức 12 nghìn đồng/kg. Mức giá này liên tục được giữ trong vòng 20 ngày qua.

Ngoài trồng rau, anh Đông còn tham gia làm đầu mối, thu mua cho người dân trong xã xuất đi nhiều nơi. Trung bình, mỗi ngày anh Đông thu mua xô 2,5 tấn rau.

Theo anh Đông, giá rau năm nay cao đột biến là do sản lượng sụt giảm. “Vài năm nay, một số vùng rau có tình trạng người dân bỏ trồng do đầu ra, giá cả bấp bênh. Đặc biệt là đợt tết vừa rồi, nhiều vùng có mưa to, mưa đá, rau màu cũng bị ảnh hưởng nên chuyện giá tăng cao là khó tránh khỏi”, anh Đông phân tích.

Mỗi năm, Văn Đức xuất ra thị trường từ 30 – 40 nghìn tấn rau các loại. Rau Văn Đức len lỏi đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tại Hà Nội, ngoài các chợ đầu mối, nhiều siêu thị lớn như Metro, AEON Mall cũng ký hợp đồng nhập rau về cung ứng.

Bà Vũ Thị Luyến, trồng 7 sào rau cải thảo, cải bắp, súp lơ… Theo bà Luyến, có những thời điểm, giá cải thảo tụt xuống mức 2 nghìn đồng/kg. Ruộng nào bán được mức 4 – 5 nghìn đồng là phấn khởi lắm rồi.

Không ai ngờ, giá rau thu mua tại vườn lại tăng lên mức 12 nghìn đồng/kg, kéo dài nhiều ngày qua.

Do dịp giáp tết thiếu lao động, bà Luyến bán non 1 sào cải thảo cho thương lái với giá xô tại ruộng là 7 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, dù bán non, vẫn cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng.

“Sắp tới nhà tôi còn 3 sào cải thảo cho thu hoạch, mong là giá vẫn giữ được như hiện nay”, bà Luyến khấp khởi.

Cải thảo là loại dễ trồng, đầu tư ít, thời gian cho thu hoạch ngắn (2 tháng) nên đang là loại rau đem lại thu nhập đầu bảng của người dân Văn Đức.

Với mức giá kỷ lục hiện nay, mỗi sào cải thảo, người dân thu về khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí (3 triệu đồng/sào), người trồng vẫn bỏ túi 17 triệu đồng.

So với giá vàng hiện nay (4,5 triệu đồng/chỉ), người dân Văn Đức bán mỗi sào rau mua được gần 4 chỉ vàng. 

Ông Trần Xuân Điệu cho hay, nghề trồng rau của địa phương đã hình thành từ những năm 1960 và ổn định tới ngày nay. Nằm ven sông Hồng, đất phì nhiêu nên giá đất nền, đất canh tác ở Văn Đức tương đối đắt đỏ. Người dân thuê lại của nhau để trồng rau dao động từ 3 – 5 triệu đồng/sào, thậm chí là hơn. Đấy là lý do vì sao, không có doanh nghiệp nào đủ sức thuê đất trồng rau ngoài người dân bản địa.

Bà Đinh Thị Luyến, Phó Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, thị trường, giá cả mặt hàng rau dịp này có nhiều biến động, đảo lộn quy luật.

Chung nhận định với người dân, bà Luyến cho rằng, giá rau tăng cao một phần lớn là do sản lượng cung ứng sụt giảm. Thời tiết rét đậm, hại kèm mưa kéo dài khiến rau sinh trưởng chậm dẫn đến giảm năng suất.

Ngay trong đợt tết vừa qua, không đâu xa, ngay tại vùng rau Đặng Xá (Gia Lâm), mưa đá xảy ra khiến nhiều diện tích bị thiệt hại. Lượng rau cung ứng ra thị trường vì thế không dồi dào như mọi năm.

Bà Luyến tính toán, riêng tại Văn Đức, thị trường đang điều tiết giá thu mua rau của người dân ở mức chưa từng có. Trong hơn 200ha rau của Văn Đức, có tới hơn 100ha cải thảo.

Trong khi, đây lại là loại rau được thu mua với mức giá cao nhất hiện nay. Một số loại rau khác như bắp cải, cà chua, súp lơ cũng tăng giá nhẹ so với cùng kỳ mọi năm.

