CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 06/02/2020

09:00 06/02/2020

Nông sản miền Tây rớt giá thê thảm - Giá thu mua mít Thái giảm chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg - Dịch bệnh Vũ Hán khiến giá thanh long rớt thảm hại, chỉ còn 1.000 đồng/kg - Cam, chanh tăng giá - Cua biển rớt giá vì virus corona.

 

Nông sản miền Tây rớt giá thê thảm  (06/02/2020)

Do không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều nông sản, thủy sản ở miền Tây như cá tra, chôm chôm, khoai lang... rớt giá thê thảm.

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trước Tết nguyên đán khoảng 19.000 - 19.500 đồng/kg nhưng nay sụt tiếp khiến người nuôi thua lỗ bởi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Dũng (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), có diện tích nuôi cá tra khá lớn tại tỉnh Hậu Giang, cho biết trước Tết, nhiều mối hứa thu mua cá tra xuất sang Trung Quốc. "Mùng 6 tháng giêng âm lịch, cá đạt 700 - 800 g/con, hy vọng đến khi xuất bán cá đạt 1 - 1,1 kg/con nhưng những khách hàng đã hứa mua lấy cớ do dịch nCoV, bạn hàng Trung Quốc ngừng nhập khẩu nên không mua cá nữa" - ông Dũng thở dài. Hiện giá cá tra được vài thương lái thu mua tại ao của ông Dũng chỉ 17.500 đồng/kg.

Với diện tích thả nuôi như ông Dũng, sản lượng thu hoạch là hàng trăm tấn. Mỗi tháng tiền thuê nhân công chăm sóc ao nuôi gần 100 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn. Cùng hoàn ảnh, ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc hợp tác xã Nuôi thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), cho biết hợp tác xã còn khoảng 200 tấn cá tra nhưng không thấy công ty nào đến mua. "Vài ngày qua, có người đến mua cá quá lứa, loại từ 1,5 - 2 kg/con với giá 17.000 đồng để tiêu thụ nội địa. Với giá này, người nuôi cầm chắc lỗ. Tôi mong các bộ, ngành có hướng giải quyết tình trạng này" - ông Phong nói.

Sau Tết nguyên đán, chôm chôm tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đang vào mùa thu hoạch rộ. 70% sản lượng chôm chôm tại xã được xuất qua thị trường Trung Quốc. Bà Dương Thị Hằng (ngụ tại địa phương) vừa đầu tư 25 triệu đồng dàn tưới phun tự động cho vườn chôm chôm Java rộng 1 ha. Nhưng mấy ngày nay, do tình hình dịch bệnh, thương lái chỉ mua chôm chôm nhỏ giọt. Bà Hằng bộc bạch: "Tôi đầu tư vụ này hơn 100 triệu đồng nhưng giá chôm chôm Java chỉ còn 6.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm rồi. Thương lái chỉ mua mỗi ngày 1 tấn để bán cho các chợ, nếu 10 ngày nữa vườn chôm chôm không bán hết thì chỉ còn cách hái bỏ".

Ông Võ Văn Tước (55 tuổi; ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đang lo lắng trước việc phía Trung Quốc không thu mua khoai lang tím Nhật. Trước Tết, giá khoai lang tím Nhật được thương lái thu mua 430.000 đồng/tạ (1 tạ ở đây chỉ 60 kg). Nhưng sau Tết vài ngày, khi có dịch nCoV, phía Trung Quốc không nhập hàng nên thương lái báo cho ông Tước giá mua khoai lang chỉ còn 260.000 đồng/tạ. "Giá này lỗ, những người đi thuê đất trồng khoai lang thì lỗ nặng do chi phí nhiều hơn. Năng suất khoai lang đợt này rất đạt, từ 50 - 60 tạ/công (1.000 m²) . Nếu giá 430.000 đồng/tạ thì người trồng lãi vài triệu đồng/công" - ông Tước nuối tiếc. Do không thể xuất sang Trung Quốc nên khoai lang phải trữ lại trong kho nhưng chỉ được 1 tháng. Nếu không xuất được trong thời gian này thì khoai lang sẽ mọc mầm.

Trước Tết, giá mít Thái tại một số tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long... khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng đến mùng 6 tháng giêng chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân cũng do dịch bệnh, thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Hiện nhiều cơ sở thu mua mít Thái ở Hậu Giang, Vĩnh Long... vẫn chưa khai trương do giá giảm, không dám thu mua.

Nguồn: Báo người lao động

 

 

Giá thu mua mít Thái giảm chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg  (06/02/2020)

Hiện, giá mít Thái đã giảm nhiều so với thời điểm trước Tết Nguyên đán và có rất ít thương lái tìm mua, nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang lo lắng.

