CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Trồng trọt - BVTV

Độc đáo nông cụ "3 trong 1" - Tiện ích cho nhà nông

10:15 22/08/2019

Với tính năng tiện ích 3 trong 1, chiếc máy trang, trạc, khoan đường nước hiện là nông cụ hỗ trợ thiết thực cho nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ mùa vụ mới.

Đó là chiếc máy do anh Huỳnh Thanh Phương ở ấp Bình Bình Lợi, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang chế tạo đáp ứng nguyện vọng của nhiều nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Anh Huỳnh Thanh Phương cho biết: “Đất có nước thì khoan rất êm, không nước vẫn khoan được. Khi mà mình ‘trang, trạc rồi khoan thì nó rút đường nước ở đó rất sạch luôn. Mình sạ lúa giống, rút nước xong là nó khô luôn nên bà con mình khỏi đụng tay vô, khỏi cào, khỏi sửa gì hết”.

Máy có chiều dài 3 mét; chiều ngang 1,6 mét, gồm một máy dầu điều khiển động cơ chạy trên ruộng; 2 bánh lồng sắt; 1 ống khoan; 1 tấm sắt vừa trang vừa trạc đất dài 7 mét. Hầu hết các thiết bị đều do anh Phương tự nghiên cứu thiết kế theo kiểu dáng độc quyền. Ngoài tính năng trang, trạc đất tính độc đáo của chiếc máy này là giàn khoan đường nước, đây là chức năng quan trọng nhất thay thế sức con người rút ngắn thời gian đào đường thoát nước bằng tay trước khi gieo sạ. “Cây khoan mình đặt ở sau để khi trạc thì rút nó lên còn khoan thì mình hạ nó xuống cho gọn… cho nên một máy mà có thể sử dụng được hai, ba chuyện vậy đó”. Anh Phương cho biết thêm.

Rất nhanh chóng và hiệu quả, một giờ máy có thể trang, trạc rồi khoan khoảng 150 tầm đất, mỗi tầm dài 3 m thay vì phải cần 2 lao động đào bằng tay mới có thể hoàn thành trong 2 ngày. Ưu điểm của máy là khoan đều, đẹp, thẳng hàng, đất không bị vùi lấp, độ sâu đường khoan khoảng 30cm, ngang 22cm, giá tiền công khoan thuê cho nông dân mỗi tầm chỉ tốn 3.000 đồng. Nói về tính tiện ích và hiệu quả kinh tế của chiếc máy anh Phương chia sẻ: “Một người làm hai ngày mới rồi 100 tầm, móc cho sạch nước để xả ra còn chiếc máy này tôi chạy chưa đầy một tiếng đồng hồ là được 100 tầm đó rồi mà tiền công ít hơn thay vì hai người mà mình mướn 2 ngày tiền công ít nhất cũng 500 ngàn đồng, còn cái máy này chỉ tốn 200 mấy chục ngàn đồng”. 

Tùy vào thiết bị khoan ben thủy lực tự động hay thiết bị khoan tay mà máy có giá bán từ 30 đến 35 triệu đồng. Hiện nông cụ sáng tạo của anh Huỳnh Thanh Phương được nông dân trồng lúa ở các cánh đồng lớn ưa chuộng vì vừa tiết kiệm chi phí canh tác, vừa ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên diện rộng.

 

 

Bảo Phong