CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Điểm tin thị trường

Tin thị trường ngày 12/02/2020

09:00 12/02/2020

Giá rau sốt xình xịch thời dịch nCoV - Giá chuối tăng lên 11.500 đồng/kg, thương lái đặt mua cả chuối non - Đồng Nai: Giá tiêu chỉ còn 37 ngàn đồng/kg - Khóm trái tăng giá - Giá mít Thái giảm sâu, thương lái mua cầm chừng .

 

Giá rau sốt xình xịch thời dịch nCoV  (12/02/2020)

Một số loại rau Trung Quốc không còn được nhập về Việt Nam do ảnh hưởng của dịch nCoV đã khiến giá rau tăng vọt từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý.

Vựa rau xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) hiện có 304ha sản xuất rau, củ, quả, trong đó có 200ha canh tác theo hướng an toàn. Theo ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Cao (xã Tráng Việt), mỗi ngày HTX xuất ra thị trường gần 200 tấn rau, củ các loại, chủ yếu xuất bán ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc. Đặc biệt hơn chục ngày trở lại đây, giá rau liên tục tăng, nhất là các loại rau ăn lá tăng tới 300% so với trước Tết.

Lý giải về giá rau tăng đột biến, ông Kỳ cho rằng ngoài yếu tố thời tiết dịp Tết gặp mưa và hiện đang giai đoạn chuyển vụ rau thì nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona, dẫn tới việc một số loại rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam bị hạn chế, khiến thị trường rau trong nước không dồi dào như mọi năm.

Cùng nhận định, ông Trần Văn Mạnh, Giám đốc HTX Lý Nhân tại vùng rau xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) cho biết: Trước Tết, cửa khẩu các tỉnh biên giới lưu thông bình thường nên rau củ các loại của Trung Quốc tràn sang rất nhiều như cải thảo, súp lơ, bắp cải, xà lách, su hào, cà rốt... Riêng chợ đầu mối rau quả của xã Tiền Phong (chợ Yên), rau từ Trung Quốc nhập về thường chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên kể từ sau Tết đến nay, lượng rau Trung Quốc nhập về gần như vắng bóng, khiến giá rau trên thị trường nội địa tăng vọt.

Anh Lương Văn Thắng, một thương lái có 10 năm trong nghề buôn bán rau tại xã Tráng Việt cho biết trung bình, mỗi ngày anh thu mua cung ứng ra thị trường từ 6 - 7 tấn /ngày, nhưng ra Tết đến nay nguồn rau chỉ đủ thu mua khoảng 4-5 tấn/ngày.

Anh Thắng đánh giá những năm gần đây, chưa có năm nào giá rau sau Tết lại bất ngờ tăng cao và đắt hàng sau dịp Tết như năm nay. Tất cả các loại rau, củ, quả đều tăng giá đột biến. Củ cải trước Tết có giá thu mua chỉ 2.000 đồng/kg, sau Tết tăng lên đến 9 - 10.000 đồng/kg; rau ăn lá các loại trước Tết chỉ 2 – 3.000 đồng/kg, sau Tết giá lên 25 - 30.000 đồng/kg; dưa cải tăng lên 10 - 11.000 đồng/kg.

Anh cho rằng thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh Corona tiếp tục diễn biến phức tạp, giá rau vẫn sẽ giữ ổn định ở mức cao do nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc bị hạn chế và nông dân chưa kịp có rau vụ mới tung ra thị trường.

Đa số người trồng rau tại Mê Linh cho biết hầu như mọi năm, rau quả ra ngoài Tết thường rất rẻ, có những năm bà con nông dân bán không ai mua, thậm chí phải kêu gọi “giải cứu”. Tuy nhiên năm nay giá rau ra Tết đắt đỏ, nếu cứ tiếp tục giá tăng cao, thời gian tới có nguy cơ khan hiếm.