Mít Thái giúp nhiều nhà vườn ở tỉnh Hậu Giang khấm khá trong mấy năm gần đây. Thời điểm cao nhất, mỗi kg mít Thái được bán với giá từ 60.000 - 70.000 đồng. Do giá cao, dễ trồng nên thời gian qua nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, giá mít đã sụt giảm nhanh chóng.

Nếu trước Tết, giá mít Thái loại 1 (từ 9kg trở lên) bán được khoảng 28.000 đồng/kg; giá mít loại 2 (7-8kg) bán được khoảng 18.000 đồng/kg; giá mít loại 3 (dưới 7kg) bán được khoảng 13.000 đồng/kg thì hiện nay giá mít Thái giảm chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng thương lái lại mua “xô”, không phân loại.

Nhiều nhà vườn ở Hậu Giang cho biết, mít Thái chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng hiện nay, trước tình hình dịch bệnh corona đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, nên việc xuất khẩu trái cây này gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện, toàn tỉnh có gần 3.500 ha mít, tập trung ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và Long Mỹ, trong đó có hơn 1.700ha đang thu hoạch, ước năng suất đạt 23 tấn/ha.

Cùng với mít Thái, các loại nông sản khác được nông dân trong tỉnh trồng như dưa hấu, thanh long, chanh không hạt… cũng giảm giá sâu.

Nguồn: Vov.vn

 

 

Dịch bệnh Vũ Hán khiến giá thanh long rớt thảm hại, chỉ còn 1.000 đồng/kg  (06/02/2020)

Con đường xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc (chiếm đến 90% lượng xuất khẩu của Việt Nam hàng năm) bị tắc nghẽn đã khiến giá bán loại trái cây này ở miền Tây "chạm đáy" chỉ còn 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi, chợ lẻ ở TPHCM, giá bán tuy đã giảm, nhưng vẫn chênh lệch khá cao so với giá tại vườn.

Thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thanh long tại thị trường Long An và Tiền Giang- hai địa phương sản xuất lớn nhất ở miền Tây- được thương lái đặt tiền cọc thu mua của nông dân với giá lên đến 31.000 - 32.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online vào ngày 5-2, ông Nguyễn Văn Thuần, nông dân sản xuất thanh long tại ấp Trường Xuân A, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, thanh long loại 1, với trái có trọng lượng từ 400 gam trở lên được thương lái thu mua tại ruộng của nông dân chỉ còn 4.000 đồng/kg, tức đã giảm 28.000 đồng/kg so với trước Tết; loại “dạt”, tức phần còn lại sau khi thương lái chọn lấy loại 1 chỉ còn 1.000 đồng/kg, giảm đến 17.000 đồng/kg so với trước Tết.

Theo ông Thuần, tiêu chuẩn chọn thanh long đạt loại 1 hiện cũng khó hơn so với trước đó, mà cụ thể trái phải bóng đẹp, đặc biệt nếu như trước đó thanh long loại 1 chỉ cần đạt trọng lượng 360 gam/trái trở lên, thì hiện phải đạt 400 gam/trái trở lên.

Ông Thuần cho biết, với khoảng 3 tấn thanh long bán cho thương lái vào ngày 5-2, nếu như thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sẽ thu về được khoảng 80 triệu đồng, nhưng thực tế hiện nay bán chỉ được khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Trương Hải Bằng, chủ vựa thu mua thanh long Hải Bằng, ngụ tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, cho biết đối với những đơn hàng đã đặt tiền cọc vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, hiện nay giá mua xô (mua toàn bộ, không phân loại) của nhà kho này là 5.000 - 6.000 đồng/kg, giảm khoảng 23.000 - 24.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết. “Còn nếu mua theo giá thị trường, tức không có đặt tiền cọc trước đó, thì giá mua xô hiện chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, tức giảm 25.000 - 26.000 đồng/kg”, ông cho biết và nói rằng đa số các nhà kho hiện chỉ mua cho những đơn hàng đã đặt tiền cọc trước đó.

Còn theo thông tin từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TPHCM), hiện nay mỗi ngày có 78 tấn thanh long được nhập về chợ. Trong đó, vào ngày 4 và 5-2, thanh long có giá 20.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với ngày 3-2.

Đại diện của chợ đầu mối này dự báo, giá sẽ còn giảm tiếp do hiện không xuất khẩu đi Trung Quốc được, khiến áp lực lượng hàng về chợ tăng lên, trong khi lượng tiêu thụ sau Tết Nguyên đán chưa nhiều.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM), giá thanh long hiện "rớt" xuống còn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Còn ghi nhận tại một số chợ lẻ ở TPHCM, thì giá thanh long ruột trắng có giá 15.000 - 25.000 đồng/kg (tuỳ loại).