Những năm qua, cải thảo Văn Đức được nhiều doanh nghiệp săn đón, xuất khẩu đi Đài Loan, Hàn Quốc để làm kim chi. Đó là khi rau rớt giá, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn thu mua cho người dân ở mức 4 – 5 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay, cả tháng qua, không có doanh nghiệp nào “bén mảng” về Văn Đức tìm mua rau xuất khẩu.

Theo bà Luyến, vấn đề quan trọng nhất hiện này là hướng dẫn, giám sát bà con sản xuất đúng rau đúng theo tiêu chuẩn an toàn. Dù lợi nhuận cao, nhưng không vì thế, để người dân bất chấp sản xuất, phải đặt tiêu chí chất lượng, sức khỏe người tiêu dùng là số một. Và cũng vì, thương hiệu rau an toàn Văn Đức xây dựng mấy chục năm qua là không hề dễ dàng.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Người trồng mít Thái tổn thất nặng  (05/02/2020)

Nguyên nhân do phía thương lái Trung Quốc không mua hàng.

Trước Tết Nguyên đán, giá mít Thái trên thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu cao từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, nhưng từ sau tết đến nay, thương lái chỉ thu mua với giá từ 4.000 đến 7.000 đồng/kg, lại rất khó tiêu thụ.

Anh Nguyễn Thật, có 1,2ha trồng hơn 420 gốc mít Thái tại ấp Sông Xoài 1, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, năm nay vườn mít của gia đình anh ước thu khoảng hơn 30 tấn trái, hiện nay vườn mít anh còn khoảng 4 - 5 tấn chưa bán, trước Tết thương lái thu mua mít giá loại 1 là 40.000 đồng/kg, loại 2 là 30.000 đồng/kg, loại 3 là 18.000 đồng/kg, còn loại bán chợ giá là 10.000 đồng/kg; trong đó, vườn của gia đình anh chủ yếu là mít loại 1, bán rất được giá.

Nếu như giá mít giữ ổn định như trước tết, dự kiến anh Thật thu về khoảng trên 500 triệu đồng. Thế nhưng, mít Thái đột ngột rớt giá chỉ còn 7.000 đồng/kg khiến anh thiệt hại trên 100 triệu đồng. Giá mít giảm xuống thấp, nhưng nhiều lần gọi thương lái cũng không vào vườn cắt.

Còn anh Phạm Quang Thanh, thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức cũng đang “khóc dở” với vườn mít hơn 1ha đang đến kỳ thu hoạch mà không bán được. Trước tết, thương lái cũng thu mua mít vườn nhà anh giá cao nhất là 40.000 đồng/kg, loại thấp nhất cũng là 10.000 đồng/kg, anh đã bán được khoảng 5 tấn và thu về hơn 50 triệu đồng. Hiện, vườn của anh cũng đến kỳ xuất bán khoảng 4 - 5 tấn nữa.

Tuy nhiên, ngay sau tết, thương lái tới vườn của gia đình anh thu mua với số lượng rất ít, vì họ chỉ lựa quả chín, không lấy quả xanh và chỉ mua với giá 4.000 - 5.000 ngàn đồng/kg.

Do 3 năm liên tiếp giá mít liên tục tăng cao nên nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục mở rộng diện tích, chủ yếu là mít Thái siêu sớm; trong đó, chủ yếu diện tích mít nằm trên địa bàn huyện Châu Đức. Hiện nay, toàn tỉnh có là 541ha, diện tích đang cho thu hoạch là 423ha, trong đó, riêng huyện Châu Đức đã là 348ha tập trung ở các xã như Suối Rao, Suối Nghệ, Xà Bang, Nghĩa Thành…

Trước tình hình giá mít rớt xuống thấp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức khuyến cáo người trồng mít cần giữ nguyên diện tích mít cần chăm sóc, chờ giá tăng trở lại, không nên thấy giá mít rớt xuống thấp mà đã vội bỏ bê vườn không chăm sóc, hoặc chặt bỏ để chuyển qua trồng loại cây khác.

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn huyện cần bám sát quy hoạch của ngành nông nghiệp, của tỉnh để phát triển diện tích mít sao cho phù hợp tránh tình trạng trồng ồ ạt, sau đó rớt giá lại chặt ồ ạt.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Dưa hấu rớt giá thảm, có nơi chỉ còn 1.000 đồng/kg vì mối lo virus nCoV  (05/02/2020)

500 container được doanh nghiệp Trung Quốc đặt hàng, giá 40-50 nghìn, nay hạ còn 4-5 nghìn/kg; Dưa hấu có nơi còn chỉ 1 nghìn đồng/kg vì mối lo dịch bệnh do virus nCoV.