Nhiều hộ dân trồng rau ở Mê Linh thời gian qua đã thu bộn tiền nhờ việc rau tăng giá mạnh. Ông Lương Văn Phương (xã Tráng Viêt) hiện có 2 mẫu rau, một năm ông trồng 3 lứa rau các loại, mỗi tháng xuất ra thị trường thị trường Hà Nội khoảng 10 tấn. Ông Phương tính toán, nếu bù hết chi phí, hiện cho lãi 20-30 triệu/sào.

Ông Phương chia sẻ: Rau đang khan hiếm. Trước Tết, một số cải quá lứa, lá sâu bệnh bỏ đi, bây giờ vẫn bán đắt như tôm tươi, thậm chí cải Đông Dư dân bán cả bẹ. Cũng như người dân ở xã Tráng Việt, người dân trồng rau ở xã Tiền Phong cũng phấn khởi khi rau được giá.

Ông Trịnh Văn Côi (xã Tiền Phong) trồng hơn 4 sào su hào, nhưng đã bán hết 2 sào trong Tết, còn 2 sào ông đang bán với giá lên tới 40.000 đồng/kg. Ông Côi cho biết do rau khan hiếm, một số hộ dân đã tranh thủ bán trước thời vụ thu hoạch, tỉa quả nào to bán trước, quả nhỏ bán sau. 

Ghi nhận của PV NNVN tại thị trường Hà Nội, từ sau Tết đến nay, giá các loại rau củ quả luôn cao gấp 2 – 3 lần so với trước Tết. Cải xoong từ 5.000đ/mớ tăng lên 10.000đ/mớ; súp lơ từ 15.000 – 20.000đ/cây lên 30.000 – 35.000đ/cây; rau muống tăng từ 5.000đ/mớ lên 15.000đ/mớ; rau cần 17.000đ/mớ; nấm đùi gà từ 50.000/kg lên 100.000 – 120.000đ/kg; mùng tơi, cải cúc trong Tết 5.000đ/mớ là đắt, bây giờ từ 10.000đ/mớ mới mua được. Cải thảo mua ở chợ đầu mối hiện tại 20.000/cây, bán ở các chợ cóc lên tới là 25.000/cây; bắp cải mua vào 11.000đ/cây, bán ra 17.000đ/cây.

Chị Hồng, chủ sạp rau tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) lí giải: Thời điểm này hàng năm, một số loại rau thường nhập từ Trung Quốc về rất nhiều như hành tây, tỏi, một số loại rau ăn lá, tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona, hàng Trung Quốc không còn nhập về như mọi năm khiến nguồn hàng khá khan hiếm.

“Tôi bán hàng ở chợ từ 7h sáng đến 7h tối, nhưng những ngày gần đây chỉ đến 6h tối là hết rau để bán rồi. Trước rau rẻ mà ế, bây giờ rau đắt nhưng khách vẫn tranh nhau mua, thậm chí còn không có mà bán. Hiện nay đắt nhất là các loại rau ăn lá như cải mơ, cải ngồng, cải chíp…” – Chị Hồng cho biết.

Giá rau đắt đỏ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Thủ đô. Bà Huyền, một người dân tại quận Thanh Xuân, Hà Nội phải thốt lên khi được hỏi về việc giá rau quá cao: “Rau bây giờ đắt ngang thịt lợn!”. Huyền nhẩm tính gia đình có 4 người.

Ngày trước một cây cải thảo có thể ăn trong 2 bữa nhưng giờ giá rau đắt quá, phải chia ra thành 4 bữa. Trước đây đi chợ chỉ cầm 200.000 đ là xông xênh nhưng giờ thịt lợn đắt, rau cũng đắt nên không thấm tháp gì.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

 

 

Giá chuối tăng lên 11.500 đồng/kg, thương lái đặt mua cả chuối non  (11/02/2020)

Hiện giá chuối cấy mô tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang được thương lái thu mua với giá 11.500 đồng/kg hoặc 150.000 đồng/quầy, tăng gần gấp 3 lần so với tuần trước.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm - địa phương có hơn 700 hécta chuối cấy mô đang thu hoạch - cho biết, 2 ngày nay giá chuối cấy mô liên tục tăng. Thời điểm sáng ngày 6/2, giá chuối cấy mô nhảy vọt từ 7 ngàn đồng lên 10 ngàn đồng/kg, sang ngày 7/2 giá chuối tăng lên 11,5 ngàn đồng/kg, gấp gần 3 lần so với cách đây 1 tuần.

