CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Sản xuất nông nghiệp An Giang đang chuyển dần sang hướng công nghệ cao

09:00 25/04/2020

Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy An Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang đã chủ động, tích cực, nỗ lực trong toàn ngành, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, các địa phương và người dân cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC.

Tư duy sản xuất dần thay đổi từ đặt nặng năng suất sang chất lượng

Qua 7 năm thực hiện, đánh giá chung đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), chăn nuôi (heo, bò), thuỷ sản (cá tra, lươn, con giống thuỷ sản), rau màu, dược liệu đã dần được xác lập, phương thức sản xuất từng bước chuyển biến theo hướng tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, chú trọng tổ chức sản xuất hàng hoá lớn, gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường, tư duy sản xuất dần thay đổi từ đặt nặng năng suất, sản lượng sang chất lượng, hiệu quả, hội nhập và bền vững.

Nhằm xác lập các vùng sản xuất trọng điểm ƯDCNC cho các đối tượng nông sản chủ lực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện sản xuất của từng địa phương, tạo thuận lợi cho tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá lớn, hình thành các vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, Sở NN-PTNT đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt 08 quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC cho 8 nhóm sản phẩm: lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu. Đồng thời, để hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất chuyển dần theo hướng nông nghiệp ƯDCNC, ngành Nông nghiệp cũng đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm bắp lai, bò thịt, nấm, tôm càng xanh và hoa kiểng. Đến nay, công tác tổ chức phát triển sản xuất 08 nhóm sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC theo các quy hoạch và theo các gói hỗ trợ đạt được một số kết quả nổi bật.

Thu nhập của người dân ƯDCNC tăng bình quân 20-25% so với biện pháp canh tác truyền thống

Đối với cây lúa, tính đến năm 2019, diện tích sản xuất lúa có áp dụng các kỹ thuật, công nghệ theo hướng nông nghiệp ƯDCNC đạt 69.897ha, bao gồm: diện tích sản xuất lúa giống chất lượng cao đạt 28.707ha; diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp theo tiêu chuẩn Global GAP, SRP, các tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường Châu Âu, Nhật… 31.190ha.

 Ngoài ra, diện tích sản xuất lúa theo quy trình 1 Phải 5 Giảm năm 2019 đạt 260.400ha. Các giống chất lượng cao được sản xuất chủ yếu: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM6976, OM5451, OM9582, IR50404, nếp CK2003, CK92, nếp thơm và một số giống của công ty Lộc Trời như: LT01, LT18,…..

Trong sản xuất lúa, nông dân đã ứng dụng trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, máy cấy, máy phun hạt giống,… góp phần tăng năng suất lúa bình quân 0,2 – 0,3 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất từ 16 - 20%. Ước tính, thu nhập của người trồng lúa theo hướng ƯDCNC tăng bình quân 20-25% so với biện pháp canh tác truyền thống.

Đối với thuỷ sản, tính đến cuối năm 2019 diện tích nuôi thủy sản thu hoạch trên toàn tỉnh đạt 3.473ha, với tổng sản lượng 538.000 tấn. Đối với cá tra là sản phẩm chủ lực ở tỉnh đã có sự phục hồi và tăng trưởng tốt với khoảng 1.243ha nuôi (diện tích nuôi thu hoạch cả năm đạt 1.530ha), sản lượng đạt 425.000 tấn, tăng so với kỳ trước là 176.000 tấn. Trong đó, sản lượng cá tra từ diện tích nuôi có ƯDCNC đến cuối năm 2019 đạt tỉ lệ 75,73% trên tổng sản lượng cá tra toàn tỉnh.

Thu nhập của hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 20% (so mục tiêu quy hoạch đến 2020 là 30%). Diện tích nuôi có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hành nuôi tốt theo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng được mở rộng, đến hiện tại diện tích nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như ASC, BAP,…đạt 451 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 260.000 tấn/năm.

Đối với chăn nuôi, trong giai đoạn 2012-2019, tổng đàn bò tăng 16.706 con. Năm 2019, chăn nuôi hướng nông nghiệp ƯDCNC đạt 74.083 con, trong đó có 599 con bò, 19.186 con heo, 54.298 con gia cầm. Tính đến thời điểm 12/2019, toàn tỉnh có 4 trại bò, 15 trại heo, 9 trại gia cầm. Thu nhập của hộ chăn nuôi theo hướng ƯDCNC tăng 10 -20.