Nếu như trong tháng 1/2020 giá trị xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm 14% thì hiện đã gần như tê liệt khi các biên giới đóng cửa.

Theo nhận định, việc đóng cửa khẩu biên giới sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất tới thanh long, dưa hấu bởi đây là hai mặt hàng chếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc.

Đại điện cho “vựa” thanh long lớn nhất cả nước, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nêu thực trạng: Diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320 nghìn tấn.

Tính từ tháng 1/2020 đến cuối tháng 2/2020, thu hái khoảng 30 nghìn tấn, trong đó 2 nghìn tấn đang tồn kho và cuối tháng 2/2020 thu hoạch 28 nghìn tấn. Nếu tính về cơ sở chế biến, thu mua thì tỉnh Long An có 154 cơ sở và 100 cơ sở có kho lạnh, trung bình chứa được 50 tấn/kho, tương đương sức chứa là 7-8 nghìn tấn. Như vậy, tính đến cuối tháng 2 vẫn còn tồn 29.000 tấn thanh long nếu không được thu mua.

Cũng theo ông Cảnh, tính từ tháng 1 đến nay, phía Trung Quốc dừng thu mua thanh long khiến 2 DN thu mua lớn là công ty Hồng Thái Dương và Phú Quý đã hủy 500 container thanh long với giá 40-50 nghìn đồng/kg theo hợp đồng đã ký trước đó với nông dân, đổi lại ra giá thu mua mới chỉ từ 4-5 nghìn đồng/kg. Nếu xét về giá, thì mỗi cân thanh long doanh nghiệp bị thiệt hại 35-45 nghìn đồng, tương đương với mức 35-45 triệu/tấn.

“Dịch bệnh do virus Corona không biết bao giờ mới chấm dứt, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; Quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản; Riêng Bộ Công thương cần hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”, ông Nguyễn Đình Tùng - Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

“Đơn hàng 20 tấn thanh long để xuất đi Trung Quốc bị hủy, gây thiết hại gần tỷ đồng, chưa kể phải chuyển từ Lạng Sơn về mất nhiều chi phí, cộng thêm phần lớn bị hư hỏng và còn khâu bảo quản…

Giờ chỉ nhìn vào chính sách hỗ trợ của nhà nước chứ chúng tôi không có cách nào khi thanh long đang vào vụ thu hoạch hơn nữa cũng không thể tìm kiếm thị trường khác ngay được”, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Tuấn Hồng cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Dịch viêm phổi cấp do virus Corona ngay lập tức đã khiến nhóm DN xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt. Đơn cử như sầu riêng, từ mức giá đạt 70 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 40 nghìn đồng/kg; Thanh long chỉ còn 3-4 nghìn đồng/kg; Dưa hấu cá biệt có nơi chỉ còn 1 nghìn đồng/kg... Nghiêm trọng hơn là đơn xuất khẩu đều bị hủy bỏ không biết bao giờ mới đàm phán lại.

Theo ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, kể từ mồng 1 Tết đến nay, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới nên hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. “Tới nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc thông quan bên phía Trung Quốc nên tất cả các xe vẫn phải chờ thông quan, rất dễ hỏng hàng hóa, tốn kém chi phí…”, ông Trưởng cho biết

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, không riêng gì hoa quả, các mặt hàng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thị trường Trung Quốc lâu nay vẫn chiếm chủ đạo. Nhìn lại quý I/2019, xuất khẩu tôm, cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đều giảm khiến tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5% so với 2018, chỉ đạt 239 triệu USD.

Trước tình cảnh trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cơ quan chức năng cần rà soát lại khối lượng nông sản, các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc từng tháng một, từ nay cho đến cuối năm, để ra kịch bản tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Tiếp đến, một giải pháp tối ưu nhất được ưu tiên là tổ chức tăng cường tiêu thụ nội địa bằng việc đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến và vùng nguyên liệu để giảm bớt xuất khẩu tươi, nhằm bảo quản tốt hơn.