Giá chuối xuất khẩu tăng cao, nhiều thương lái đã đặt cọc mua chuối non với giá 150 ngàn đồng/quầy; chuối loại, chuối chợ gần như được thu gom hết với giá 7-8 ngàn đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi.

Theo tính toán của người dân, với mức giá ổn định 10 ngàn đồng/kg, người trồng chuối đã thu lợi khoảng 300 triệu đồng/hécta/vụ, cao hơn nhiều loại cây ăn quả khá. Những người nông dân ở đây cho biết, nguyên nhân giá chuối tăng đột biến là do các doanh nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài nước đã chính thức hoạt động trở lại sau một thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên cần lượng hàng lớn.

Bên cạnh đó, thông tin cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho thông quan nông sản vào thị trường Trung Quốc 2 ngày trước cũng tác động tích cực đến giá chuối; những tháng đầu năm Trung Quốc thường thiếu hụt loại mặt hàng này nên nhập khẩu số lượng lớn.

Hiện chuối cấy mô đang được thương lại địa phương thu gom đưa về các kho lạnh sơ chế, chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Thống kê tại huyện Trảng Bom có hơn 10 kho lạnh quy mô lớn phục vụ xử lý, đóng gói và xuất khẩu chuối sang thị trường lớn này.

Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 7 ngàn hécta chuối, được trồng nhiều ở các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và TP.Long Khánh. Trong đó, huyện Trảng Bom có diện tích lớn nhất, với 3 ngàn hécta.

Trái lại với giá chuối, giá nhiều loại nông sản khác vẫn ở mức thấp. Cụ thể, giá thanh long loại 1 trước Tết Nguyên đán hơn 40 ngàn đồng/kg, hiện tại còn 5-6 ngàn đồng/kg; giá bưởi da xanh trước tết 35-38 ngàn đồng/kg nay còn 15 ngàn đồng/kg loại 1, xoài cát còn dưới 10 ngàn đồng/kg.

Nguồn: Báo Đồng Nai

 

 

Đồng Nai: Giá tiêu chỉ còn 37 ngàn đồng/kg  (11/02/2020)

Thời điểm này, nhiều địa phương tại Đồng Nai bắt đầu vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Giá tiêu hiện đang dao động ở mức 36 - 37 ngàn đồng/kg, tiếp tục giảm khoảng 1 ngàn đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán 2020.

Bước vào vụ thu hoạch mới, nông dân trồng tiêu tiếp tục gồng mình gánh lỗ vì giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Dự báo giá mặt hàng này sẽ tiếp tục theo đà giảm khi rộ mùa thu hoạch. Giá hồ tiêu trên thị trường thế giới cũng đang giảm mạnh vì nhiều nước vào vụ thu hoạch làm mất sự cân đối của cán cân cung - cầu thêm tăng.

Năm 2019, Đồng Nai xuất khẩu tiêu được hơn 37 triệu USD, tăng hơn 2%, mức tăng này thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Nguồn: Báo Đồng Nai

 

 

Khóm trái tăng giá  (11/02/2020)     

Theo hộ dân trồng khóm ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, mấy ngày nay khóm trái đã tăng giá trở lại.