Trong khi đó, tại siêu thị Coop Mart Phú Thọ, quận 10 (TPHCM) giá khuyến mãi là 9.900 đồng/kg. Tại một số cửa hàng nhỏ, lẻ trên các tuyến đường và các cửa hàng tiện lợi, giá thanh long dao động từ 20.000 - 63.000 đồng/kg tuỳ cửa hàng, kích cỡ và chất lượng (sản xuất thường hay hữu cơ).

Khi khách hàng lớn nhất là Trung Quốc ngừng thông quan thanh long, giá của loại trái cây này đã rớt thê thảm xuống mức 1.000 đồng/kg tại nhà vườn. Đồ họa: Việt Dũng

Theo ghi nhận thực tế của TBKTSG Online, số lượng các nhà kho thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và khu vực thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đa số vẫn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, chỉ số ít các nhà kho đã đặt tiền cọc trước đó hoặc có đơn hàng bán cho doanh nghiệp nội địa thu mua làm nước ép, thì mới mở cửa trở lại, nhưng số lượng giao dịch cũng chỉ ở mức khá hạn chế.

Big C mua thanh long cho nông dân, bán giá 10.900 - 15.500 đồng/kg

Trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) khiến các tỉnh chuyên canh trồng dưa hấu và thanh long gặp nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm, chiều ngày 5-2, các hệ thống siêu thị Big C và GO! đã triển khai chương trình hỗ trợ nông dân trồng hai loại quả này bán hàng không lợi nhuận, nhằm kích cầu tiêu thụ.

Theo kế hoạch, các chuỗi bán lẻ Big C và GO!, thuộc Tập đoàn Central Retail, với 37 điểm bán trên toàn quốc dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long, và dưa hấu trong khuôn khổ chương trình này.

Các nhà bán lẻ này sẽ hỗ trợ người nông dân trồng dưa hấu và thanh long ở Bình Thuận, Gia Lai, Long An, Tiền Giang... bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị, nhằm chung tay giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn về đâu ra sản phẩm hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết chuỗi bán lẻ Thái Lan này sẽ tập trung thu mua nông sản bị ùn ứ. Chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long” sẽ được thực hiện trên toàn bộ hệ thống 37 siêu thị Big C và GO! ở Việt Nam, bắt đầu từ ngày hôm nay (5-2) và sẽ kéo dài liên tục cho đến khi hàng hóa nông sản của bà con các tỉnh thành nói trên dần đi vào ổn định.

Với chương trình này, Big C hy vọng sẽ tiêu thụ khoảng 40 tấn trái cây mỗi loại (thanh long, dưa hấu)/ngày, giúp bà con nông dân sớm ổn định tình hình và người tiêu dùng có sản phẩm ngon, chất lượng, giá tốt.

Tại các siêu thị Big C và GO! miền Bắc, dưa hấu ruột đỏ được Big C bán với giá 6.200 đồng/kg; thanh long ruột đỏ và ruột trắng bán đồng giá 15.500 đồng/kg. Tại các siêu thị Big C và GO! khu vực phía Nam, giá thanh long ruột đỏ miền Tây từ được với bán 10.900 đồng/kg; dưa hấu ruột đỏ 4.900 đồng/kg. Lê Hoàng

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn online

 

 

Cam, chanh tăng giá  (05/02/2020)

Hơn một tuần nay, nhu cầu trái cây giàu vitamin C tăng sức đề kháng phòng chống dịch tăng đẩy giá cam, chanh đắt hơn so với trước Tết.

Chị Hoa, ở quận 5 (TP HCM) cho biết, hơn một tuần nay ở nhà luôn trữ 5kg cam để uống nhằm tăng sức đề kháng. "Tuần trước tôi mua cam sành chỉ 20.000 đồng một kg nhưng nay đã lên 45.000 đồng một kg. Chủ vườn vừa báo hết hôm nay giá cam sẽ còn tăng thêm 5.000 đồng", chị Hoa bộc bạch.

Chị Hằng, chủ vườn cam ở Tiền Giang cho biết, hơn một tuần nay được khá nhiều thương lái hỏi mua với nhiều mức giá khác nhau. Mỗi ngày chị xuất cả tấn cam cho thương lái với giá tại vườn 20.000 - 25.000 đồng một kg, tăng 10.000 đồng so với trước tết.

"Vì bán liên tục, nhiều thương lái còn cắt gom bán ra Hà Nội nên chỉ hết tuần này là vườn cam nhà tôi hết hàng. Do đó, có thể các đợt sau giá cam sẽ còn điều chỉnh", chị Hằng nói.

Cũng cho biết cam tăng giá liên tục, chị Oanh chuyên bán cam trên đường Thống Nhất (Gò Vấp) liên tục báo giá tăng mỗi ngày. Theo chị, 3 ngày nay cam liên tục nhích 2.000 - 7.000 đồng một kg (tùy loại).