Ngoài ra, yêu cầu ngành hàng logistic rà soát các kho dự trự đông lạnh để đưa một số mặt hàng vào lưu trữ nhằm kéo dài thời gian phân phối thương mại. “Ngay trong tháng này, Bộ sẽ cử cán bộ sang tìm hiểu xúc tiến tại các thị trường như Dubai, Nhật Bản, Brazil... vì chiến lược dài hạn”, ông Cường cho biết.

Qua đây, Bộ Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội chung tay vào cuộc để giúp nông sản vượt qua khó khăn.

Đáp lại, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Central Retail khẳng định: Siêu thị Big C luôn đồng hành trong việc hỗ trợ nông sản Việt, đặc biệt là trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Corona. Theo bà Phương, hiện siêu thị đang hỗ trợ tiêu thụ 2 mặt hàng là dưa hấu và thanh long với mức giá thu mua lần lượt là 6 nghìn đồng/kg và 14 nghìn đồng/kg.

“Để có chiến lược thu mua lâu dài khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, siêu thị đã đề xuất Bộ Công thương cung cấp danh sách và số lượng dự kiến hàng hóa xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ để chủ động trong kế hoạch ngân sách cho chiến lược maketting nhằm quảng bá, thu mua hàng hóa với số lượng nhiều nhất có thể để giảm gánh nặng cho người dân.

Theo tính toán, với hệ thống 37 siêu thị trên toàn quốc, phục vụ được cho 70 triệu dân mỗi năm thì Big C có thể tiêu thụ được 1-2% tổng sản lượng xuất khẩu hiện nay”, bà Phương chia sẻ.

Tương tự, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty thương mại Hà Nội Hapro khẳng định: Hapro là đơn vị xuất khẩu nông sản lớn, với hơn 70 nước trên thế giới nên đã chủ động trao đổi với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước để mở rộng thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Mỹ, Bắc Mỹ, EU, Trung Đông, Nhật Bản ...

“Riêng thị trường trong nước, Hapro cam kết sẽ liên kết với địa phương, hiệp hội để tăng cường thu mua thêm nông sản của người dân khi không xuất được sang Trung Quốc. Ngoài ra, Hapro sẽ cùng vào cuộc cùng với các doanh nghiệp khác để tăng thêm sức tiêu thụ thanh long tại thị trường Mỹ...”, ông Sơn cho biết.

Nguồn: Báo giao thông

 

 

Công ty Trung Quốc đặt 500 container thanh long 50.000 đồng/kg, nay hủy hoặc chỉ trả 5.000 đồng  (05/02/2020)

Nhiều công ty của Trung Quốc như Hồng Thái Dương, Phú Quý... đặt cọc mua thanh long với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng đến nay các công ty này đều ngưng không mua, nếu mua cũng chỉ phá giá 5.000 đồng/kg.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới để thay thế cho thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn vì dịch virus corona - Ảnh: Trần Mạnh

Ông Phạm Văn Cảnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết như vậy tại hội nghị "Thúc đẩy đầu tư thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus corona" do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức chiều 3-2.

Theo ông Cảnh, hiện nay diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320.000 tấn.

Từ nay đến cuối tháng 2-2020, toàn Long An còn khoảng 30.000 tấn, trong đó 2.000 đang tồn kho và cuối tháng 2-2020 thu hoạch 28.000 tấn.

Về sơ sở chế biến, thu mua, tỉnh Long An có 154 cơ sở và 100 cơ sở có kho lạnh, trung bình 50 tấn/kho, tương đương sức chứa là 7.000 - 8.000 tấn.

Toàn tỉnh có 15 cơ sở bán trực tiếp thanh long sang Trung Quốc, còn lại gia công, chế biến cho các kho của người Trung Quốc. Có 6 cơ sở chế biến khô, 2 cơ sở chế biến nước trái cây.

Ông Cảnh cho biết thanh long của Long An chủ yếu là khách Trung Quốc (chiếm 75%) nên giá thanh long chủ yếu do các thương lái của Trung Quốc quyết định.

"Tuy nhiên, hợp đồng với nông dân không chắc chắn nên thường xảy ra rủi ro do bán qua thương lái.

Từ tháng 1 đến nay, có 2 công ty sức mua lớn là công ty Hồng Thái Dương mua 30 - 40% sản lượng, vừa qua công ty đặt cọc 300 container với giá mua 40.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay công ty này ngưng không mua, hứa hỗ trợ cho nông dân 4.000 đồng/kg.