Cụ thể, khóm loại 1, thương lái thu mua tại vườn là 8.000 đồng/trái, tăng 2.000 đồng/trái so với những ngày trong tết. Giá khóm loại 2 là 4.000 đồng/trái. Bình quân một công khóm thu hoạch khoảng 2.000 trái, với giá hiện hay thì mỗi công khóm người dân thu được từ 10 triệu đồng. Sau đợt thu hoạch này, khoảng 2 tháng nữa người trồng khóm sẽ có thu hoạch đợt tiếp theo.

Nguồn: Báo Hậu Giang

 

 

Giá mít Thái giảm sâu, thương lái mua cầm chừng  (11/02/2020)

Ghi nhận ngày 6/2/2020, giá mít Thái thương lái thu mua tại vườn chỉ còn khoảng 6.000-7.000 đ/kg. Anh Giang (thương lái ở TX Phụng Hiệp- Hậu Giang) cộ chiếc xe máy chở tầm 100kg mít Thái cho hay, từ sau tết tới nay anh vẫn đổ về Vĩnh Long để mua mít cầm chừng: “Mình vẫn đổ đường, bỏ công cán, vốn liếng để mua giữ mối của các nhà vườn quen, dù giá mít đang xuống thấp”.

Theo anh Giang, có như vậy thì dẫu giá trái cây có lên hay xuống thì lái vẫn ăn hàng được lâu bền.

Chị Loan bán quán cà phê trên đoạn đường nông thôn dọc kinh Hai Quý (xã Thành Lợi- Bình Tân) nói ở đây chủ ruộng, nhà vườn đa số canh tác rẫy, trồng khoai lang, trồng mít Thái.

Một lão nông có trồng mít Thái ngồi trò chuyện với chúng tôi. Ông nói trước tết lái đến vườn thu mua tầm 20.000-30.000 đ/kg,

nay qua mùng giá chỉ còn 6.000-7.000 đ/kg. Các anh lái buôn nói mua giá đó kèm lựa chọn kích cỡ trái mít. Đến đợt thu hoạch, lái vẫn đến vườn cắt mít, dù giá đã giảm sâu, nhưng nhà vườn vẫn phải bán.

Len lỏi vào sâu nội đồng các xã Tân An Thạnh, Thành Lợi, Thành Trung (Bình Tân), nhiều người dân nói giá mít Thái giảm sâu có thể do thị trường tiêu thụ Trung Quốc ngưng ăn hàng. Nhiều người dân tỏ ra am hiểu nói có lẽ bệnh về đường hô hấp ở quốc gia trên đã gây ảnh hưởng.

Là thương lái, anh Giang hiểu rõ giá cả một số loại trái cây: mít Thái, sầu riêng, chôm chôm đang giảm sâu do tác động của thị trường. Với trái mít Thái, anh vẫn duy trì thu mua “giữ mối” mần ăn. Vào đợt mua ít anh đem bỏ lẻ các chợ, nếu thu mua nhiều thì anh thông qua đầu mối “đóng công” đi thị trường miền Trung, phía Bắc, qua Campuchia.

Đi Đường tỉnh 908, rồi vào trong vùng nội đồng ở xứ rẫy này, ngoài khoai lang, thì thấy nhiều vườn mít Thái các lứa bén rễ. Một vài năm trước, có thời điểm giá bán mít Thái 30.000-40.000 đ/kg, thậm chí 50.000 đ/kg. Lấy giá tròn trên, mỗi trái mít 15-20-25kg thu cả triệu đồng.

Hay mới cuối năm ngoái, giá bán loại trái cây này vẫn còn cao, thì đùng cái giá giảm sâu do thị trường chững lại.

Nhiều bà con nông dân canh tác nông nghiệp khi giá cao họ lời nhiều, giá giảm họ lời ít. Thương lái cũng vậy, nông sản giữ mạch tiêu thụ đều hay chững, họ cũng như người nông dân. Như trái mít Thái hổm nay, nông dân có bán, thương lái vẫn mua, còn thị trường tiêu thụ đang nhỏ giọt.

Nguồn: Báo Vĩnh Long