"Mấy ngày nay mỗi ngày tôi bán 3 tạ cam, nhiều khách còn gom hàng đi Hà Nội nhưng vì số lượng ít nên chỉ để dành bán lẻ. Nếu hôm qua mỗi kg cam sành có giá 25.000 đồng một kg thì nay đã lên 30.000 đồng và ngày mai có thể giá sẽ khác", chị Oanh nói.

Không chỉ cam mà chanh, tắc cũng bắt đầu tăng giá và đắt hàng. Theo tiểu thương tại chợ  Tân Định (Quận 1), mấy ngày nay bán được nhiều gấp đôi ngày thường. Giá chanh, tắc cũng đã thêm 5.000 đồng một kg so với tuần trước đó. Cụ thể, chanh đang được bán với giá 25.000 đồng một kg, tắc 30.000 đồng một kg.

Tại các hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, Big C, Lottemart, các mặt hàng trái cây giàu vitamin C như thơm, cam, chanh tắc khá hút hàng. Hiện, các siêu thị cũng liên tục tăng cường nguồn hàng để phục vụ khách.

Đại diện Chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức cho hay, lượng cam, chanh, tắc về chợ giảm mạnh so với trước tết. Trong khi đó, nhu cầu tăng mạnh khiến giá các sản phẩm này đi lên. Hiện, canh sành Vĩnh Long tăng từ 12.000 đồng lên 16.000 đồng một kg, tăng 33% so với tuần trước đó. Chanh, tắc cũng tăng thêm 10-20%.

Bên cạnh các mặt hàng trái cây giàu vitamin C hút khách thì các sản phẩm được chế biến sẵn như chanh đào mật ong, nước chanh sả cũng được khách đặt mua rầm rộ. Nhiều cửa hàng ở TP HCM cho biết, mỗi ngày họ bán ra cả trăm hũ chanh đào, tăng gấp chục lần so với trước đó.

Nguồn: Vnexpress

 

 

Cua biển rớt giá vì virus corona  (05/02/2020)

Hơn 650.000 đồng một kg cua biển ở miền Tây hồi cuối tháng 1, nay giảm hơn phân nửa vì không xuất sang được Trung Quốc do virus corona.

Ông Nguyễn Văn Lượm, ở huyện Cái Nước - một trong hai địa phương có diện tích nuôi biển lớn nhất cho biết, giá cua biển sau Tết Nguyên đán giảm mạnh. "Từ mùng 3 đến mùng 7 Tết, thương lái không thu mua cua biển trong dân vì không xuất sang được thị trường Trung Quốc", ông Lượm nói.

Gia đình ông Lượm có hơn 3 ha nuôi cua biển kết hợp với nuôi tôm quảng canh. Cũng như nhiều hộ nuôi cua khác, ông chọn thả giống vào tháng 9 hàng năm, nhằm đón đợt tăng giá vào dịp trước và sau Tết. Tuy nhiên, năm nay ông Lượm và nhiều hộ nuôi khác thất vọng vì giá cua sau Tết giảm sâu. Trước Tết, cua gạch trên dưới 650.000 đồng mỗi kg; cua y 300.000 - 450.000 một kg (tùy loại), thì nay giá mỗi loại cua giảm hơn phân nửa.

"Gần chục kg cua các loại của tôi thu hoạch đêm qua, nếu bán giá trước Tết sẽ được khoảng 6 triệu đồng, nhưng hiện tại chỉ bán được gần 3 triệu", ông Nguyễn Văn Quận cho biết.

Năm Căn - huyện có diện tích nuôi lớn nhất, với hơn 25.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh. Hàng nghìn hộ nuôi cũng đang đau đầu vì giá cua xu hướng giảm tiếp.

Các chủ vựa cua lớn ở đây cho hay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn xưa nay để xuất khẩu mặt hàng này, song gần đây thị trường này gần như "đóng băng" vì dịch bệnh corona, không thể xuất hàng sang nước này.

"Các đầu mối làm ăn bên Trung Quốc đều dừng lại, chỉ xuất bán được thị trường trong nước", chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn nói và cho biết, đa phần các thương lái gom cua về trữ lại.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau thừa nhận giá cua biển các loại giảm mạnh, có nơi thương lái không thu mua vì không có đầu ra, do virus corona. Tỉnh đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương nắm sát tình hình dịch bệnh, nhằm đưa ra khuyến cáo kịp thời cho nông dân.

Cà Mau có khoảng 300.000 ha nuôi trồng thủy sản (tôm - cua kết hợp), riêng cua biển chủ yếu xuất sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa.

Nguồn: Vnexpress