Công ty thứ hai là Công ty Phú Quý hủy 200 container, nhưng phá giá mua 5.000 đồng/kg. Tương tự, một số công ty cũng đặt cọc giống như hai công ty trên rồi sau đó chỉ trả nông dân 5.000 đồng/kg" - ông Cảnh thông tin

Theo ông Cảnh, trước tình hình tiêu thụ khó khăn, bà con nông dân khi thanh long ra trái, gần chín mà giá thấp như vậy thì bà con cũng chặt bỏ, thiệt hại rất lớn.

Vừa rồi, tỉnh Long An đã đi qua Trung Quốc tìm hiểu, xúc tiến thanh long, tuy nhiên thấy tình hình khó khăn, do đó tỉnh Long An đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương hỗ trợ xuất khẩu thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho thanh long.

Đồng thời hỗ trợ xuất khẩu trái thanh long xuất khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối lớn trong nội địa. Hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, đồng thời mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát lại toàn bộ thời vụ thu hoạch, sản lượng, chủng loại các vùng, tới từng huyện, xã sản xuất các mặt hàng trái cây chủ lực (đặc biệt là thanh long) xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm sớm có giải pháp chủ động tiêu thụ.

"Bà con cần bình tĩnh, phối hợp với các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tránh tư thương ép giá, lợi dụng tình hình. Người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong làm ăn, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần phải có hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, tránh những rủi ro" - ông Toản nói.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

 

 

Giá heo hơi Miền Bắc và Nam bất ngờ tăng 4.000 đồng/kg  (05/02/2020)

Sau 2 ngày giảm liên tiếp, heo hơi tại miền Bắc và miền Nam hôm nay (5.2) bất ngờ tăng đến 4.000 đồng/kg tại một số địa phương.

Hai ngày trước (3 và 4.2) heo hơi giảm gần 10.000 đồng/kg được ghi nhận tại một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, đến sáng nay, giá heo hơi ở Thái Bình báo tăng 4.000 đồng/kg, lên mức 86.000 đồng/kg. Đây cũng là mức đỉnh từ trước Tết đến nay. Tại Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam… heo hơi dao động từ 80.000 - 81.000 đồng/kg; Bắc Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc… cao hơn, từ 80.000 - 83.000 đồng/kg; Hưng Yên đạt 83.000 - 85.000 đồng; thấp nhất được ghi nhận tại Tuyên Quang với là 78.000 đồng/kg.

Tại miền Nam cũng tương tự, heo hơi tại Tiền Giang bất ngờ tăng 4.000 đồng, lên 82.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại khu vực miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ giữ nguyên mức giá như hôm qua từ 80.000 - 82.000 đồng/kg, riêng tại Đồng Nai, có nơi báo giá thấp chỉ 78.000 đồng/kg.

Giá heo hơi khu vực miền Trung chững lại, dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Cao nhất tại các tỉnh từ Quảng Nam trở vào đến Bình Thuận, mức giá từ 83.000 - 85.000 đồng/kg. Riêng tại Tây nguyên, giá heo hơi hôm nay thấp hơn nhất trên cả nước với 74.000 - 76.000 đồng/kg.

Trong khi đó, các chợ truyền thống tại TP.HCM, giá thịt bán lẻ có dấu hiệu giảm do mãi lực thấp do học sinh, sinh viên, công nhân chưa quay trở lại đi học và đi làm do dịch cúm Corona được. Dự báo, tình hình này sẽ kéo dài hết tuần hoặc thậm chí sang tuần sau. Thịt ba rọi được bán tại chợ bán lẻ sáng nay (5.2) giá 160.000 đồng/kg, thịt sườn non 180.000 đồng/kg, nạc thăn 140.000 đồng/kg. Theo bảng giá của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam hôm nay (5.2), thịt nạc vai giá 140.000 đồng/kg, ba rọi 165.000 đồng/kg, chân giò 125.000 đồng/kg, nạc dùi 150.000 đồng/kg, thăn heo 165.000 đồng/kg. So với trước Tết, giá thịt heo trên thị trường bán lẻ đã giảm khá mạnh, giảm sâu nhất lên đến 70.000 đồng/kg với thịt ba rọi, các loại thịt nạc giảm khoảng 20.000 đồng/kg.

Nguồn: Báo Thanh Niên