Đối với rau màu, diện tích sản xuất rau màu hướng nông nghiệp ƯDCNC năm 2019 đạt 7.472ha trong tổng số 20.147ha rau màu toàn tỉnh, đạt 37,1%, trong đó: Phát triển và nhân rộng có hiệu quả diện tích sản xuất ƯDCNC 6.900ha (so mục tiêu quy hoạch là 7.400ha). Thu nhập của nông dân trồng rau màu ƯDCNC ước tính tăng 20 - 25% so với sản xuất thông thường tại thời điểm năm 2019 (so mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 là 30%).

Đối với cây ăn trái, từ năm 2012 đến 2019 diện tích cây ăn trái tăng khoảng 7.238ha (năm 2012 là 8.360ha), chủ yếu là tăng xoài, chuối cấy mô, nhãn và cây có múi khác. Diện tích trồng cây ăn trái hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ƯDCNC của 4 đối tượng chủ lực là Xoài 10.787ha, Chuối 1.537ha, Nhãn 294ha và Cây có múi nói chung 1.376ha, đạt tổng diện tích 13.994ha. Năng suất bình quân tăng từ 10,82% so với năm 2012 và giá trị sản lượng cây ăn trái chủ lực đạt trên 170 - 180 triệu đồng/ha/năm (so mục tiêu quy hoạch là 150 triệu).

Đối với nấm ăn, nấm dược liệu, phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu bước đầu đạt so với mục tiêu quy hoạch được phê duyệt, cụ thể: năng suất nấm rơm đạt 10-15% khối lượng rơm nguyên liệu; hiện có 10-20 cơ sở cung cấp phôi giống, meo giống kết hợp thu mua sản phẩm tại Chợ Mới, Châu Thành, Châu Đốc, Phú Tân; tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động thường xuyên và khoảng 50.000 lao động thời vụ.

Số lượng nhà trồng nấm rơm ở tỉnh tính đến cuối năm 2019 là 250 nhà trồng, tương ứng khoảng 60.000 mét mô nấm, đạt 27,3% so với mục tiêu quy hoạch là 220.000 mét mô. Năng suất nấm rơm trong nhà đạt 1,5kg trên 1 mét mô, đạt 15% trên khối lượng nguyên liệu khô, hiệu quả kinh tế từ 1,5 - 3 triệu đồng/nhà (60 mét mô cho mỗi đợt trồng, thời gian khoảng 2 tháng).

Đối với dược liệu, diện tích trồng cây dược liệu các loại ở tỉnh hiện nay vào khoảng 250ha. Kết quả thực hiện quy hoạch vùng trồng và phát triển cây dược liệu tính đến năm 2020 đạt 80% mục tiêu quy hoạch. Diện tích cây dược liệu đến năm 2018 đã tăng khoản 20% so với những năm 2012. Từ năm 2019 – 2020 không tăng và có chiều hướng giảm do khó tiêu thụ sản phẩm. Các loại dược liệu phổ biến là cây hyền tinh, hồng quân, đinh lăng, cây nhàu, rau dừa cạn...

Đối với hoa kiểng, diện tích sản xuất hoa kiểng hiện nay ước tính đã tăng trên 100ha so với thời điểm thống kê năm 2014 là khoảng 60ha. Nhiều chủng loại hoa kiểng đã được phát triển mạnh những năm qua, tiêu biểu là hoa nền (cúc, vạn thọ, huệ, đồng tiền, cát tường…) ước tăng hơn 5 triệu bông so với 2012; cây kiểng các loại đa dạng như mai vàng, mai chiếu thuỷ, tùng, linh sam,... Ngoài ra, sản xuất phong lan cũng phát triển rất mạnh, các giống lan đẹp, có giá trị kinh tế cao được trồng phổ biến dần thay thế denrobium như: Hồ điệp, mokara, catlaya, nghinh xuân, giả hạt, lan rừng,...

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC

Xác định mục tiêu, nhiệm vụ còn lại phải đạt đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 09 của Tỉnh uỷ, đồng thời xác định lộ trình từng bước cụ thể cho nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC, gắn chặt với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, từ đó ngành Nông nghiệp chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, trong đó đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư và tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực.

Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc thù, thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển nông nghiệp ƯDCNC, trong đó chú trọng vào hướng dẫn quy trình thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ ưu đãi cho tổ chức, cá nhân, tạo quỹ đất để mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ƯDCNC.

Khẩn trương rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn và tầm nhìn đến 2030, hình thành, phát triển các hệ thống sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp chất lượng cao tập trung tổ chức sản xuất hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC quy mô hàng hóa cho từng địa phương cụ thể theo hướng mỗi địa phương có 1 đến 2 sản phẩm chủ lực.

Hương Huệ